- Hỏi về văn bản họp dân ở tổ 47 cụm 7, đại diện Ban quản lý dự án cầu Nhật Tân gửi văn bản khẳng định có 13 hộ được lấy ý kiến… nhưng đó là ý kiến đánh giá tác động môi trường.

Tin bài liên quan:
  Về việc được dân phản ánh “không lấy ý kiến dân”, “thiết kế có dấu hiệu vì lợi ích nhóm” dẫn đến chậm trong công tác GPMB và chậm tiến độ dự án xây dựng cầu Nhật Tân, chúng tôi xin biên tập và đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Lê Minh (phó giám đốc Dự án cầu Nhật Tân) về các vấn đề cụ thể để rộng dường dư luận.

Dự án cầu Nhật Tân đã nhiều lần phải lùi giãn tiến độ (Ảnh nguồn An ninh thủ đô)

Phóng viên: 
Ngày 19/1/2006, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 128/TTG- CN, cho phép đầu tư xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu trên địa phận quận Tây Hồ, huyện Đông Anh (Hà Nội), trong đó chỉ đạo “Giao Bộ GTVT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kĩ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyện môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu cầu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư”.

Là đơn vị thực hiện, Ban quản lý dự án (gọi tắt là BQLDA85) đã thực hiện công tác lấy ý kiến nhân dân bằng cách nào?

Ông Nguyễn Lê Minh: Trước khi có văn bản số 128/TTg-CN, trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình, Bộ GTVT, BQLDA85, tư vấn lập dự án (TEDI) cùng với UBND TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp về phương án kiến trúc và kết cấu của cầu Nhật Tân với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng.
 
Trong quá trình hoàn thiện dự án đầu tư, ngày 6/8/2005 và 7/8/2005, Ban QLDA 85 đã chỉ đạo Tư vấn lập dự án (TEDI) đã phối hợp với UBND phường Phú Thượng tổ chức họp dân công khai quy hoạch dự án và tham vấn cộng đồng.

Sau đó, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, ngày 20/7/2007, Tư vấn dự án tiếp tục làm việc với lãnh đạo UBND phường, phát phiếu điều tra thêm một số hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn phường Phú Thượng. Theo kết quả điều tra, các hộ đều ủng hộ chủ trương xây dựng cầu Nhật Tân và các ý kiến tập trung đề nghị được đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư trong địa bàn quận hoặc bố trí đất tái định cư.

"Chúng tôi là hàng trăm hộ gia đình đã an cư lập nghiệp từ lâu ở  tổ 47B - 47C- 47D cụm 7 (Phú Thương, Tây Hồ, Hà Nội) đất đai của chúng tôi có sổ đỏ, nhà cửa xây kiên cố… công lao gây dựng cả cuộc đời gắn với ngôi nhà, mảnh đất. Thế nhưng dự án tới, lấy đất, lấy nhà của chúng tôi nhưng ‘phớt lờ” ý kiến của chúng tôi lại đòi chúng tôi hợp tác… Chúng tôi mong được gặp quan chức có trách nhiệm về giải phóng mặt bằng của thành phố để bày tỏ, đề đạt ý kiến của mình” ông Nguyễn Văn Doãn, đại diện của các hộ dân nói.


Như vậy, công việc lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để lựa chọn phương án kết cấu và mỹ quan cầu cũng như thông báo tham vấn cộng đồng tới nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng của phường Phú Thượng đã được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

Phóng viên: Nhân dân ở tổ 47 B - 47C- 47D cụm 7 phản ánh họ chưa được họp và lấy ý kiến, thế nhưng trong các báo cáo của cơ quan chức năng vẫn cho rằng đã được họp (lấy văn bản họp cụm 8 cách xa họ 500m để bảo là có họp cụm 7)?

Ông Nguyễn Lê Minh: Tại báo cáo đánh giá tác động môi trường tháng 7/2007 đã ghi nhận việc thực hiện điều tra xã hội học được thực hiện vào ngày 20/07/2007 với 44 hộ dân phường Phú Thượng. Trong đó có:      
    + 15 hộ tại tổ 45, cụm 7.
    + 13 hộ tại tổ 47 cụm 7 (khu vực quân đội).
    + 16 hộ tại tổ 50, 51 cụm 8.

Phóng viên: Người dân phản ánh dự án có điều chỉnh thực hiện nút giao để tránh các khu đất bán đấu giá D1 và D3 (thuộc khu đất bán đấu giá phường Phú Thượng) và các tòa nhà của Công ty xây dựng giao thông đô thị (Sở Giao thông Công chính Hà Nội và lấn vào nhà họ. Thực chất của việc này là thế nào? Tại sao có sự điều chỉnh thiết kế như vậy?

Ông Nguyễn Lê Minh: Tại tờ trình số 09/TTr-UB ngày 05/03/2004 của UBND TP. Hà Nội về việc xin phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai đầu cầu đã xác định "nút giao Nhật Tân (đê Hữu Hồng) là nút giao khác mức dạng bán hoa thị" và phù hợp với Quyết định số 122/2001/QĐ-UB ngày 05/12/2001 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 2: Đoạn Nhật Tân – Bưởi, tỉ lệ 1/500.

Phương án thiết kế nút giao Phú Thượng (nút Nhật Tân) theo kiểu nút giao khác mức dạng hoa thị vẫn được giữ nguyên về loại hình như quy hoạch.

Phóng viên:
Ông đánh giá việc đó  ảnh hưởng đến người dân ở tổ 47 B - 47C- 47D cụm 7 như thế nào?

Ông Nguyễn Lê Minh: Trong giai đoạn rà soát dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật do Liên doanh Chodai – Nippon Engineering (Nhật Bản) hợp tác với TEDI thực hiện, phương án thiết kế nút giao Phú Thượng vẫn được nghiên cứu theo dạng nút giao khác mức dạng hoa thị và làm việc thỏa thuận chi tiết với UBND Thành phố Hà Nội. Cụ thể, để phù hợp với các quy hoạch chi tiết, các dự án đã và đang triển khai tại khu vực triển khai dự án, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 3453/UBND-XDĐT ngày 8/8/2006 gửi Bộ GTVT đề nghị: “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao với đê Hữu Hồng (đầu phía Nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào các khu đất đã được UBND Thành phố giao thực hiện các dự án…”. Tư vấn dự án đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật của nút giao Phú Thượng cho phù hợp với hiện trạng quy hoạch. Trong đó, phương án nút giao dạng hoa thị được giữ nguyên và phạm vi nút giao vẫn đảm bảo nằm trong phạm vi quy hoạch dự kiến có bán kính 300m và đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thỏa thuận, thống nhất.

Như vậy, xuyên suốt quá trình từ bước lập dự án đầu tư, phương án thiết kế nút giao Phú Thượng vẫn là nút giao khác mức dạng hoa thị hoàn chỉnh, phân kỳ đầu tư xây dựng trước hai nhánh hoa thị phía trong đê và hoàn toàn không có sự phát sinh đường dẫn phụ cắt ngang qua khu đông dân cư.

Người dân bức xúc phản ánh quy hoạch nút giao nhường đất cho một tòa nhà chưa xây trong khi nhà dân ở lâu đời buộc phá đi.

Phóng viên : BQLDA có tính đến các lợi ích như tiết kiệm chi phí khi giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở tổ 47 B - 47C- 47D cụm 7?

Ông Nguyễn Lê Minh: Giải phóng mặt bằng trong lòng nút đã được Tư vấn nghiên cứu chi tiết phương án thiết kế cho giai đoạn trước mắt cũng như quy hoạch trong tương lai nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức giao thông thuận lợi, đảm bảo tầm nhìn xe chạy, các yêu cầu kỹ thuật và  an toàn giao thông. Bên cạnh đó các hộ dân sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói, bụi, ồn và rung suốt quá trình thi công và vận hành dự án.

Cầu Nhật Tân là biểu trưng của Thành phố về mặt mỹ quan, kiến trúc và giá trị văn hóa, du lịch của Thủ đô. Nút giao Phú Thượng chính là cửa ngõ của Thủ đô đối với các du khách đến Hà Nội thông qua sân bay quốc tế Nội Bài. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc GPMB toàn bộ các hộ dân trong lòng nút để trồng cây xanh sẽ tạo không gian công cộng và môi trường sống cho dân cư trong khu vực.

Như vậy, công tác GPMB trong lòng nút giao Phú Thượng là một việc làm tất yếu và cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và các yếu tố kỹ thuật trong quá trình xây lắp, vận hành, khai thác thuận lợi và đảm bảo an toàn giao thông.

Phóng viên:  Dự án cầu Nhật Tân được đánh giá là triển khai chậm. Lý do của việc triển khai chậm, vướng mắc là ở đâu? Thiệt hại về kinh tế của việc triển khai chậm là gì? Ông có thể cho biết các con số cụ thể?

Ông Nguyễn Lê Minh: Mặc dù thời gian qua, Dự án đã được Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện để có thể triển khai dự án một cách thuận lợi… Tuy nhiên, đến nay do khối lượng công việc GPMB cho dự án rất lớn có nhiều khó khăn phức tạp nên tiến độ bàn giao mặt bằng bị điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu. Hiện còn nhiều phần mặt bằng vẫn chưa được bàn giao nên các nhà thầu rất khó tổ chức thi công theo kế hoạch trong hồ sơ dự thầu, đồng thời nhà thầu không thể chủ động được kế hoạch thi công dẫn đến phải bổ sung thêm một số chi phí.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu là dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án do chậm trễ trong công tác GPMB dẫn đến chậm đưa công trình vào khai thác để phát huy hiệu quả của dự án, đồng thời làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhà tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

  • Tĩnh Phan (ghi)