- Ở phòng 510, tầng 5, Viện Bỏng Quốc gia có một người mẹ mà ai hỏi chuyện cũng khóc, khóc nức nở mà không ngăn lại được… Khi nói chuyện, cô thật thà kể “Cô nghĩ đời mình cực quá, đen đủi quá thì cô khóc, chứ cô cũng không sao lắm đâu!”

Câu chuyện của cô Minh cứa vào gan ruột của mọi người, ở đâu ra một người đàn bà khổ thế!

Đau khổ nhìn người thân ra đi

Sinh năm 1964, cô Hà Thị Minh ở tại xã Phú Lạc, Cẩm Khê, Phú Thọ là người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh. Năm 22 tuổi cô lấy chồng, 25 tuổi thì chồng đang khỏe mạnh đổ bệnh “thần kinh não”, 2 năm chăm chồng không qua cơn đau yếu thì chồng chết, để lại cho cô 2 người con nhỏ, Thắng 4 tuổi, Lợi 2 tuổi.
Ở địa phương, cô Minh được xếp vào hạng “bần nông” vì đau ốm liên miên của chồng và con

Các con được chăm nuôi bằng hạt gạo làm thuê, cuốc mướn của mẹ cũng mau lớn học giỏi. Thế nhưng “đùng một cái” Lợi lên 12 thì mắc “bệnh bại liệt”, hỏng dây thần kinh, ngồi lâu trong yếu ớt nên nửa thân dưới bị hoại tử dần và chết.

Cô Minh dồn tình thương lên cậu con cả, từ ngày con út và chồng chết, hai mẹ con Minh - Thắng dựa vào nhau mà sống, thế nhưng lên 17 tuổi, Thắng cũng đổ bệnh. Thắng bị liệt dây thần kinh như em, đi viện chữa trị 1 năm không khỏi, Thắng thành tàn tật, ngồi xe lăn, mọi sự sinh hoạt dựa hết vào mẹ.

Chồng và con trai út đều chết vì những căn bệnh hiểm nghèo, đứa con còn lại cũng bệnh y hệt đứa đã chết khiến cô Minh có suy nghĩ tiêu cực. Lúc nào cô cũng nghĩ mình vô dụng.

Nhà có 2 sào ruộng, mùa vụ nào làm xong cô cũng cố đi làm thuê, hết mùa làm ruộng cô đi gánh gạch… Mỗi ngày làm nửa ngày rồi lại chạy về nhà xem con. Thế nhưng thể trạng của Thắng rất kém, gắng gượng từng ngày và bệnh có phần diễn biến xấu hơn.

Bệnh có nguy cơ hoại tử nửa thân dưới

Đến 1 tháng trước, Thắng đổ bệnh nặng hơn thật. Ban đầu là sốt, sau đó là mùi thịt hỏng bốc lên từ phần thân dưới… Cô Minh cứ bảo lỗi tại mình, lỗi tại cô chăm con kém, con chỉ còn da bọc xương, ngồi nhiều con bị hoại tử phần mông, mủ đầm đìa, thịt hôi thối, phải khoét đi.

Những ngày kinh hoàng nhất của cô Minh là những ngày thấy Thắng cứ kêu đau khắp người, sốt hàng chục ngày mà uống hạ sốt không đỡ. Cô Minh vịn vai con: “Mẹ thương con lắm nhưng con cố chờ mẹ đi vay tiền”. Đi vay khắp nơi được vài triệu, cô Minh cho Thắng đi viện.
Hai mẹ con đều sợ chết vì họ vốn đã dựa vào nhau, mất một người, người kia cũng chẳng thiết sống

Viện Cẩm Khê từ chối, viện Phú Thọ từ chối, Thắng phải xuống tận Viện Bỏng Quốc gia. Cô Minh than thở: Con đau lắm lại phải chuyển viện gấp nên đi bằng taxi, mà taxi thì tốn kém! Xuống đến Viện Bỏng phải nộp đủ thứ tiền nhưng mà gia đình chỉ còn 2,9 triệu, các bác sĩ nghe về hoàn cảnh nên đã cho nợ.

Ở phòng bệnh 510, cô Minh phải vịn vào cái đùi run run và yếu đuối của con trai mới có thể nói chuyện. Cô mặc áo sơ mi kẻ ca rô, từ thủa xưa. Họng cổ nghẹn nghẹn yếu ớt và tay chân run rẩy.

14 ngày ở viện, bác sĩ lúc nào cũng dặn cô “Cô phải cho con ăn thì mới có sức để mổ”. Mua 2 suất cơm ở bệnh viện 30 nghìn, gắp phần thức ăn ngon bón cho con, cô ăn rau. Được ăn cơm ngon, Thắng đang hồi sức để chữa bệnh. Đến lúc này nhìn lại bệnh nhân khá lên bác sĩ nói mẹ: Được chăm một chút đã hồng hào lên thế kia, chứng tỏ ở nhà mẹ chăm con kém…

Chỉ nghe đến thế cô Minh lại khóc, ở nhà mẹ đi bắt cua, bắt ốc rồi nấu nướng gọi con dậy ăn, chứ nhà không có gì để bồi bổ cho con cả. Con gầy yếu lại sinh bệnh trong người nhưng không dám kêu mẹ vì thương mẹ nghèo, thế rồi để bệnh nặng hơn.  

Bây giờ cứ nhìn Thắng lúc đau cô lại nhớ Lợi, người con đã mất. Tâm trạng của cô lại càng khủng hoảng: “Ngày trước con đau ốm nhà không có tiền, để con sốt cao, máu mủ tứa ra rồi đuối dần và mất… Cô sợ lắm, sợ Thắng cũng mất như Lợi ngày xưa”. Thương con, cô Minh lại trách mình vì nghèo nên để con khổ.

“Con chết mẹ ở với ai?”

Hai mẹ con cô Minh xuống Hà Nội chăm nhau. Họ ở Hà Nội được 14 ngày và tiền đã hết. Cô Minh nhắn người anh ở trên quê bán thóc giúp để gửi tiền xuống. “Nhà cô còn 2 tạ thóc, cô tính rồi cứ bán lấy tiền đã, sau này nếu mẹ con về được thì lại đi vay để ăn”.

Nhưng “đã rủi lại còn đen”, ở nhà không có trâu bò hay chó chỉ có mỗi đàn gà hơn chục con trước khi đưa con xuống viện còn sống khỏe, nay người nhà trên ấy nhắn xuống vì không có người chăm nom nên gà chết hết.

Những khoản trông chờ bán để lấy tiền chữa bệnh cho con của cô Minh hết dần.

Thắng có nguy cơ bị hỏng nửa phần từ hông xuống chân nếu không được chữa trị. Quá trình chữa bệnh của Thắng phải rất lâu dài bởi còn chờ phục hồi sức lực mới có thể phẫu thuật…

“Cô chỉ có một mình nó, nó chết đi cô ở với ai? Cô nghĩ cực quá nên cầu xin mọi người giúp con cô…” qua báo VietNamNet cô Minh van nài.

Cuộc đời của cô Minh và em Thắng đã chồng chất nỗi khổ, mong lắm sự giúp đỡ của bạn đọc để hai mẹ con vượt qua khó khăn:

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Trực tiếp tới viện: Mai Văn Thắng phòng 510, khoa Liền vết thương, Viện Bỏng Quốc Gia, Hà Đông, Hà Nội.
 
2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ mẹ con Hà Thị Minh, Mai Văn Thắng)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn

  • Phan Minh