- Em trai tôi 17 tuổi 10 tháng, điều khiển xe gắn máy đi làm gây tai nạn giao thông (em ấy chưa có bằng lái xe), dẫn đến em bé 11 tuổi chết. Theo như những người chứng kiến thì em bé kia đi xe đạp sai. Theo gia đình nhìn hiện trường thì em trai tôi đi lên dốc với tốc độ cũng nhanh. Vậy xin hỏi em trai tôi sẽ bị xử phạt thế nào? Mức phạt nặng nhất ra sao?

{keywords}
Ảnh minh họa

Điều kiện của người lái xe. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có qui định điều kiện tham gia giao thông của người lái xe tại Chương V, Điều 58 và 60:

Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

Căn cứ theo quy định trên, nếu em trai bạn chưa có bằng lái xe mà lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên thì em trai vi phạm quy định về an toàn khi tham gia giao thông, nếu xác định lỗi của em trai là nguyên nhân trực tiếp đến vụ tai nạn gây ra cái chết đối với em bé thì căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra  có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Theo đó phạm tội trong trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tùy thuộc vào tình tiết, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo điều 584  Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác

Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo đó, đối chiếu quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Theo đó, em bạn 17 tuổi 7 tháng gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ bạn phải bồi thường phần còn thiếu.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc