- Em Ngô Văn Vượng, nhân vật trong bài viết “Ước mơ được lắp chân giả của cậu bé ung thư xương” bị cắt cụt một chân vì căn bệnh ung thư xương mới đây đã may mắn được lắp chân giả nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ấn Độ.
TIN BÀI KHÁC
Như trước đó đã đưa tin, căn bệnh ung thư xương quái ác đã cướp đi chân bên phải của Vượng, tiếp tục đe dọa đến tính mạng em.
Từ ngày phát hiện ra bệnh, Vượng đành bỏ dở việc học, xa trường, xa thầy cô và các bạn, tập quen cuộc sống nơi bệnh viện. Ngày nào cũng như ngày nào, em phải gồng mình chống chọi với những đợt vào thuốc đau đớn.
Ước mơ lắp chân giả của Vượng đã thành hiện thực |
Mặc dù bệnh tật đau đớn nhưng Vượng rất lạc quan, nghị lực chiến đấu với bệnh. Khát khao được sống và được lắp một chiếc chân giả để em đi lại bình thường luôn cháy bỏng ẩn sau đôi mắt ngời sáng.
Bố mẹ Vượng chủ yếu làm ruộng. Ngoài ra, để lo cho ba chị em Vượng, bố đi bốc vác, mẹ đi đổ bê tông thuê cùng đội thợ trong làng. Khi con mắc bệnh, chị Liên phải bỏ công việc ở quê để lên bệnh viện chăm sóc con. Tiền dành dụm bao nhiêu năm đi làm thuê làm mướn, chỉ trong vòng vài tháng điều trị cho con đã không còn lấy một đồng, vay mượn thêm mà không đủ.
Ngày 12/7, em Vượng được Đại sứ quán Ấn Độ bố trí xe đón lên Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) để thực hiện đo, lắp chân giả. Sau thời gian ngắn tập luyện, Vượng đã có thể đứng vững trên chân giả và đi những bước ban đầu bình thường. Các chuyên gia cũng đã hướng dẫn cho Vượng cùng người nhà cách tập luyện ở nhà để có thể cử động linh hoạt hơn với chiếc chân giả, giúp các khớp vận hành theo cử động của mình.
Đại diện báo VietNamNet trao số tiền 7.005.000 đồng đến tận tay em Ngô Văn Vượng |
Trong lần trở lại thăm Vượng, PV báo VietNamNet đã trao số tiền 7.005.000 đồng là tấm lòng của bạn đọc gửi qua quỹ báo ủng hộ giúp đỡ em chữa bệnh.
Xúc động trước tấm lòng của các nhà hảo tâm, chị Liên chia sẻ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ quán Ấn Độ, Báo VietNamNet. Nhờ có các nhà hảo tâm mà ước mơ lắp chân giả của cháu đã thành hiện thực. Giờ đây cháu đã có thể tự mình đi lại khi cần thiết."
Phạm Bắc