- Đến hạn không có đủ tiền trả, trong khi đa phần những người vay tiền chấp nhận phương án tiếp tục đóng lãi để “gia hạn” cho đến khi dồn đủ tiền trả gốc thì cũng có một số người lại chọn phương án…đào tẩu để trốn nợ.


Khốn khổ vì đóng lãi…

“Những tưởng trong một tháng là mình có thể gom đủ số tiền 50 triệu đồng để trả cho chủ nhưng ai ngờ…quay đi quay lại đã hết hạn trong khi tiền thì vẫn chưa được là bao nhiêu nên tôi lo phát ốm vì lời dặn của bà chủ cho vay “Đến hạn không trả tiền sẽ bị phạt lãi gấp nhiều lần”.

Cuối cùng, không còn cách nào khác tôi đành phải dùng đến “Khổ nhục kế” là đưa con đến phòng khám tư nhân nhờ bác sĩ ở đó ghi bệnh nặng rồi mang quyển y bạ đến nói khó với bà chủ cho vay để xin đóng lãi thêm 1 tháng. Cũng may là bà ấy cũng không đến nỗi nào, đồng ý cho gia hạn thêm 1 tháng nhưng vẫn phải đóng lãi tăng thêm 2000 đồng/ 1 triệu/ 1 ngày” – Chị Vân, người bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân kể.
Ảnh minh họa
Không được may như chị Vân, sau 3 lần gia hạn mà vẫn không trả được khoản nợ 250 triệu đồng vay để trả trước tiền vật liệu, anh Đức – thầu phụ xây dựng ở khu vực Cầu Giấy đã bị phạt lãi gần bằng 1/3 số tiền gốc. Anh Đức than: “Vẫn biết là lỗi tại mình không trả tiền đúng hạn nhưng họ phạt như thế thì cao quá. Nhưng cũng còn may là sau lần phạt thứ 3 thì tôi đã thu được tiền về trả và những người cho vạy họ cũng chưa làm ầm ĩ lên để gây mất uy tín của mình”.

Cho dù không bị phạt lãi và cũng không bị nâng lãi lên vài giá như chị Vân và anh Đức nhưng với chị Minh ở Vĩnh Phúc, Ba Đình thì việc xoay sở được khoản tiền lãi lên tới gần 7 triệu đồng/ 1 tháng quả thật không phải chuyện đơn giản bởi thu nhập của 2 vợ chồng một tháng chỉ hơn 10 triệu đồng.

Để có đủ tiền đóng lãi cho đám “giang hồ khu phố”, 2 vợ chồng chị Minh phải cầy kéo cật lực suốt từ sáng đến tối. Anh Thái chồng chị Minh sau vụ “dám nói cứng” và phải trả giá bằng một trận đòn nhừ tử thì gần như suốt ngày dính với cái xe máy cũ rich bất kể mưa nắng mong kiếm thêm vài cuốc khách và chỉ về nhà khi đã 1 – 2 giờ sáng. Chị Minh thì com cóp đừng đồng tiền hàng, tằn tiện cả những khoản chi cho 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn để mong đủ tiền đóng lãi và trả bớt khoản vay gốc.

“Tẩu vi…hạ sách!”

Chỉ đến khi bị đám tay chân của chủ nợ túm được, chồng con đều bị ăn trận đòn…nhớ suốt đời thì bà Thược ở Tân Mai, Hoàng Mai mới phải thốt lên rằng “Có nợ thì phải trả! Bỏ trốn để xù tiền là…hạ sách!”.

Kể về quá trình vay nợ và chạy trốn của mình, bà Thược ngán ngẩm: “Cả nhà chẳng có công ăn việc làm gì ổn định, thằng con lớn lại muốn sang năm sau cưới vợ nên tôi mới muốn kiếm thêm bằng cách đi lấy tiền của người ta để cho vay lại ăn chênh lệch. Lúc số tiền còn ít thì không sao nhưng đến khi tổng số tiền đã lấy của người ta lên đến hơn 300 triệu thì mới xảy ra chuyện.

Do chưa có kinh nghiệm nên tôi dồn gần như toàn bộ số tiền đã lấy của người ta để cho một người vay. Ai ngờ, người khách đó cầm tiền của tôi để trả nợ lô đề, cá độ bóng đá hết, không có khả năng trả lại tiền nên đã bỏ trốn. Bản thân tôi khi đó cũng nghĩ rằng mình cũng nên trốn tạm một thời gian để tìm cách trả nợ dần thôi nhưng…”

Nói đến đó, bà Thược rơm rớm nước mắt, nghẹn lại một lúc rồi mới kể tiếp được: “Thuê xe dọn nhà đi lúc tờ mờ sáng, chuyển nhà ra tận ngoại ô, nơi chẳng hề có ai quen biết thế mà chưa ở được 1 tháng thì đám đàn em của chủ nợ đã mò ra. Cả nhà được một bữa nghe chửi điếc tai kèm theo trận đòn bê bết…”.

Không chỉ người dân hiền lành bình thường mà cả cán bộ, công nhân viên nhà nước hay thậm chí là đám đầu gấu giang hồ, khi dính vào “tín dụng đen” mà không trả được nợ cũng tìm cách trốn đi biệt xứ.

Trường hợp của Sơn “xi” ở Giáp Bát là một ví dụ. Dù chưa phải là dân “có số” lẫy lừng nhưng quanh khu vực Định Công, bến xe phía Nam, đám lang thang đầu đường xó chợ khi nghe đến tên Sơn “xi” cũng phải kiêng nể.

Trước chưa dính vào “leo núi đập đá” thì Sơn “xi” cũng được giang hồ nể trọng phần nào. Thế nhưng từ khi mải mê “đập đá”, công việc làm ăn trở nên bê trễ, để đàn em sống đói khổ nên chúng coi thường thì Sơn “xi” ngày càng tuột dốc không phanh. Chút vốn liếng làm ra cộng với số tiền lấy của “đại ca” để “rải họ” tan theo từng “coóng đá” chỉ trong vài tháng nên đến khi tỉnh lại thì đã quá muộn. Không có tiền để trả cho “đại ca”, Sơn “xi” chẳng còn cách nào khác ngoài việc bỏ trốn biệt tích bởi lời đe dọa “Tóm được sẽ xin đôi gân chân”…

(Còn tiếp)

M.Thành