- Sau khi đọc bài: Tái cấu trúc bất động sản (BĐS): Phải giảm được giá nhà, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giá BĐS cao, vì đâu nên nỗi?
Email levluan@yahoo.com viết: “Có một thời vì bóp được người tiêu dùng nên các doanh nghiệp BĐS mang tiền ra để cạnh tranh bôi trơn cho mấy ông ‘quan đất’ đẩy giá đất lên làm xấu thị trường bất động sản , đến mức người tiêu dùng không chịu nổi mới phải quay lưng lại.”
Ý kiến của email ngoclamltn@gmail.com: “Khi sốt đất các ‘ông’ làm mình làm mẩy, tiền lãi các ‘ông’ chia nhau. Nay thị trường đóng băng thì các ‘ông’ kêu gào ngân hàng! Chẳng lỗ tí nào đâu. Cứ cho giá nhà đất xuống nữa đi để người dân tiếp cận được với giá trị thực. Nếu ngân hàng can thiệp, chỉ dân là khổ thôi.”
Bạn đọc Lê Lan (email lela13510@yahoo.com) cho rằng: “Cái lỗi của BĐS cần chỉ rõ ra, đó chính là khâu phân phối. Sàn BĐS là cái gì, nếu mô tả thì không gì khác hơn là cái sàn trình diễn thời trang của giới đầu cơ- và giới BĐS suốt bấy lâu nay.
Ai là nhà đầu tư BĐS và ai đầu cơ BĐS? Ranh giới cũng rất mong manh. Họ tuy 2 mà 1. Sự lũng đoan thị trường của họ đặt ra câu hỏi về quản lý nhà nước- vốn chuyển từ thái cực kiểm soát gắt gao (bao cấp về phân phối nhà ở) sang buông lỏng, thả nổi. Giờ thì trả giá rất đắt. Nhưng ai trả?”
Đây là thắc mắc của email quocbao85@yahoo.com.vn: “Chả có lý gì khi thu nhập của chúng ta thấp hơn nước Mỹ 40 lần mà đất mà nhà của ta đắt hơn nước Mỹ 2 lần, chưa kể đến hạ tầng đường sá quá chật chội, bệnh viện, trường học quá tải v.v…Nói chung, tổng thể cuộc sống ta thua Mỹ tại sao giá nhà lại quá cao? Phải trả về giá trị thực, nó ‘ảo’ quá lâu rồi.”
Chia sẻ với ý kiến trên, email trungkien0812@gmail.com viết: “Hãy nhìn vào giá nhà trên thu nhập bình quân mà điều chỉnh. Ở Việt Nam đang là 25 lần so với mức 4-5 lần ở các nước phát triển khác. Liệu năm nay Chính phủ có biện pháp nào giảm xuống còn 10 lần và tiến tới 4-5 lần như những nước khác? Không lẽ họ làm được mà Chính phủ ta không làm được?”
(ảnh minh họa) |
Lỗi thứ nhất là thuế. Thuế đối với đất trống không sử dụng và đất đang sử dụng được đánh như nhau là không hợp lý. Điều này dẫn đến, người đang sử dụng đất phải è cổ ra chịu thuế còn người không sử dụng đất thoải mái mua đất rồi ....để dành, bỏ trống không sử dụng tạo ra đầu cơ đất đai, nâng giá đất vô tội vạ. Giá đất cao thì giá nhà giảm kiểu gì?
Lỗi thứ 2 là tín dụng. Tín dụng ưu tiên với BĐS vô điều kiện mà không đánh giá rủi ro của dự án. Điều này dẫn đến BĐS bỏ hoang, chủ đầu tư vẫn không giảm giá, vẫn có tiền để đầu tư vào dự án BĐS khác. Cũng xin nói luôn, 1 dự án BĐS cần vốn đầu tư ít thì vài trăm tỷ nhiều thì hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ, xin hỏi chủ đầu tư thế chấp bằng gì mà vay được nhiều vốn thế? Rõ ràng là chủ đầu tư thế chấp để vay vốn ngân hàng bằng chính đất dự án theo giá "thị trường". Điều này tạo ra tình trạng "tay không bắt giặc" (xin Nhà nước cấp đất rồi thế chấp chính mảnh đất đó để vay vốn).
Lỗi thứ 3 là thủ tục hành chính. Thủ tục xin cấp đất làm dự án BĐS, thủ tục mua nhà, làm giấy chủ quyền nhà, quyền sử dụng đất quá nhiêu khê tạo ra nhiều tiêu cực. Từ khi bắt đầu làm thủ tục cho đến khi hoàn tất thủ tục có thể nói là đối tượng phải "rải tiền" qua nhiều cửa. Tiền ấy cũng được tính vào giá nhà đấy ạ. Rút cục từ chủ đầu tư đến nhà đầu tư thứ cấp thậm chí đến người mua cuối cùng đều"nuôi béo" cho tham nhũng. Khoản tiền ấy, nói xin lỗi, làm đội giá nhà lên ít nhất là 30%.
Còn nhiều lỗi nữa nhưng cơ bản là 3 lỗi trên. Với lỗi thứ nhất, Quốc hội xem lại cho dân nhờ. Với lỗi thứ 2, đề nghị không can thiệp vào việc giải tỏa đất đai của dân. Dân bán đất giá cao, doanh nghiệp không mua được thì đi chỗ khác có giá đất rẻ hơn mà mua tránh tạo điều kiện đồn thổi với nhau để nâng giá đất vô tội vạ hoặc cố đấm ăn xôi như sự kiện "1 tỷ 1 mét vuông". Việc vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp BĐS cũng phải vay vốn như các doanh nghiệp của các ngành nghề khác (thế chấp bằng tài sản trên đất chớ không được thế chấp bằng đất trống). Với lỗi thứ 3, đề nghị xác định rõ trách nhiệm cá nhân của các ‘quan’ để bảo đảm cải cách hành chính không chỉ là hô hào suông.”
Bạn đọc Minh Thanh (email minhthanh186@rambler.ru) lo ngại: “Giá nhà giảm vào đâu trong điều kiện hiện nay? Rất khó giảm giá theo quy luật cung cầu của thị trường, khi mà chính quyền địa phương thay mặt nhà nước nắm quyền ban hành giá đất, quyền quy hoạch, quyền cấp đất, quyền thu hồi đất một cách rất… ‘hành chính’. Quan hệ thị trường bị bóp nghẹt, không hề có cơ hội để phát triển, giá thị trường của BĐS không có nhưng giá đầu cơ thì mặc sức tung hoành. Ngoài ra yếu tố “quản lý - hành chính” trong cấu thành giá nhà đất của thị trường 1 (gồm mua đất+làm nhà mới) là rất lớn, không minh bạch, chỉ có tăng lên và “trơ” với điều tiết thị trường. Xin nhìn thẳng vào sự thật, giá nhà Việt Nam cao nhất thế giới (trên thu nhập của người lao động), thị trường bị méo mó là kết quả của cách quản lý đất đai của chúng ta .
Càng kéo dài tình trạng này thì tất cả từ Nhà nước - người dân- nền kinh tế thực (sản xuất -kinh doanh) đều thiệt hại vì giá đất không hợp lý, nhưng tạo tình trạng “tù mù” để cho các nhóm lợi ích kiếm lãi trăm lần bằng cách “làm giá” đất (nét đặc trưng cho kinh tế ảo).
Mong các dự án làm nhà tập trung phục vụ nhu cầu thực
Bạn đọc Trần Văn Thái (email thanthaii@yahoo.com.vn) đề xuất: “Nhu cầu của người dân về nhà ở rất cao nhưng những giải pháp đưa ra để tới đại đa số của người dân thì cần phải :
-Thứ nhất, học tập cách làm của nước ngoài về vận dụng tình hình ở Việt Nam.
-Thứ hai đánh thuế đất (bước đầu thu thuế ít, sau đó thu thuế tăng dần để người nhiều đất, nhiều nhà làm quen nghĩa vụ với đất nước - tuy nhiên theo lũy tiến: Nhiều nhà, nhiều đất thuế nhiều). Đây chính là biện pháp chống đầu cơ khi đưa sản phẩm nhà thu nhập thấp ra thị trường.
- Đặc biệt quan tâm sản phẩm nhà thu nhập thấp với chiến lược lâu dài :
+ Nhà ở thu nhấp giới hạn 60 -70 m2.
+ Thời hạn sử dụng khoảng 20, 30, 50 năm.
+ Người sử dụng nhà thu nhập thấp khi không dùng nữa bán lại nhà nước với giá ban đầu và nhà nước bán lại cho người thu nhập thấp những gia đình trẻ chưa có nhà ở).
+ Nhà thu nhập thấp bán trả góp 5-10 năm và yêu cầu phải vào ở sau 1 tháng, nếu không ở thu lại và người mua mất khoảng 5-10 % (tránh hiện tượng người có tiền mua để dành cho cháu, chắt, chít ... .Vậy người có tiền sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác như thương mại, tiết kiệm v.v..
- Thứ ba, các địa phương thống kê nhu cầu nhà ở (ví dụ hàng năm một thành phố có bao nhiêu cặp vợ chồng kết hôn trong số đó không có nhà ở thực sự).
- Thứ tư, Chính phủ cần cấp vốn cho các địa phương để thực hiện.
- Thứ năm, dòng vốn này thu lại lâu dài nhưng một dòng vốn bền vững đảm bảo cuộc sống dân sinh cho đại đa số người thu nhập thấp ở thành phố tránh để dòng tiền lãng phí không đúng mục đích, mặt khác giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho các ngành vật liêu, xây dựng mang tính chất đều không tăng nóng.
- Thứ sáu nhà cao cấp cần hạn chế xây dựng, chiếm khoảng 20% trong tổng vốn BĐS (như hiện nay thì không cần xây thêm nữa).
- Thứ bảy cần điều tra xã hội học về sở hữu đất, nhà ở của từng gia đình.
- Thứ tám huy động góp vốn ban đầu của người thu nhập thấp khoảng 10%, 20%, 30%, người góp vốn trước có quyền lợi gì thì chắn chắn có hiệu có hiệu quả, giảm được nguồn vốn từ Chính phủ.
Hy vọng các giải pháp trên sẽ giúp phần nào thúc đẩy giảm giá nhà cho người thu nhập thấp có cơ hội.”
Không tán thành đề xuất trên, email pham_minh_tue78@yahoo.com viết: “Các giải pháp của bạn Thái nghe có vẻ hợp lý, nhưng nặng về quản lý hành chính quá. Mà sử dụng biện pháp hành chính thì chỉ …béo tham nhũng thôi. Theo tôi, thứ nhất phải sửa Luật đất đai cho hợp lý, thứ hai Nhà nước phải tạo cho BĐS hoạt động theo quy luật thị trường, không can thiệp trực tiếp. Thứ ba, ngân hàng không huy động vốn để nuôi BĐS nữa.”
Email viet_thanh1968@yahoo.com nuối tiếc: “Lẽ ra năm 2008 - 2009 khi BĐS bắt đầu tăng ảo thì Bộ Xây dựng phải có đề xuất để Chính phủ kìm cương việc thổi bong bóng BĐS thì hiện nay xã hội đã đỡ được bao nhiêu hệ lụy. Vậy mà vấn đề trách nhiệm chưa được làm rõ?”
Đây là ý kiến của email nguyenphuongthuc@yahoo.com: “Đâu có khó để giảm giá BĐS? Chỉ cần Nhà nước đánh thuế thật nặng vào các BĐS vượt ngoài nhu cầu của bất cứ ai.”
“Giá bán của BĐS ở Việt Nam đã phát triển quá ảo, bây giờ có giảm đi 60- 80% nữa thì mới về giá trị thật được. Rất mừng là BĐS đang tiếp tục có xu hướng giảm giá dần về giá trị thực của nó, có lẽ nó còn kéo dài trong nhiều năm, vì tốc độ giảm hiện vẫn rất chậm. Cần thời gian để các nhà đầu tư phân biệt được thế nào là đầu cơ, thế nào là đầu tư, thế nào là cầu ảo...Mong rằng lần này bỏ hẳn các dự án làm ra để bán cho người đầu cơ là chính, mà tập trung phục vụ nhu cầu thật của người tiêu dùng có khả năng thật”, đó là ý kiến của email phong3344@gmail.com.
Ban Bạn đọc