- Năm 2008 khi ông Phan Quang còn là trưởng thôn Thu Thủy xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn thành Phố Hà Nội ông đã bị vướng vào vòng lao lý. Toàn bộ công dân ở thôn Thu Thủy hồi hộp theo dõi ông Trưởng thôn của họ sẽ thế nào trong vòng lao lý ấy… rồi đến một ngày tòa tuyên án trong bản án sơ thẩm, ông Quang bị 3 năm tù giam, lúc đó bà con dân làng mới bức xúc hỏi “Tại sao ông ‘chết’ một mình?”

Trưởng thôn được giao xác định nguồn gốc đất

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn: Ngày 13/1/2006 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định số 248/QĐ - UB về việc Phê duyệt dự án đầu tư cứng hóa mặt đê, kết hợp làm đường giao thông các tuyến đê tả, hữu sông Cà Lồ ở địa bàn huyện Đông Anh và Sóc Sơn.

Ông Phan Quang chỉ ra mảnh đất mà xã Xuân Thu cho rằng chưa có hồ sơ quản lý và đề nghị thôn xác định nguồn gốc trước đây.

Ngày 8/12/2008 UBND huyện Sóc Sơn có quyết định số 1411 - QĐ UB thành lập Tổ công tác giúp việc hội đồng giải phóng mặt bằng cho dự án này gồm các ông bà như: Ông Hoàng Minh Nhâm - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thu là tổ trưởng. Bà Phạm Thị Đường cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Sóc Sơn làm tổ phó. Ông Nguyễn Văn Son cán bộ địa chính xã Xuân Thu là tổ viên. Ông Phan Quang trưởng thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu là tổ viên…

Trong thời gian lập hồ sơ và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng phát hiện có nhiều sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là việc lập hồ sơ cho 9 lô đất chưa thống nhất về nguồn gốc chủ yếu trên địa bàn thôn Thu Thủy.

Vì trước đó chưa thống nhất được nguồn gốc đất nên ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã đã giao cho trưởng thôn Thu Thủy là ông Phan Quang tổ chức họp để xác định nguồn gốc đất. Ông Phan Quang đã họp thôn và xác nhận là đất giao theo nghị định 64/CP tuy nhiên trong thực tế đây là đất công.

Căn cứ vào biên bản họp thôn gửi lên và xác nhận của UBND xã Xuân Thu, Ban Quản lý dự án đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trình lên UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt.

Và 9 phương án đất công vi phạm trên được chi trả hơn 523 triệu đồng. Sau này có phúc tra lại nguồn gốc đất, UBND huyện đã có quyết định thu hồi lại hơn 514 triệu đồng. Số tiền thu hồi được từ các hộ chiếm dụng và cán bộ giữ sai là hơn 216 triệu đồng, số tiền chưa thu về được là 297 triệu đồng.

Trưởng thôn có quyền gì để lạm dụng?
  Hiện nay trên những mảnh đất đã xác định nguồn gốc này thì dân ở một số xóm vẫn đang thắc mắc về quyền lợi của mình

Theo như cáo trạng của Viện kiểm sát thì ông Phan Quang được giao xác nhận nguồn gốc của 9 hồ sơ đất. Trong đó có 2 hồ sơ chưa trả tiền và 1 hồ sơ là đất của địa phương khác. Vì có động cơ vụ lợi bản thân nên ông Quang đã tự kê cho mình một hồ sơ đất (thực tế truớc đó gia đình ông canh tác trên đất này) được đến bù hơn 47 triệu đồng.

Chính vì thế VKSND huyện Sóc Sơn cho rằng: Phan Quang phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại điều 281, khoản 2 điểm C Bộ Luật hình sự. Cùng với các bị cáo khác như Nguyễn Đắc Thành, Nguyễn Văn Đậu chỉ là xã đội viên với cùng tội danh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi ở văn bản số 13/2002/ QĐ - BNV có nội dung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng thôn thế nhưng trong văn bản này không có nhiệm vụ và quyền hạn nào liên quan đến xác định nguồn gốc đất.


Biết mức án dành cho mình, ông Phan Quang phân trần trước tòa không nổi nên đã nói với phóng viên: Tôi áp dụng cách xác định đất là theo “lệ trước” rồi trình lên xã, xã có hồ sơ đất đai không đối chiếu kiểm tra gây ra sai.

Mặt khác, xác minh tại Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Hữu Hùng khẳng định với chúng tôi quy trình hỗ trợ đền bù đất dự án được làm nghiêm ngặt theo các quy định của pháp luật. Trong đó thì việc xác định nguồn gốc đất giao cho UBND xã và các cấp có thẩm quyền cao hơn. Cũng theo ông Hùng, Thôn không có quyền xác định nguồn gốc đất, ý kiến của thôn chỉ là ý kiến để UBND xã xem xét, tham khảo. Khẳng định cuối cùng đó là đất công hay đất 64/CP, các loại đất khác là do UBND xã đóng dấu, xác nhận.

Thế nhưng trong cáo trạng của VKS có nhắc đến Phó chủ tịch xã Hoàng Minh Nhâm và cán bộ địa chính xã Nguyễn Văn Son – các cán bộ này ở Hội đồng xác định nguồn gốc đất và cũng là cán bộ xã. Một người có đủ thẩm quyền và một người có chuyên môn…được giao làm việc và đã làm sai. Thế nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm? Nếu nói rằng, quản lý đất đai ở Hà Nội năm 2008 vẫn tù mù chưa rõ, 9 lô đất có nguồn gốc như thế nào thì rõ ràng là đùn đẩy trách nhiệm và càng phải xử lý nghiêm những cán bộ này!?

Bỏ lọt tội phạm!
Ông Phan Khải, bức xúc khi nói con mình bị tội nặng, trong khi những người có trách nhiệm cao hơn lại vô can

Phóng viên đến liên hệ công việc tại Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn… Hỏi về bản án văn đầy lỗi chính tả trong khi tòa đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối vì liên quan đến tính mạng, nhân phẩm của một con người. Thẩm phán Nguyễn Văn Phi người trực tiếp xét xử vụ án phân trần: Do bản án quá dài (15 trang) nên người gõ có sơ ý đã viết sai nhiều lỗi chính tả và địa danh.

Còn việc băn khoăn về Tội danh, ông Phi cho rằng: Tòa chỉ xét xử trong phạm vi VKS truy tố. Tòa đã từng cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm tuy nhiên khi trả lại hồ sơ thì VKS lại cho rằng chưa đến mức độ phải truy tố nên để vậy.

Quay trở lại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn để tìm hiểu thêm về vụ việc, người giữ quyền công tố đối với vụ việc đê điều ở Xuân Thu đã từ chối trả lời chúng tôi với lý do vụ việc đã làm xong, án đã khép lại…

Thế nhưng với những phóng viên về tận nhà ông Phan Quang, gặp người bố già của ông Quang là Phan Văn Khải - Một đảng viên, nghệ nhân tre trúc, một người già gương mẫu nhất làng thì chúng tôi hiểu việc chưa khép lại. Cụ Khai nói: Kẻ nào đáng tội phải bị trừng trị. Lỗi đến đâu thì phải chịu đến đó. Chúng tôi còn đi tìm công lý, chỉ e rằng, khi tìm thấy thì tôi không còn được sống trên đời…

  • Phan Loan