“Đằng sau sự phá sản của 49.000 doanh nghiệp” (http://vef.vn/2011-10-14-dang-sau-su-pha-san-cua-49-000-doanh-nghiep#comment-336186612) thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Rất nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Sau khi có Luật Doanh nghiệp 2005, tuởng là bình đẳng nhưng bao nhiêu nguồn lực đều dồn cho doanh nghiệp nhà nước...

Doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử

Email ndthuong254@yahoo.com viết: Doanh nghiệp tư nhân chưa thoát khỏi giai đoạn “vì túng mà tính”. Đầu tiên là không có công ăn việc làm nên mạnh dạn, liều lĩnh làm cái gì đó để tồn tại. Sau một quá trình dài làm kinh doanh bị xem là con buôn, nên họ không tự tin. Sau khi có Luật Doanh nghiệp 2005, tuởng là bình đẳng nhưng bao nhiêu nguồn lực đều dồn cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các doanh nghiệp dân doanh như doanh nghiệp tôi thì cứ như người còi xương, suy dinh dưỡng vậy, doanh nghiệp tôi sẽ không chết, nhưng lớn lên thì rất khó. Tôi thấy môi trường kinh doanh không thuận lợi cho kinh doanh phát triển mà chỉ thuận lợi cho tham nhũng phát triển.

 “DNNN là cái bình hồ lô hút hết mọi nguồn lực”. Đó là ý kiến của email google_check@yahoo.com, cụ thể là: "Vay vốn, DNNN được ưu tiên giải quyết trước.  Mua ngoại hối để nhập khẩu DNNN được ưu tiên, giải quyết trước. DNNN nợ xấu được khoanh vùng dãn nợ. DNNN được cấp vốn làm ăn (kể cả lỗ vẫn được cấp vốn), không phải bị phá sản. DNNN dùng vốn được cấp ấy đẻ ra các công ty con, mua hàng hóa về cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân thì làm sao có cạnh tranh công bằng? Doanh nghiệp tư nhân mà phá sản thế, chứ phá sản nữa cũng không có gì là lạ."

Email caibanghanoi@yahoo.com  bổ sung: "Vốn ODA được các ông/bà doanh nghiệp nhà nước ôm hết. Vốn FDI cũng được các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên đổ vào các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước/cổ phần hóa, vì họ biết các doanh nghiệp nhà nước/cổ phần hóa là "con đẻ" của  nhà nước nên sẽ được hậu thuẫn nhiều thứ từ phía Chính phủ. Chỗ nào "thông tiền khoáng hậu" địa điểm vàng là các doanh nghiệp nhà nước nắm hết."

Vì thế, email liiejunsen@yahoo.com kiến nghị làm cách nào giải quyết dứt điểm một số lượng lớn các DNNN kinh doanh không hiệu quả nhưng vẫn mãi tồn tại, tiêu tốn nhiều tiền thuế của dân và để lại rất nhiều hậu quả xấu về nhiều mặt?

Môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn


Email nguyentran2000@yahoo.com than thở: "Doanh nghiệp của tôi đã tồn tại và sống tốt trong các năm 2008, 2009, 2010 và 6 tháng 2011 vẫn ổn, nhưng bây giờ thì thật là tệ hại. Doanh nghiệp sống phải dựa vào dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhưng các doanh nghiệp chết hết thì  bán sản phẩm cho ai, dịch vụ ai sử dụng. Vì thế, doanh thu càng ngày càng giảm, trong khi chi phí khác và tiền đóng BHXH, bảo hiểm Y tế lại tăng. Có thể sắp tới sẽ phải cắt giảm chi phí để tồn tại, cắt giảm nhân sự để giảm chi phí tiền lương và tiền đóng BHXH."

Cùng chung cảm nhận như trên, email nguyen@yahoo.com cho rằng: Con số 49.000 doanh nghiệp phá sản là vẫn còn ít, trong thời buổi kinh tế khủng hoảng này càng làm ăn lớn, nhưng không căn cơ , không có" tầm nhìn" là sẽ càng "chết" sớm, đó là điều chắc chắn!

Bạn đọc này chia sẻ nỗi lo của các doanh nghiệp tư nhân: Tôi cũng có nghề tay trái là kinh doanh, nhưng tôi  kinh doanh bằng vốn riêng của mình không vay của ai, và tất nhiên là không sợ vỡ nợ và thất bại, không sợ phá sản, đêm đến nằm ngủ không bị những giấc mơ ám ảnh vì nợ ...Làm ăn trong thời buổi nầy mà vướng vào nợ, ám ảnh của nợ thì sẽ chết dần chết mòn.

“Quả thật tôi ngưỡng mộ và rất thương các chủ doanh nghiệp tư nhân
”, đó là ý kiến của email nmoclan@yahoo.com. Theo bạn đọc này thì: Trong các thành phần kinh tế, khu vực tư nhân là năng động nhất, đóng góp nhiều việc làm nhất, lợi nhuận/đồng vốn cao nhất nhưng lại không được hưởng ưu đãi gì. Kinh doanh bằng vốn của mình, tự chịu trách nhiệm lỗ lãi, nộp thuế thu nhập cao ngất, phải bôi trơn đủ mọi cơ quan quản lý từ thuế má, hải quan, chính quyền địa phương các cấp, các ngành.

Còn email nguyendinhphong8844@yahoo.com lại nhìn nhận từ một góc độ khác: Thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân phải nói là quá kém, đa phần nặng về chụp giật, phồng lên từ đất và công nghệ đánh bóng bằng tiền vay Ngân hàng.

Vì thế, bạn đọc này cho rằng: Việc các doanh nghiệp phá sản để lọc ra các doanh nghiệp sản xuất thực chất là rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước, không nên lo.

Nhà nước nên nhìn thẳng vào thực tế hiện nay và thay đổi cách đối xử với khu vực tư nhân. Hãy thành lập quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay ưu đãi, có thể phân thành nhiều loại ưu đãi. Sản xuất hàng thiết yếu, nông sản thực phẩm được ưu tiên hàng đầu (có thể vay lãi suất 0%), sau đó đến doanh nghiệp phân phối, lưu thông.” Đó là kiến nghị của email nmoclan@yahoo.com.  

Ban Bạn Đọc