- Em gái tôi hay bị chồng đánh chỉ vì những lí do rất đơn giản. Nhiều lần bị chồng đánh, em tôi không dám kêu vì em làm giáo viên nên ngại mọi người biết.

TIN BÀI KHÁC:

Ví dụ như một hôm nhờ chồng chở đi công tác cách nhà 2,5 km lúc 6h30 mà chồng 7h30 mới đi làm, chồng em tôi nói vợ tự đi. Phần vì yếu, lại tiếc tiền thuê xe nên em tôi nói “em lấy xe đi, một lát nữa anh đi làm thì đi nhờ”. Chỉ vậy chồng em hùng hổ mang dao to định chém vợ. Em tôi vội chạy ra đường và kêu lên thì mới thoát chết.

Vậy tôi phải làm gì để bảo vệ được em mình? (Bạn đọc methuong_1965@yahoo.com).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Qua nội dung trao đổi, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quan điểm của chúng tôi hành vi của chồng em bạn (em rể của bạn) là đáng lên án. Bạo lực gia đình nếu bị giấu giếm hay lẩn tránh thì chỉ sinh ra bạo lực hơn. Để bảo vệ em mình, theo chúng tôi bạn cần làm theo các hướng dẫn của pháp luật:

Theo quy định tại Điều 18 Luật phòng chống bạo lực gia đình thì:

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Hành vi của em rể bạn là vi phạm luật phòng chống bạo lực gia đình và theo quy định tại Điều 9. Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình thì:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng hung khí đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời, không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, văn phòng luật Hoàng Kim, SĐT: 0986663459.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).