- Bà nội tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Sau khi về hưu bà ở nhà trông cháu nên buồn, sức khỏe giảm sút. Gia đình tôi muốn mở cho bà một cửa hàng tạp hóa buôn bán ngay tại nhà. Xin hỏi chúng tôi có cần đăng ký kinh doanh không?

{keywords}
Gia đình tôi muốn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ cho bà bán (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP quy định:

“Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác”.

Quy định này chỉ áp dụng đối với hoạt động thương mại của cá nhân, tự mình hàng ngày thực hiện hoạt động thương mại. Mọi tổ chức khi hoạt động thương mại, hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng không do cá nhân tự thực hiện thì tất yếu phải thành lập doanh nghiệp để xác định tư cách pháp nhân cho tổ chức của mình.

Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì người hoạt động thương mại có nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, việc bán hàng tạp hóa không thuộc một trong những đối tượng không phải đăng ký kinh doanh. Do vậy, bán hàng tạp hóa vẫn phải tiến hành đăng ký kinh doanh.

Thủ tục đăng ký kinh doanh:

Theo quy định tại Điều 67, Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì thủ tục đăng ký kinh doanh đối với cửa hàng tạp hóa như sau:

1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

- Ngành, nghề kinh doanh;

- Số vốn kinh doanh;

- Số lao động;

- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập. Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

- Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

- Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp với quy định;

- Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

Như vậy, nếu Anh/Chị muốn mở cửa hàng tạp hóa theo hình thức đăng ký hộ kinh doanh theo thủ tục nói trên. Cần lưu ý, mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; DĐ: 098.666.3459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc