- Nếu tôi không chịu làm bồ của sếp thì công việc của tôi sẽ rất khó khăn. Sếp sẽ dùng quyền lực của mình để “đì” tôi. Không lẽ vì ông sếp bê bối này mà tôi phải bỏ công việc yêu thích với mức thu nhập tương đối tốt này để tìm kiếm việc mới.
Nếu như công việc có thể đong đếm được và chỉ ra được ai chơi xấu thì chẳng nói làm gì. Công việc của tôi phụ thuộc một phần vào quyết định của sếp trực tiếp, nếu ông ấy chuyển công việc cho chúng tôi thì có thu nhập tốt. Nếu ông không thích mà đưa ra lý do này nọ chuyển người khác thì tôi gần như không có thu nhập thêm.
Tuy nhiên, tôi không thể thỏa hiệp đổi tình lấy công việc được. Tôi đã có bạn gái, chúng tôi dự định cuối năm sẽ cưới nhau. Mọi người nhận xét tôi có vẻ ngoài ưa nhìn, có lẽ vì thế mà sếp thích tôi. Lâu nay ông ấy chỉ nói bóng nói gió, lần gần đây lại lợi dụng sờ soạng tôi nhưng tôi phản ứng. Có lần tôi đi cùng, sếp nói chuyện linh tinh rồi nói, muốn làm người tình của tôi và hứa sẽ cho tôi công việc tốt. Tôi từ chối thì sếp lại nói, tùy tôi suy nghĩ rồi quyết định không sau này lại ân hận. Tôi chẳng ân hận gì và muốn biết làm cách nào để có thể thoát khỏi sếp mà không bị ảnh hưởng tới công việc. Tôi nên làm gì bây giờ, bằng cách nào để tố cáo?
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Luật sư tư vấn: Đây là vấn đề... thú vị trong cuộc sống vì sự tế nhị và nhạy cảm. Vì vậy cần giải quyết nó thật linh hoạt để không tổn hại đến người khác mà bản thân cũng không bị áy náy.
Về lý, theo Bộ Quy tắc Ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã công bố ngày 25/5/2016 thì :
Quấy rối tình dục là hành vi mang tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không được mong muốn, không hợp lý, xúc phạm người nhận, tạo môi trường đáng sợ, khó chịu và thù địch.
Theo Bộ quy tắc, các hình thức quấy rối tình dục gồm:
- Hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm.
- Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục.
- Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.
Bộ quy tắc được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Nơi làm việc ngoài những địa điểm cụ thể nơi thực hiện công việc như văn phòng hay nhà máy, còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc như các cuộc hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các bữa ăn liên quan đến công việc...
Bạn cần đối chiếu lại các hành vi mà sếp đã thực hiện thì đã tương ứng để được xem là bị quấy rối tình dục chưa? Nếu đủ thì có cơ sở yêu cầu xử lý. Tất nhiên, ta cần nắm quy định pháp luật này để làm cơ sở hành xử phù hợp. Còn thực hiện thế nào, hành động nào trước - sau thì cần quan sát tổng thể.
Các cách xử lý tình huống mà bạn có thể lựa chọn:
Giả sử sếp cũng là người sử dụng lao động thì bạn có thể:
1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Bộ Luật Lao Động 2012 có đề cập đến hành vi quấy rối tình dục tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, Điều 37 về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động”
Nếu không chịu đựng được môi trường làm việc có sếp như vậy bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Tố cáo đến công an
Tùy theo mức độ hành vi của sếp bạn và chứng cứ mà bạn cung cấp mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự:
a) Về xử lý vi phạm hành chính:
Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Khi nhận được tố cáo của bạn, công an sẽ xác minh, mời sếp bạn lên làm việc, nếu thấy đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, họ sẽ lập biên bản và xử phạt.
b) Về xử lý hình sự:
Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 về “Tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, nếu không có hậu quả cần chứng minh đó là nạn nhân cảm thấy vô cùng nhục nhã, tủi hổ thì hành vi quấy rối tình dục không đủ yếu tố để cấu thành tội làm nhục người khác.
Trên đây các cơ sở pháp lý quy định và nạn có thể ứng xử tương ứng với trường hợp của mình. Tuy nhiên, vấn đề của bạn là vừa muốn có công việc tốt lại không bị lợi dụng hay ở trong quan hệ khác thường này. Vì vậy cần cân nhắc thêm các chi tiết khác và cách hành xử khác vừa duy trì, phát triển được công việc mà không bị cuốn vào quan hệ kia. Giả sử sếp bạn chỉ là sếp nhóm, sếp trực tiếp tức không phải là người sử dụng lao động với người lao động là bạn thì bạn có thể gặp sếp cao nhất để trình bày tâm tư với thái độ đóng góp cho sự phát triển của đơn vị mà bạn hoàn toàn thành ý. Lúc đó bạn có thể được tách ra khỏi mối quan hệ gần gũi kia và có cơ hội để lao động tốt.
Trường hợp sếp là người sử dụng lao động và bạn cảm nhận sự cưỡng ép kia ngày càng gia tăng nhưng chưa đến mức bị quấy rối tình dục thì bạn hãy gặp gỡ và nói chuyện thẳng thắn như ý nguyện mà bạn đã trình bày trên. Nếu bạn đã thực sự bị quấy rối tình dục hay sếp quyết liệt phải gắn bó bằng quan hệ chính danh với bạn thì việc bạn rời khỏi công ty cũng là việc nên làm. Tất nhiên trước đó bạn đã áp dụng mọi biện pháp để xử lý nhằm không bản thân không thiệt hại. Đó là quyền mà pháp luật trao cho bạn.
Nếu người đó mang giới tính gay thì đó là trường hợp nhiều người bình thường khó chấp nhận nhưng họ cũng có cảm xúc và tình cảm riêng. Pháp luật hiện hành cũng như các tư tưởng lập pháp nước ta hiện nay đã có góc nhìn dần thoáng hơn. Vì vậy chúng ta cũng nên tôn trọng sự riêng tư ấy nếu không làm ảnh hưởng đến người khác.
Ls. Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật - ĐLS TP.HCM.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc