- Tôi có một người bạn chơi thân từ nhỏ tên là A, ở gần nhà tôi. Vừa rồi A thi đỗ vào nơi tôi đang làm việc và trở thành đồng nghiệp. Do có hiềm khích gì đó mà tôi không rõ, A dùng một facebook cá nhân nhắn tin với chồng tôi, kể chuyện đời tư của tôi. Có những chuyện là thật nhưng có những chuyện không đúng sự thật, thêm mắm dặm muối khiến mối quan hệ giữa vợ chồng tôi trở nên căng thẳng, thậm chí có nguy cơ ly hôn.
Nay tôi nói A dừng lại nhưng cô ta lại có thái độ thách thức, thậm chí còn dọa sẽ nói chuyện đời tư của tôi cho cả công ty biết. Khi tôi hỏi phải làm thế nào thì mới chịu thôi, thì A yêu cầu tôi đưa cho một số tiền để A trả nợ, cụ thể khoảng 20 triệu đồng.
Xin hỏi luật sư, hành vi đó của A có được coi là tống tiền không? Nếu tôi có đủ bằng chứng thì có thể kiện A ra tòa vì tội này không? Mức phạt sẽ là bao nhiêu?
Phải đưa 20 triệu đồng, A mới chịu giữ im lặng (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy hành vi của A có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, cụ thể:
“Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Trong trường hợp này, hành vi của A khi đe dọa sẽ nói chuyện đời tư của bạn cho cả công ty biết nhằm ép buộc bạn phải đưa cho A 20 triệu đồng có thể được xác định là “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác” theo quy định tại Điều 135 nêu trên. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, bạn cần làm đơn trình báo gửi đến cơ quan công an để được giúp đỡ.
Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; Mail: luatthemis@gmail.com; SĐT: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc