- Hôm trước, trên đường đi làm về, qua khu vực giao lộ giữa Tôn Đức Thắng và Đê La Thành, tôi bị giữ xe do rẽ ngược chiều (các xe máy đi giống tôi lại không bị bắt).

Tôi xuất trình giấy tờ đầy đủ, bao gồm 1 bảo hiểm xe máy, 1 giấy đăng ký xe và 1 bằng lái xe moto A1. Đồng chí CSGT nói mức phạt của tôi là 350.000 đồng và yêu cầu phạt nóng 200.000 đồng. 

Do vừa đi làm về nên tôi không mang theo tiền mặt. Đồng chí CSGT trả lại tôi bảo hiểm xe và giữ lại bằng lái, giấy đăng ký xe, yêu cầu tôi về nhà lấy tiền. Nhưng 30 phút sau tôi quay lại nộp phạt cùng một người bạn nữa thì đồng chí đó nói rằng có sự nhầm lẫn nên không tìm được giấy tờ xe và bằng lái của tôi. Xin hỏi luật sư trường hợp này tôi phải làm thế nào?

{keywords}
CSGT làm mất giấy tờ xe, chủ phương tiện làm thế nào? (Ảnh minh họa)

Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; tịch thu theo thủ tục hành chính

Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tài sản, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, các loại động vật, thực vật, hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, vật thuộc loại cấm lưu hành và các loại tài sản đặc biệt khác không áp dụng Nghị định này, mà áp dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

“Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

1. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

2. Bảo đảm giữ được giá trị, chất lượng, tiêu chuẩn của tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

3. Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.”

“Điều 10. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

1. Khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện khi hết thời hạn bị tạm giữ.

3. Yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ theo quy định trên, bạn cần yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc