- Pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ra đời rất muộn, do vậy ý thức của người dân cũng như việc tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa thực sự phổ biến.

Tin bài khác cùng chuyên mục:

Cháu là học sinh đang học lớp 11, trong một lần nhà trường tổ chức cuộc thi những thiết kế sáng tạo và có tính khả thi cao trong đời sống. Cháu đã mày mò sáng tạo và đạt giải nhất với nồi cơm hẹn giờ nấu. Tuy nhiên sau đấy một thời gian, cháu xem tivi chương trình truyền hình một cuộc thi sáng tạo lớn, cháu thấy sáng chế của cháu được mang đi tham gia cuộc thi với tên của một người khác mà cháu không hề biết.

Sáng chế của cháu đã đạt giải ba của cuộc thi đó. Cháu tìm hiểu và được biết, người mang sáng chế của cháu đi dự thi là thầy hiệu phó của trường (thầy là Trưởng ban giám khảo cuộc thi tổ chức ở trường). Cháu đã đến gặp thầy và yêu cầu thấy công bố sự thật. Nhưng thầy không những không đồng ý mà còn đe dọa sẽ đuổi học cháu nếu cháu tiết lộ cho người khác biết điều này.

Xin báo và luật sư cho cháu lời khuyên để đòi lại sự công bằng mà không ảnh hưởng đến việc học tập của cháu. Cháu xin cảm ơn.

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ra đời rất muộn, do vậy ý thức của người dân cũng như việc tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa thực sự phổ biến. Trừ một số ít những phát minh liên quan đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp còn lại đại đa số những phát minh mới ở dạng nhỏ lẻ chưa được đăng ký bản quyền ở cục SHTT (Sở hữu trí tuệ). Vì thế khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi của những nhà phát minh “nhí” như bạn rất khó để được bảo vệ.

Theo quy định tại K3, Điều 6 – Luật SHTT, Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;

Như vậy quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế của bạn chỉ được pháp luật công nhận khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặc dù sáng chế của bạn đã được thừa nhận trong trường trước sự chứng kiến của rất nhiều người, nhưng sáng chế đó vẫn chưa được cấp văn bằng bảo hộ nên nếu tranh chấp giữa bạn và thầy giáo xảy ra thì bạn cũng rất khó để được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên trong trường hợp này bạn có thể lấy ý kiến của tập thể học sinh trong trường, những người liên quan biết và có thể làm chứng cho bạn. Sau đó bạn gửi những ý kiến này lên ban tổ chức cuộc thi sáng tạo yêu cầu rút lại giải thưởng đã trao cho thầy giáo bạn. Bạn hoàn toàn có thể làm điều này, bởi đó là quyền lợi hợp pháp của bạn. Đồng thời bạn cũng sẽ nhận được sự đồng tình của những người liên quan. Dưới sự ủng hộ của bạn bè cùng các giáo viên có đạo đức và tâm huyết trong trường, chúng tôi nghĩ rằng thầy hiệu phó của bạn sẽ không có quyền và không thể đuổi học bạn.

Ngoài ra, theo chúng tôi bạn nên nhanh chóng làm hồ sơ gửi đến cục SHTT để được xem xét bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế (nếu có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp) hay Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (nếu chỉ có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp) – Điều 58, Luật SHTT.

Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, bạn sẽ có đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu sáng chế, tác giả sáng chế. Trong đó có quyền nhân thân với tư cách là tác giả sáng chế: “Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích…Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế…” – K2, Điều 122, Luật SHTT; Điểm a, K1, Điều 751 BLDS.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, văn phòng luật Hoàng Kim, SĐT: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).