Kỷ niệm 28 năm ngày diễn ra trận chiến Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2016)

NGUYỄN VIỆT CHIẾN, NHÀ THƠ VIẾT NHIỀU NHẤT VỀ BIỂN ĐẢO VÀ TRẬN CHIẾN GẠC MA-TRƯỜNG SA

{keywords}

Năm 2015 trường ca Tổ quốc nhìn từ biển(dày 130 trang thơ, gồm 10 chương, hơn 1000 câu thơ) của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được Bộ Quốc phòng trao giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm. Có thể nói, với trường ca này cùng nhiều bài thơ khác viết từ năm 2009 đến năm 2016, Nguyễn Việt Chiến là nhà thơ viết nhiều nhất hiện nay về biển đảo nói chung và trận trận chiến Gạc Ma nói riêng. Anh cũng là nhà thơ được trao nhiều giải thưởng văn học về thơ biển đảo trong những năm qua.Nhân kỷ niệm 28 năm ngày diễn ra trận chiến Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa (14/3/1988-14/3/2016) với sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, VietNamNet xin trân trọng giới thiệu với độc giả cả nước những vần thơ nóng bỏng và tràn đầy xúc động của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết về biển đảo, về Trường Sa-Hoàng Sa và trận chiến Gạc Ma.

THÊM MỘT LẦN TỔ QUỐC ĐƯỢC SINH RA

(Tưởng nhớ những người lính hy sinh ở đảo đá Gạc Ma)

Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương

Anh đã hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa!

Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra

Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt

Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Việt Nam ơi !dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
Những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
Dầu là máu thắp trên thềm lục địa

Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ thơ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

                      21-6-2011

MÁU VIỆT NAM CHẢY TRÊN DA THỊT MÌNH

(Tưởng niệm 28 năm trận chiến Gạc Ma)

Nghẹn ngào hai tiếng Trường Sa
Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình
Sáu tư người lính hy sinh
Vòng tròn bất tử mang hình Gạc Ma

Đau thương hai tiếng Hoàng Sa
Máu Việt Nam đỏ thấm qua bao đời
Các anh nằm lại cuối trời
Bảy tư người lính xương vùi biển sâu

Cầm lên hạt muối thương đau
Mẹ Việt Nam tóc bạc màu héo hon
Muối này thấm máu các con
Thấm hồn tử sĩ trong hồn biển xa

Hoàng Sa vọng tới Trường Sa:
Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình

               12-3-2016

NGHE HỊCH TƯỚNG SĨ TRÊN BIỂN ĐÔNG

{keywords} 

Mắt hướng biển Đông, Hịch cầm tay
Uy nghi người đứng Song Tử Tây
Đầu đội trời xanh, chân đạp sóng
Sóng Bạch Đằng Giang có về đây?

Ba lần quét sạch giặc Nguyên Mông
Hịch tướng sĩ văn dậy non sông
Giờ ông ra biển cùng con cháu
Một cõi trời nam dậy trống đồng

Người nghe biển động phía Trường Sa
Ngực trần chắn đạn lính đảo ta
Những hồn lính trận chưa yên ngủ
Mộ gió cồn cào với Gạc Ma

Người nghe sóng dội phía Hoàng Sa
Tầu giặc hung hăng chiếm biển ta
Chúng cắm giàn khoan vào ngực biển
Nhói lòng như chạm máu xương ta

Người đau u uất nỗi Hoàng Sa
Dấu tích cha ông bị xóa nhà
Từ ngày đảo mất vào tay giặc
Con cháu Âu Cơ mãi xót xa

Sông núi ngàn năm vẫn còn đây
Biển vẫn ngàn năm sóng dâng đầy
Bao lớp giặc thù tan dưới sóng
Từng trang sử biển bão giông này

Người hỏi màu xanh lá phong ba
Hồn cây thao thức với Trường Sa
Con dân đất Việt còn thương nhớ
Muôn trùng sóng mặn dội Hoàng Sa

Nghe Hịch tướng sĩ ở Trường Sa
Gối đầu trên sóng ngậm hờn ca
Ca rằng: Muôn thủa non sông Việt
Lớp lớp con dân giữ nước nhà

                   5-2014

TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Trại viết Văn nghệ Quân đội Hạ Long 4-2009)
----------
* Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của
vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa

TỔ QUỐC BÊN BỜ BIỂN CẢ

(Bài thơ được trao giải thưởng cuộc thi Đây biển Việt Nam do báo Vietnamnet và báo Văn Nghệ tổ chức năm 2011)

Mưa gió quay cuồng suốt đêm trên biển
Tổ quốc như con tàu
                          vượt bão giữa trùng khơi
Ai có thể ngủ yên ngày tháng ấy
Trên con tàu
                   quê hương tôi

Người đội mưa trên đồng ngập nước
Người trắng đêm cứu lúa, cứu nhà
Người vượt lũ, dầm mình trên sóng
Người đội trời neo giữ đảo xa

Thương Tổ quốc bên bờ biển cả
Ngớt bão giông lại mưa lũ mịt mờ
Trẻ đến trường phải lội mưa, đội sách
Hạt thóc lấm bùn thấm ướt trang thơ

Thương Tổ quốc bên bờ biển cả
Mây Trường Sơn bay đến tận Trường Sa
Mây vẫn ấm trên mái nhà đất nước
Dẫu bão giông thấm giột phía Hoàng Sa
*
Anh ra biển, mang tình em lên đảo
Ngày chia tay chỉ có sóng theo cùng
Sóng thương nhớ quặn lòng trong giông bão
Em trở về với đất mẹ thủy chung

Đất quặn đỏ ngàn năm trận mạc
Bao lớp người như sóng trùm lên
Trên dải đất ba ngàn cây số biển
Mong tháng ngày đất nước bình yên

Dáng đất nước như con thuyền độc mộc
Đến thả neo trên bờ bãi sông Hồng
Hình đất nước như con tàu thân thuộc
Đang dạt dào với sông nước Cửu Long

Người mở đất đã đi về phía biển
Nắng Hoàng Sa còn đau đáu cát vàng
Người giữ đất đến từ ngàn năm trước
Gió Trường Sa thổi từ thủa hồng hoang

Sóng trầm hùng mơ khúc Bạch Đằng Giang
Núi Yên Tử hóa thân ngàn cọc gỗ
Sóng nhấn chìm bao giấc mộng xâm lăng
Hịch tướng sĩ còn vang trên sóng bể

Suốt ngàn năm không cúi đầu nô lệ
Chim Lạc bay trên khát vọng trống đồng
Mẹ vẫn ngóng nơi đầu non cuối bể
Tan giặc rồi con mẹ có về không?

Con theo cha giữ nước phía biển Đông
Biển là mẹ còn chúng con là sóng
Khi đất nước đối mặt với bão giông
Cả biển sóng dựng lũy thành muôn dặm
*
Nơi đất mẹ tựa lưng vào biển cả
Những người con như sóng cuộn dưới trời
Lồng ngực trẻ căng đầy hơi thở sớm
Như ngọn buồm khát vọng cuốn ra khơi

Anh gắn bó đời anh cùng biển cả
Những tên làng, tên đảo hóa quê hương
Nơi thân thuộc từng dấu chân trên cát
Từng cánh chim xao động mỗi hoàng hôn

Anh lật mây tìm lại một khoảng trời
Mưa ký ức bồn chồn trên đảo vắng
Nỗi nhớ em nẩy mầm trên cát mặn
Cát sẽ trổ một mùa cây hy vọng

Đêm tuần đảo, chỉ còn anh với sóng
Sóng hỏi anh, người ấy ở phương nào
Trăng sẽ mọc nối hai đầu xa cách
Thủy triều em đang ngập bến trăng sao
*
Cái bán đảo vươn mình ra biển thẳm
Mỗi sớm mai thao thức những bến bờ
Mồ hôi biển trên vai cha muối đọng
Áo mẹ sờn cát lấm mỗi ngày mưa

Biển nhân hậu chở che như tình mẹ
Chắt chiu từng hạt muối để phần ta
Mẹ dành dụm từng nắm rơm, ngọn khói
Nuôi lớn con dưới nắng cháy, mưa sa

Mùa biển động trên cồn cào sóng dữ
Thương con tàu lạc bão giữa trùng khơi
Cả làng biển lại trắng đêm ngóng đợi
Sóng bạc đầu hay tóc trắng mẹ tôi

Biển gian lao thử thách biết bao người
Người như muối hòa tan vào sóng mặn
Sóng mở ra cuồn cuộn những chân trời
Để đất nước hóa thân vào vô tận
*
Đây dấu tích những người đi mở nước
Hồn ngư dân trên đảo nổi, đảo chìm
Đá chủ quyền đặt tên ngàn năm trước
Máu san hô còn đọng một lời nguyền

Đêm thăm thẳm ngủ yên bên biển cả
Những người con đất nước đã quên mình
Nâng giấc họ có lời ru của sóng
Có vầng trăng ký ức mãi tươi nguyên

Bên ánh lửa đầu tiên nơi hoang đảo
Người cầm gươm, xõa tóc, múa trên thuyền
Điệu múa cổ chập chờn trong bão cát
Màu cát vàng như rượu cháy thôi miên

Người lính đi, ngọn lửa tạc vào đêm
Cánh chim biển phập phồng trên cát ấm
Người với chim thân quen như bè bạn
Nơi mịt mù bão tố giữa đảo xa

Em đừng quên phía ấy có Trường Sa
Anh ra biển mang tình em lên đảo
Biển yêu thương vẫn sâu nặng thiết tha
Ngay cả lúc biển cồn lên giông bão

                     9-2011

 TỔ QUỐC LÀ TIẾNG MẸ
{keywords}
Tổ quốc là tiếng mẹ
Ru ta từ trong nôi
Qua nhọc nhằn năm tháng
Nuôi lớn ta thành người

Tổ quốc là mây trắng
Trên ngút ngàn Trường Sơn
Bao người con ngã xuống
Cho quê hương mãi còn

Tổ quốc là cây lúa
Chín vàng mùa ca dao
Như dáng người thôn nữ
Nghiêng vào mùa chiêm bao

Tổ quốc là ngọn gió
Trên đỉnh rừng Vị Xuyên
Phất lên trong máu đỏ
Bao anh hùng không tên

Tổ quốc là sóng mặn
Trên cồn cào biển Đông
Cát Hoàng Sa ghi hận
Đá Trường Sa tạc lòng

Tổ quốc là tiếng trẻ
Đánh vần trên non cao
Qua mưa ngàn, lũ quét
Mắt đỏ hoe đồng dao

Tổ quốc là câu hát
Chảy bao miền sông quê
Quan họ rồi ví dặm
Nước non xưa vọng về

Tổ quốc là tiếng mẹ
Trải bao mùa bão giông
Thắp muôn ngọn lửa ấm
Trên điệp trùng núi sông

GIÓ HOÀNG SA

Gió
như những người lính
                    hy sinh ở Hoàng Sa
thổi u u trong cát mặn
thổi rỗng lòng biển
từ 1974 thổi mãi đến giờ
Cha ông họ
suốt mấy trăm năm
vẫn làm lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn
tế linh hồn những dân binh
ra canh đảo Hoàng Sa không thấy trở về
Gió vẫn thổi u u
trong ngàn mộ gió
thổi rỗng lòng đất mẹ Việt Nam đau
Từ Âm Linh Tự ở Lý Sơn
các hải đội thuyền giấy
tháng ba năm nào
cũng nhằm hướng Hoàng Sa
Gió
như những người lính tử trận
thổi u u trong cát mặn
mây trắng Trường Sa
xương trắng Hoàng Sa
Các con đều là con của Mẹ
Là máu thịt Việt Nam gắn bó núi sông này

             28-2-2014

NẾU ĐẤT VIỆT XÓT XA KHÔNG THẤY BIỂN?

   (trích trường ca)

Nếu quê mẹ thân yêu xa vắng biển?
Biển yêu thương che chở suốt ngàn đời
Hồn dân Việt lắng trong hồn sóng biển
Tiếng dân ca còn mặn muối trùng khơi

Nếu đất Việt rồi đây xa cách biển?
Biển đau thương sẽ dựng sóng ngàn đời
Lời ông cha dặn cháu con muôn thuở
Đem máu xương gắng giữ lấy biển trời

Nếu sông núi ngày mai không gặp biển?
Hồn Vọng phu trên sóng mãi hướng về
Hoàng Sa cát còn trầm vang máu đỏ
Máu Việt mình Trường Sa vẫn lắng nghe

Nếu đất nước đau thương bị mất biển?
Mây Trường Sơn u uất sẽ thôi bay
Sóng sông Hồng quặn sôi mùa lũ đỏ
Đồng Cửu Long bóng lúa mãi hao gầy

Nếu quê mẹ thân yêu xa vắng biển?
Ta về đâu trên sóng nước quê mình
Khi Tổ quốc như con tàu nhớ biển
Suốt đêm dài thao thức đợi bình minh

Nếu đất nước đau lòng không thấy biển?
Nước trăm sông không còn chảy yên bình
Mẹ Việt Nam ngàn đời không chịu nhục
Con lẽ nào lại từ chối hy sinh

Nếu đất Việt quặn lòng thương nhớ biển?
Sóng Trường Sa mong đội đá vá trời
Mưa Hoàng Sa bóng thuyền miền lưu lạc
Vẫn ngóng về đất mẹ Việt Nam tôi

Nếu quê mẹ mùa xuân xa vắng biển?
Đất Cà Mau không ấm nắng mai vàng
Trời Lũng Cú không sáng mây đào Bắc
Gió biên cương thao thức nhớ biển Nam

Nếu quê hương mùa hè xa cách biển?
Đêm Hội An mờ mịt bóng đèn lồng
Cố đô Huế chìm trong mưa nhã nhạc
Sông Hương buồn nằm lắng sóng biển Đông

Nếu đất mẹ mùa thu xa vắng biển?
Mưa Sài Gòn thôi ướt tóc em bay
Thu Hà Nội không thơm màu cốm mới
Phố cô đơn đội một mảnh trăng gầy

Nếu đất nước mùa đông không sóng biển?
Đỉnh Hoàng Liên cô độc giữa sương mù
Hải Vân núi bơ vơ bên đèo tối
Vó ngựa khua thấp thỏm dưới sao mờ

Nếu xứ sở dân ca không thấy biển?
Mái đình quê lưu dáng mũi thuyền cong
Nàng yếm đũi chân trần thèm khỏa sóng
Biển nơi đâu, ta khát biển cháy lòng

Nếu đất nước uất hờn thương nhớ biển?
Núi sông kia vẫn còn mãi ngàn đời
Tiếng Nguyễn Trãi bình Ngô trong máu khóc
Gặp Nguyễn Du tiếng Việt chẳng mồ côi

Nếu Tổ quốc xót xa bị mất biển?
Dân Việt ta quyết giữ lấy biển này
Hồn sông núi ngàn năm mong rửa hận
Tiếng trống đồng mùa chim Lạc còn bay

Nếu đất nước yêu thương xa cách biển?
Có lẽ nào con cháu chịu khoanh tay
Chín chục triệu trái tim nghe biển gọi
Thề giữ gìn đất mẹ Việt Nam đây

                     2015

CHUÔNG CHÙA VỌNG TIẾNG TRỐNG ĐỒNG TRƯỜNG SA

    Tiếng chuông vọng giữa trùng khơi
Mái chùa làng đảo bên trời Trường Sa
     Mái chùa như trái tim ta
Tụng lời non nước đây là quê hương

    Quê hương biết mấy máu xương
Người người lớp lớp hồn vương đất này
    Tiếng chuông vọng giữa ngàn mây
Cầu cho sông núi từng ngày bình yên

     Cho con chân cứng đá mềm
Đảo xa trụ vững giữa miền bão giông
     Cầu cho tình mẹ như sông
Phù sa thơm thảo từng bông lúa vàng

     Cho ngày mưa đến dịu dàng
Trên miền khô hạn chói chang quê mình
    Tiếng chuông vọng giữa thanh bình
Em tôi thấp thoáng dáng hình ngày xuân

    Vượt muôn trùng sóng ra thăm
Em như mây ấm mùa xuân tốt lành
    Nở trên cát đá vô danh
Những đóa tươi thắm ấm lành tình quê

    Em trong như tiếng chuông thề
Mỗi ban mai đến vỗ về đảo xưa
    Những ngày sầm sập bão mưa
Mái chùa như một ngọn cờ bình an

    Phất lên trên sóng điêu tàn
Cõi từ bi vượt muôn vàn đắng cay
    Nén hương dưới mái chùa này
Cầu cho đất nước qua ngày bão giông

   Cháu con giữ lấy non sông
Tiếng chuông vọng tiếng trống đồng ngàn năm
     Ngàn năm giấc mộng xâm lăng
Vùi tan dưới sóng Bạch Đằng gầm vang

                           31-3-2013