- Năm 2012 gia đình tôi bị mất xe máy. Tên trộm xe đã bị bắt giữ và tòa tuyên 2 năm tù giam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi 10 triệu đồng. Nhưng đến nay đã 5 năm rồi, người đi tù cũng đã xong án rồi mà chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Vậy gia đình tôi phải làm gì, đến cơ quan nào đòi thưa luật sư?
Đã quá hạn 5 năm nhưng gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường (Ảnh minh họa) |
Đối với các việc dân sự trong vụ án hình sự, gia đình bạn có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án (đơn yêu cầu có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án (Điều 32 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi năm 2014). Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định trên, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Gia đình bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật Thi hành án dân sự (Phong toả tài khoản; Tạm giữ tài sản, giấy tờ; Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản).
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án (theo khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự); sau thời gian này mà đương sự không tự nguyện thi hành án thì gia đình bạn yêu cầu cơ quan thi hành cưỡng chế (theo Điều 46 Luật Thi hành án dân sự).
Bạn chú ý về thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung 2014 như sau:
1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Như vậy, từ năm 2012 đến nay vẫn còn thời hạn 5 năm. Vì thế gia đình bạn làm đơn yêu cầu thi hành án dân sự đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc