- Tháng 8/2017, em trai tôi đi nhậu cùng anh vợ. Sau khi nhậu hai người đó đã lấy xe đi chơi, anh vợ là người chở và bị đâm vào giải phân cách gây tai nạn. Hậu quả anh vợ tử vong tại chỗ còn em trai tôi cấp cứu sống sót.

Trong thời gian gia đình bên kia lo hậu sự thì gia đình tôi lo cứu chữa cho em tôi và đã cử đại diện thăm hỏi và động viên họ. Sau 1 tháng em tôi bình phục, ba mẹ và gia đình tôi đến chia buồn, gia đình anh vợ đòi phải bồi thường. Ba mẹ tôi nói để pháp luật giải quyết, đưa lên công an điều tra.

Gần đây công an gọi điện cho gia đình tôi, nói đem 20 triệu đồng nộp rồi gọi gia đình bên kia viết giấy bãi nại. Xin hỏi luật sư em tôi có vi phạm luật không? Rõ ràng em tôi không cầm lái mà người kia chở thì em tôi có chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến cái chết của người anh vợ đó không?

{keywords}
Ảnh minh họa

Từ 1.1.2008 BLHS 2015 đã quy định bao quát hơn về chủ thể, cụ thể tại Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 trong cấu thành cơ bản của tội phạm quy định: “người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau...”, theo qui định này thì bất cứ người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm an toàn giao thông cũng có thể là chủ thể của tội phạm này. Điều luật mới thay đổi từ điều khiển giao thông thành từ tham gia giao thông. Đây là sự sửa đổi phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ, đồng thời bao quát được các đối tượng vi phạm quy định do Luật giao thông đường bộ điều chỉnh (không chỉ có người điều khiển phương tiện).

Khoản 22 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

Căn cứ theo quy định trên thì chỉ người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ vi phạm các quy định về giao thông đường bộ gây chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra, nếu em bạn không có lỗi, không vi phạm quy định về giao thông đường bộ thì có thể không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu như người ngồi đằng sau là chủ của phương tiện đã gây ra tai nạn thì vấn đề bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Căn cứ Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc