- Cha mẹ tôi chết sớm để lại một căn nhà tương đối có giá trị, không để lại di chúc. Lúc cha mẹ tôi chết ông bà nội vẫn còn sống. Cha mẹ tôi có 2 người con là tôi và anh trai tôi. Tài sản đó hiện vẫn chưa phân chia.
Nay ông nội của tôi chết ông cũng không để lại di chúc. Tôi xin hỏi ½ tài sản ông được thừa hưởng (trong ¼ di sản thừa kế cùng hàng với tôi và anh trai cùng bà nội, ông nội) từ khi cha mẹ tôi chết có phải chia cho các người con còn lại của ông và bà không? Tôi đang rất đau đầu vì các con của ông bà đang đòi bán căn nhà đó để chia? Xin luật sư tư vấn giùm tôi.
Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: Cốt lõi câu hỏi của bạn là những người con của ông nội có được hưởng thừa kế phần di sản của ông nội không? Trả lời là có. Tuy nhiên chúng ta cần làm rõ các chi tiết để câu trả lời đầy đủ.
Vì bạn không nói rõ nên tôi giả sử thời điểm cha mẹ bạn qua đời trong vòng 10 năm tính đến nay (để vẫn còn thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế nếu có tranh chấp, theo Đ.633 và 645 BLDS).
Như bạn đã trình bày thì có thể hiểu là cha, mẹ của bạn chết cùng một thời điểm và đã để lại di sản là một căn nhà mà không để lại di chúc. Theo quy định của BLDS, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, căn nhà được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của cha mẹ bạn nên mỗi người sẽ có ½ quyền sở hữu khi còn sống lẫn khi đã qua đời. Do không để lại di chúc nên di sản này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật khi có tranh chấp. Vì cha, mẹ của bạn chết cùng thời điểm nên theo quy định tại Điều 635, 641 BLDS 2005 thì cha, mẹ của bạn không được hưởng thừa kế của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng.
Thời điểm cha mẹ của bạn chết mà ông, bà nội của bạn vẫn còn sống nên theo điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng ½ giá trị căn nhà của cha bạn là 04 người gồm: ông nội của bạn, bà nội của bạn, anh trai bạn và bạn, tức là mỗi người được hưởng 1/8 giá trị căn nhà; những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng ½ giá trị căn nhà của mẹ của bạn là 02 người gồm: anh trai bạn và bạn, tức là mỗi người được hưởng thêm ¼ giá trị căn nhà (giả sử ông bà ngoại của bạn đã chết trước khi mẹ bạn qua đời).
Như vậy, phần tài sản mà ông nội của bạn được hưởng trên phần di sản của cha của bạn để lại, tức 1/8 giá trị căn nhà.
Do đó, khi ông nội của bạn chết và không để lại di chúc thì 1/8 giá trị căn nhà này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho các người con còn lại của ông nội của bạn, bà nội của bạn vì những người này thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS 2005.
Như trên đã phân tích thì có thể thấy rằng phần kỷ phần mà bạn và anh trai của bạn được thừa kế là lớn hơn rất nhiều so với kỷ phần mà các con của ông, bà nội của bạn hưởng.
Hiện tại, các con của ông, bà nội của bạn đòi bán căn nhà đó để chia thừa kế mà bạn và anh trai muốn giữ lại căn nhà thì theo quy định tại khoản 2 Điều 685 BLDS 2005 thì các bạn có thể thỏa thuận với họ về việc định giá căn nhà để xác định giá trị bằng tiền của phần tài sản của mỗi người, từ đó các bạn thỏa thuận thanh toán cho họ để các bạn sở hữu căn nhà này.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì vụ việc trở thành tranh chấp và có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Việc giải quyết này là để chia di sản, nếu bạn và anh bạn không chịu trả kỷ phần cho các cô chú bằng tiền, tài sản khác thì họ có quyền yêu cầu phát mãi căn nhà để chia giá trị cũng có thể họ sẽ trả lại kỷ phần của bạn và anh bạn để nhận nhà. Nếu bạn và anh bạn vừa không muốn trả số tiền theo yêu cầu của các cô chú vừa muốn giữ căn nhà thì có thể để họ yêu cầu phát mãi và bạn sẽ tham gia đấu giá để mua lại căn nhà. Lúc đó phần tiền trả cho họ sẽ căn cứ vào giá trị đấu giá được.
Ls.Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật - Đoàn Ls Tp.HCM.