- Trong năm 2011 suốt từ Cà Mau đến Bình Định, Thái Bình rồi Quảng Ninh, người dân đã tấn công các thầy thuốc, đập phá cơ sở vật chất của bệnh viện. Rồi đến năm nay hiện tượng tử vong trong sản khoa đã được các phương tiện truyền thông đưa tin như những hồi chuông báo động về vấn đề y đức của các thầy thuốc đang làm việc trong các bệnh viện.

Tin bài liên quan:


Lời tòa soạn: Bác sĩ N.V là người đã viết và chia sẻ với bạn đọc báo bài viết “Là bác sĩ tôi cùng rờn rợn khi nhận kết quả xét nghiệm” và nhận được phản hồi tốt từ bạn đọc Báo VietNamNet. Ông là người có nhiều trăn trở về y đức và quản lý y tế. Nhận thấy những trăn trở của ông rất sâu sắc và thiết thực, chúng tôi tiếp tục đăng tải những ý kiến của ông về những vấn đề liên quan đến y đức tại bệnh viện.


Việc đúng sai trong những trường hợp cụ thể, đã có kết luận của cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chuyên môn. Nhưng dư luận vẫn nói rất nhiều làm cho vấn đề y đức đã trở thành áp lực tâm lý nặng nề với bệnh nhân phải đi viện và bác sĩ làm việc trong bệnh viện. Vậy thực chất, y đức xuống cấp như hiện nay liệu có phải chỉ riêng người bác sĩ phải chịu trách nhiệm?

Là một bác sĩ đã làm việc lâu năm. Tôi nghĩ rất cần đặt vấn đề y đức ở một góc độ khác nữa đó là y đức trong quản lý y tế.

Việc quản lý y tế vô cảm sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khác nhau và cuối cùng là vấn đề sức khỏe và sinh mạng người bệnh.

Quản lý vô cảm sinh ra giá thuốc như “chợ đen”

Ngồi khám bệnh liên tục từ sáng đến 10 giờ, Tôi xin phép bệnh nhân đang ngồi chờ bên ngoài nghỉ giải lao 15 phút đi uống nước và giải quyết nhu cầu cá nhân. Khi đi ngang qua phòng thanh toán viện phí thì bị một bà bệnh nhân chặn lại, bà đưa cho tôi tờ phiếu thanh toán và nhờ tôi xem hộ. 

Quản lý vô cảm còn sinh ra quá tải ở bệnh viện (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tôi nhìn vào tờ thanh toán giải thích cho bà từng mục, tiền công khám, tiền các dịch vụ cận lâm sàng, tiền thuốc và tổng số tiền chi phí, số tiền 20 % mà bà phải đóng theo quy định.  Bà đột ngột hỏi: Tôi không lấy thuốc của bệnh viện có được không thưa bác sĩ trưởng khoa?

Tôi cố nhẹ nhàng giải thích. Vì kết quả xét nghiệm như thế này, thì chẩn đoán của bác sĩ là đúng đấy, thuốc cũng phù hợp với chẩn đoán.

Bà cụ nói: “Tôi nói cho anh biết giá thuốc trong bệnh viện đắt gấp từ 2 đến 3 lần giá thuốc ngoài hiệu thuốc đấy; Cứ như giá chợ đen ngày xưa ý”.

Không mất nhiều công sức, chỉ cần bỏ thời gian gần một giờ cuối ngày, dạo qua các nhà thuốc có uy tín ở thành phố Bắc Giang, khẳng định phản ánh của bệnh nhân về giá thuốc chữa bệnh là đúng.

Bệnh viện nhập thuốc đương nhiên là đúng quy trình qua các khâu đấu thầu của sở y tế, hoàn toàn hợp lệ và đúng quy định của pháp luật, thế nhưng giá cả tăng như vậy, thì bệnh nhân cũng khó lòng chấp nhận.

Để giá các dịch vụ, và giá thuốc chữa bệnh trong bệnh viện không phải là của “chợ đen”. thiết nghĩ cũng cần mở rộng khái niệm y đức trong quản lý y tế của chúng ta hiện nay. Vì giá thuốc phía ngoài cổng bệnh viện là tuân thủ theo thị trường, còn trong bệnh viện là do chủ ý của người làm quản lý y tế.

Quản lý vô cảm sinh ra quá tải bệnh viện

Quá tải tại các bệnh viện không nên chỉ hiểu là chuyện của cái giường còn  là sự quá tải đối với công suất làm việc và trình độ chuyên môn của thầy thuốc.

Chưa bao giờ vấn đề quá tải tại các bệnh viện, nhất là tuyến trung ương được công luận quan tâm như hiện nay.
Còn đối với người dân thì sao? Nó trở thành câu chuyện nặng nề của mỗi người, mỗi nhà khi bản thân hoặc có các thành viên trong gia đình đau ốm.

Quá tải bệnh viện hiện nay là một hiện tượng. Xem xét những khía cạnh trong quản lý y tế hiện nay, quá tải bệnh viện hệ lụy lan truyền. Đầu tiên là người bệnh phải chịu thiệt thòi về sức khỏe thậm chí là sinh mạng.  Còn những bệnh nhân khác có điều kiện họ chọn con đường lên tuyến trung ương chữa bệnh gây quá tả hệ thống bên trên là hệ lụy thứ hai. 

Theo tôi, ở đây có lý do công tác tổ chức; quy hoạch, bổ nhiệm và phân công cán bộ không đúng với chuyên ngành được đào tạo.  

Như tôi đã nói ở bài trước, ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Bắc Giang trước đây, người không được đào tạo về chuyên ngành xét nghiệm làm ở phòng xét nghiệm. Bác sĩ chuyên khoa y tế dự phòng làm Trưởng khoa nội tổng hợp, chuyên môn sâu của lãnh đạo thì chưa vững...

Là bác sĩ, tôi hiểu sâu sắc được rằng: Việc phân công các thầy thuốc, các kỹ thuật viên xét nghiệm đúng với chuyên môn được đào tạo sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người thầy thuốc phát huy được chuyên môn chữa khỏi bệnh và cứu sống bệnh nhân. Và điều ngược lại, gây những hệ lụy rất nghiêm trọng.

Thế nhưng nếu xem xét trên cơ sở pháp luật; Những người chịu trách nhiệm quản lý y tế tỉnh Bắc Giang không sai?! Vì Bộ Y tế đã có hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ quyền hạn trong phân cấp quản lý trong ngành.

Nhưng nếu công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý một cách vô cảm như thế thì hoạt động chuyên môn tại bệnh viện quá tải, sai sót như thực trạng hiện nay là tất yếu. 

Bác sĩ N.V

Bài 2: Quản lý vô cảm - Bệnh nhân mất mạng