- Bài “Năm 2014, thu nhập 6 triệu phải nộp thuế: Lạc hậu” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Nên áp dụng cách tính thuế năm 2014 cho năm 2012


Theo email trandainghia_ac@yahoo.com thì: “Mức thu nhập 4 triệu hiện nay là quá thấp không đủ cho chi tiêu mà đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nên áp dụng cách tính thuế mới (2014 ) cho năm 2012 thì mới chấp nhận được.”

Cùng quan điểm, email s_mum1072@yahoo.com viết: “Chỉ cần dựa vào chỉ số: CPI (6,5%) và lạm phát (18,3%) là có thể hiểu ngay đời sống người dân đi lên hay đi xuống. Các ban ngành có tính kiểu gì thì mức giảm trừ gia cảnh 6tr để áp dụng vào năm 2014 cũng không phù hợp.”

Ý kiến của email tranhieuquy@yahoo.com: “Tôi thu nhập hiện giờ là 4 triệu đ/tháng, phải chật vật lắm mới sống qua tháng. Cả năm làm không dư đồng nào chưa kể là ốm đau bệnh tật ma chay cưới hỏi mà tôi sống ở thành phố nhỏ như Biên Hòa. Mức lương 4 tr hiện tại mà nộp thuế thì tôi thấy quá phi lý. Đề nghị xem xét lại.”

Ảnh minh họa
Email losblancos@gmail.com phụ họa: “Với 6tr/ tháng như năm nay sống tại Tp. HCM còn khó huống chi là 2 năm nữa. Các ông bà muốn tận thu chúng tôi hay sao, hết điện - gas - xăng dầu tăng giá khiến vật giá tăng theo, rồi thu thuế giao thông, thu phí đường bộ... kiểu này người dân chắc phải chịu khổ nữa.”

Email sweetlove@yahoo.com hùa theo: “Với đà lạm phát và vật giá cứ leo thang như thế này thì 10tr cũng chỉ vừa đủ sống thôi chứ nói gì nộp thuế.”

Đồng cảm với ý kiến trên, email 123@yahoo.com viết: “Theo tôi, mức 6 triệu áp dụng tại thời điểm này đã là chưa hợp lý rồi. Với mức giá cả như bây giờ, một người sống và làm việc tại Hà Nội liệu có còn tiền để tích lũy nữa không? Cần gì phải tính đến năm 2014?”

Bằng cách đặt những câu hỏi, email minhtri12a8@yahoo.com.vn bày tỏ quan điểm: “Luật thuế này mà áp dụng thì đúng là ‘tận thu’ của người nghèo. Thử hỏi mức 4 triệu hôm nay có đủ sống chưa? Có bao nhiêu người dám nói không cần tăng ca mà đủ sống không? Nếu thu nhập từ làm thêm giờ thì phải trừ ra chứ, còn tiền thưởng Tết (tháng 13) theo luật cũng tính thuế là sao?

Email duc_anh882000@yahoo.com dẫn ra trường hợp cụ thể: “Chẳng hạn, một người chồng trong một gia đình có thu nhập 6 triệu đồng một tháng trong khi đó phải nuôi 2 con nhỏ đang học, vợ thất nghiệp (với thời giá sinh hoạt như hiện nay) mà phải nộp cả thuế thu nhập nữa liệu gia đình đó có sống bình thường được không? Nên nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định.”

Email hoa_comay260@yahoo.com lo lắng cả về giá lẫn thuế: “Xăng thì tăng cao mà giảm thì không đáng kể kéo theo thực phẩm tăng chóng mặt, ga cũng tăng, điện nước cũng tăng, tiền nhà trọ cũng tăng, phí lưu hành xe, lương 4tr/tháng còn không đủ sống lấy gì đóng thuế TNCN. Tới năm 2014 lương 6 tr/tháng chưa chắc đủ với giá cả và các mặt hàng leo thang như vậy, chán ghê.”

Theo tính toán của bạn Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) thì: “GDP đầu người của Việt Nam là 1200 đôla 1 năm. Nhưng vì người ở độ tuổi lao động chỉ chiếm 50% dân số nên thu nhập bình quân của 1 lao động phải là 8 triệu đấy ạ. Như vậy mức khởi điểm chịu thuế là 8 triệu đồng mới hợp lý. Con nít chưa đi làm đào đâu ra thu nhập?”

Email thanhldsgp@yahoo.com.vn viêt: “Thực sự tôi không hiểu những người đưa ra chính sách thuế TNCN đang sống ở đâu, họ thiếu thực tế đến không thể ngờ được, họ chẳng có’chút tư duy nào để tìm ra công thức hợp lý, thực tế phản ảnh đúng với cuộc sống, thu nhập thực tại xã hội. Đây chính là quan liêu, duy ý chí. Chắc chắn rồi sẽ lại phải có điều chỉnh với đủ loại văn bản gây tốn kém không nhỏ cho xã hội.”

Bình luận của email hungvuong@gmail.com: “Tính toán của các vị luôn lạc hậu với biến động của cuộc sống. Ngay bây giờ Bộ Tài Chính cần phải điều chỉnh mức nộp thuế cá nhân là 6.000.000đ/tháng mới phải. Với đà lạm phát như hiện nay, tôi tin 2014 mức thuế TNCN phải nộp nên là 10.000.000đ.”

Theo email mailan@gmail.com thì: “Ở Việt Nam chỉ nên thu thuế thu nhập cao thôi đừng vội thu thuế TNCN vì dân mình đa phần còn nghèo lắm, với hai vợ chồng và hai đứa con ở độ tuổi mầm non tiểu học thì bình quân một tháng sinh sống tại Hà Nội và chi phí học hành đơn giản cũng đã mất hơn 10tr rồi, chưa kể các khoản chi phí tối thiểu khác cho cuộc sống. Ở nước ngoài họ nộp thuế nhưng được khấu trừ hết chi phí chính đáng chứ không phải vo tròn như ở mình.”

Email chungdiali@yahoo.com.vn nhớ lại: “Lần trước khi có dự thảo luật thuế TNCN, rất nhiều người không tán thành, bên cạnh các ý kiến cho rằng luật này khiến người nghèo, ăn chẳng đủ cũng phải đóng thuế, còn có những ý kiến cho rằng luật này không khoa học, gây rắc rối khi mà họ đưa ra một con số tuyệt đối chứ không dựa vào những đại lượng hợp lí hơn.

Tính thuế sao cho công bằng?

Email thanhoang68@vnn.vn viết: “Thuế TNCN là sự đóng góp của mỗi người vào ngân sách nhà nước từ thu nhập của mình, nhưng phải đặt trên yếu tố công bằng. Không thể những người làm công ăn lương đơn thuần cứ è lưng ra đóng thuế trong khi đó có rất nhiều người có thu nhập cao sở hữu đến vài cái nhà, đi xe ô tô, khám bệnh và cho con du học ở nước ngoài vậy nguồn gốc thu nhập đó có thực sự trong sạch? Và nếu là trong sạch thì họ đã đóng bao nhiêu thuế TNCN?

Email hell_angel_nic@yahoo.com đặt câu hỏi: “Với 1 người có mức thu nhập có thể kiểm soát như thông qua hệ thống trả lương vào tài khoản, hoặc bảng lương hàng tháng thì áp dụng được. Nhưng những người bán hàng rong, làm ăn thời vụ...thì việc xác định thu nhập của họ và thu thuế kiểu gì? Tôi đảm bảo thu nhập của những người này còn hơn khối kỹ sư,cử nhân,hay giảng viên mới ra trường. Thêm điều này nữa, chúng ta không nên đánh đồng kinh tế khi áp dụng 1 bảng thu thuế cá nhân chung, khi mà chênh lệch về mức sống giữa các vùng là khác nhau, chi tiêu cũng khác. Hà Nội,với 10 triệu 1 tháng còn khổ khi nuôi gia đình, nhưng ở nông thôn thì 5 triệu đã sống vô tư.”

Suy nghĩ của email thanhluansos@yahoo.com: “Lương cơ bản theo khu vực thì thu nhập cá nhân (TNCN) cũng phải căn cứ theo mức lương cơ bản mà tính thuế chứ không tính kiểu đổ đầu trên phạm vi cả nước. Ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương thì phải tính khác các tỉnh thành còn lại vì mặt bằng sinh hoạt khác nhau, thu nhập khác nhau!”

Email bogbogxafog@gmail.com đề xuất: “Theo tôi thì phải phân ra thành các nhóm công việc như nhân viên văn phòng, lao động chân tay, nhóm độc hại, v.v…áp những mức chịu thuế TNCN khác nhau mới công bằng.”

Cảnh báo của email diemquynhqn@gmail.com về tình trạng: “Người có tiền minh bạch dù mỗi tháng không đủ sống cũng bị trừ đầu trừ cuối. Kẻ trên giấy tiền lương chỉ là con số giả nhưng tiền thật chui qua nhiều cửa khác nhau, thuế có cao bao nhiêu, ai chết thì chết chứ có thiệt hại gì đến họ đâu?”

Email dung_nguyenlam@yahoo.com mong mỏi: “Các nhà hoạch định chính sách phải lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu kinh tế và khảo sát đời sống của người dân. Việc giảm trừ gia cảnh cũng phải tính theo khu vực như mức tính lương tối thiểu!”

Email kyvong@yahoo.com đề xuất: “Dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân lần này chuẩn bị trình Quốc hội làm sao tránh tái diễn kịch bản lạc hậu như năm 2007. Ngay từ khi dự thảo Luật thuế TNCN năm 2007, dư luận cũng đã có nhiều ý kiến là việc tính toán mức thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên (sau khi miễn trừ gia cảnh) đã phải nộp thuế đã là không phù hợp, nhưng Bộ Tài chính vẫn tìm những lý do để biện minh việc tính toán như vậy là phù hợp, khoa học. Đến thời điểm này thì đã rõ ai là người có cái nhìn thực tế, xác đáng hơn. Dự thảo sửa đổi lần này mới nâng lên 6 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh nâng lên 2,4 triệu đồng nhưng áp dụng từ năm 2014. Đến lúc đó chắc chắn con số này lại lạc hậu vì tốc độ tăng giá CPI năm 2011 hơn 18% (thực tế chắc chắn là cao hơn nữa), như vậy chắc chắn đến năm 2014, số 6 triệu đồng và 2,4 triệu đồng cũng chỉ ngang như 4 triệu và 1,6 triệu đồng hiện nay và như thế Bộ Tài chính lại có thể xây dựng đề án sửa đổi mới chăng?

Nhiều bạn đọc cũng có ý kiến là không nên quy định giá trị tuyệt đối là với mức thu nhập nào đã phải đóng thuế (4tr, 6tr) và giảm trừ gia cảnh (1,6tr, 2,4 tr) mà cần phải tính toán trên một biến số nào đó, khi nào biến số đó có thay đổi thì thu nhập phải nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cũng sẽ thay đổi theo, có ý kiến cho là nên theo tiền lương tối thiếu. Trước đây, cũng có ý kiến từ cơ quan quản lý, các chuyên gia là giảm trừ gia cảnh bằng 3 lần tiền lương tối thiếu. Mức lương tối thiểu hiện nay là 830.000 đ thì giảm trừ gia cảnh đã là 2.490.000đ. Thu nhập phải bằng 6-7 lần lương tối thiểu mới phải đóng thuế.”

Ban Bạn đọc