-  Bài: “Van tín dụng bất động sản (BĐS) đã mở quá sớm?” thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

Mất cơ hội của người có nhu cầu thực?


Email gnaig.vh@gmail.com viết: “BĐS chỗ nào cũng kêu không bán được, ế, hạ giá. Vậy mà một người có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng như tôi vẫn không dám mơ có đủ một nửa tiền để mua căn chung cư. Bây giờ lại nới tín dụng cho BĐS, thì dân chúng tôi chắc suốt đời chỉ đi thuê nhà nay đây mai đó. Thế chẳng hóa ra ngân hàng chỉ chăm chăm  phục vụ một số đại gia, bỏ mặc số đông?”

Đồng cảm với bạn đọc trên, email nguyenanhvan@yahoo.com cũng viết: “Tôi thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng còn không dám mơ đây...”

Đây là lời than thở của email binh.th.nguyen@gmail.com: “Phải chăng túi tiền của người giàu quan trọng hơn cuộc sống khó khăn chật vật của đại đa số người dân?”

Còn email mothayem2001@yahoo.com cho rằng: “Chưa giải quyết đúng bản chất nên những cuộc cứu chứng khoán không thành công, nay đến lượt bất động sản kêu la, nếu cứu cũng sẽ cực kỳ tốn kém và càng làm thị trường méo mó hơn. Bây giờ là giai đoạn đầu trên đà trượt dốc của bất động sản để về giá trị thực và giải quyết hàng tồn. Chừng nào giá BĐS giảm 80%-90%, khi đó mới phù hợp với người mua thực có nhu cầu sử dụng để tiêu hóa lượng hàng đã đầu tư và đầu cơ quá lớn nhiều năm nay. Vì vậy, nhiều người cho rằng: Sớm nhất cuối năm 2013 khi giá cung có thể gặp được cầu thực thì thị trường BĐS mới trở lại bình thường. Đây cũng là dịp thanh lọc thị trường, cơ hội dịch chuyển vốn đầu cơ đã ở mức quá lớn từ lĩnh vực bất động sản đặc biệt về đầu cơ đất đai sang lĩnh vực sản xuất, xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tế đất nước. Cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy, gạt bỏ tư lợi để nắm lấy cơ hội vàng này.”

“Nới lỏng tín dụng cho BĐS bây giờ là quá sớm, đề nghị ít nhất phải 5 năm nữa. Mấy ông bất động sản đã làm cho nền kinh tế nước nhà chậm phát triển khi đẩy giá địa ốc lên mây xanh và hưởng lãi siêu việt, khiến cho các công trình khác không thể phát triển hoặc kém phát triển bởi giá đền bù đất quá cao thậm chí cao hơn cả giá trị xây lắp công trình, hầu như các công trình đều dừng lại do không có tiền đền  bù giải phóng mặt bằng”, đó là ý kiến của email congkhanh.tran@ymail.com.

Làm sao gỡ rối quan hệ đại gia BĐS - ngân hàng?

Email tranvinhart20@yahoo.com viết: “Các ngân hàng chung tay giúp các đại gia bất động sản để kiếm lời. Giờ nợ xấu quá nhiều ,giá bất động sản ở trên trời không bán được thì ra tay cứu. Nói thẳng với mấy ông ngân hàng rằng cái đống bất động sản giá trên trời ấy ai mà cứu được?

Chia sẻ với ý kiến trên, email dinhphong@gmail.com viết: “Nếu ngân hàng mở van tín dụng cho BĐS, chắc chắn sẽ làm giá  nhà đất vẫn ở trên mây, các nhà đầu cơ lại có cơ hội tích trữ bằng tiền vay ngân hàng  và   người có  nhu cầu mua nhà thật sự lại mất cơ hội. Thực tế từ hàng chục năm nay, người tiêu dùng luôn  kêu vì giá nhà cao không tiếp cận được, nay mới có một ít thời gian giá chưa giảm được nhiều mà nhà nước đã cứu BĐS, thì càng làm tăng khoảng cách giầu nghèo, cũng như đồng tiền lại chỉ chảy vào BĐS, vẫn là của những người đầu cơ, đặc biệt ở Hà Nội.
(ảnh minh họa)

Hãy để cho giá giảm như giá thế giới, đáp ứng  được nhu cầu và khả năng của người tiêu dùng thì đó mới là kinh tế thị trường.”

Đây là ý kiến của email suongkhuya508@yahoo.com: “Thói làm ăn liều lĩnh, vụ lợi của  nhiều doanh nghiệp BĐS thông đồng với một số cán bộ tín dụng  dẫn đến tình trạng rất khó kiểm soát nợ của các ngân hàng. Đành rằng ngân hàng nhà nước cũng phải lựa chọn phương án "cực chẳng đã" để cứu hệ thống ngân hàng, nhưng theo tôi nới tín dụng BĐS lúc này là hơi sớm.”

Email footballvn01@gmail.com đặt câu hỏi và đưa ra cảnh báo: “Cứu bất động sản làm gì khi mà giá quá cao? Nếu nới lỏng tín dụng liệu giá nhà có giảm hay ngược lại? Chỉ có giảm giá bất động sản  mới kiềm chế được lạm phát. Vì thế, chỉ có thể nới lỏng tín dụng đối với công trình trong giai đoạn hoàn thiện (doanh nghiệp phải tự có nguồn vốn để xây thô xong) như thế thì ai cũng có lợi cả. Nếu doanh nghiệp chỉ có trăm tỷ, thậm chí chỉ có vài chục tỷ mà lại được ngân hàng cho vay làm dự án hàng nghìn tỷ, thì tiếp tục làm cho thị trường hỗn loạn và lãng phí tài sản, ngân hàng sẽ có nguy cơ  phá sản theo các doanh nghiệp kiểu này và ngân hàng nhà nước sẽ thấy được hậu quả của việc nới lỏng tín dụng.”

Đồng cảm nhận với ý kiến trên, email tuan.trananh@abpharma.vn viết: “Nếu mở van tín dụng cho BĐS trong tình trạng thị trường méo mó như hiện nay, dẫn tới bong bóng BĐS tiếp tục căng, tương lai gần (chỉ 1-2 năm nữa) bong bóng BĐS sẽ vỡ! Lúc đó ngân hàng liệu có tránh khỏi phá sản? Nhà nước muốn cứu ngân hàng thì chỉ còn mỗi cách in thêm tiền, điều đó dẫn tới siêu lạm phát? Người dân lao động với đồng lương còm sẽ sống sao đây?”

“Nếu không cứu thị trường BĐS, nhiều ngân hàng chết là cái chắc nên phải cứu thôi, người dân có thể mua được nhà hay không cái đó đâu có quan trọng! Đối với doanh nghiệp cũng vậy thôi, vì ngân hàng nhà nước có quy định trần lãi suất cho vay đâu, vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất đến hơn 20%/năm”, đó là ý kiến của email saomaihth@yahoo.com.vn.

Nhìn ở góc độ khác, email teamview@gmail.com viết: “Về mặt vĩ mô, dù có cả lợi ích nhóm trong đó, vẫn thấy nếu ngân hàng “phanh” hết cả thì chết tất chứ sống sao nổi. Ngoài số doanh nghiệp đã công bố phá sản, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố phá sản nhưng có hoạt động đâu, một số thoi thóp chờ "băng hà". Nếu  ngân hàng tiếp tục “phanh” như hiện nay thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Việc để giá BĐS tăng quá cao như hiện nay chính là hậu quả quản lý lỏng lẻo trong suốt thời gian dài. Nếu bóp ngay cho nó về ban đầu thì không phải là giải pháp tốt đâu, vì sẽ bóp nát nền kinh tế!”

Đây là đề xuất của email tranvanthanhdn@gmail.com: “Trước đây, một ngân hàng đã cứu một đại gia BĐS. Đại gia này trở nên giàu có còn ngân hàng, nền kinh tế và cuối cùng là người dân chịu hậu quả . Lần này không nên lặp lại. Chắc chắn ngân hàng cũng vô cùng khó khăn khi quyết định nới van tín dụng cho BĐS. Nếu không, thì vô hình chung là nợ xấu ngân hàng tăng lên, nền kinh tế sẽ bị mất niềm tin nghiêm trọng, nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi thị trường. Vì vậy, tôi  đề nghị Nhà nước học tập cách làm của Singapore: Đứng ra mua rẻ lại tất cả những BĐS đang bị kẹt và công khai minh bạch bán lại cho người dân có thu nhập thấp hoặc là bán với giá hợp lý kèm những cam kết về tín dụng (đảm bảo bằng tiền lương, thu nhập ổn định). Làm được như vậy, sẽ nhận được sự đồng tình, tăng niềm tin với nhân dân, cứu những đống gạch mất giá thành có giá tránh lãng phí. Chúng ta không nên tiếp tục xây dựng những khu tái định cư, nhà thu nhập thấp mà nên chuyển những gì đang có tới những người đang cần và có khả năng chi trả.”

Ban Bạn đọc