- Tôi có cho 1 người bạn vay số tiền 1,5 tỷ đồng. Khi vay người đó cũng cam kết là sẽ trả trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, hết 1 năm người đó vẫn không trả nợ cho tôi. Không những thế, mỗi lần tôi nhắc về việc trả nợ thì người đó còn lên giọng thách thức, nói tôi muốn đòi thì cứ kiện ra toà.
Do quá ức chế vì thái độ vô ơn của người đó nên tôi đã nhờ một số anh em xã hội đến đòi tiền hộ. Những người này đã đến nhà của người vay tiền đập phá đồ đạc và ép người vay giao 1 chiếc xe ô tô (trị giá khoảng 700 triệu).
Người vay tiền đã tố cáo tôi ra cơ quan công an. Hiện cơ quan công an đang mời tôi lên làm việc vì chuyện này. Thưa luật sư, chiếc ô tô trị giá 700 triệu, chưa đủ 1,5 tỷ mà tôi cho người ta vay. Vậy tôi lấy chiếc ô tô cũng chỉ là đòi 1 lại 1 phần tài sản của mình thôi. Tôi có phạm tội gì không ?
Tôi lấy đi chiếc xe chỉ đáng giá một nửa số nợ đã cho vay (Ảnh minh họa) |
Hành vi đòi nợ thông qua việc đe doạ và lấy tài sản của con nợ diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đây được xác định là hành vi vi phạm pháp luật bởi lẽ, công dân không có quyền cưỡng chế và lấy tài sản của người khác ngay kể cả người đó đang vi phạm nghĩa vụ trả nợ với mình.
Việc đòi nợ cần phải được thực hiện theo đúng trình tự và quy định pháp luật. Như trong trường hợp của bạn, đáng nhẽ ra bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ tài liệu chứng cứ và khởi kiện vụ việc đến Toà Án Nhân Dân có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi có bản án của toà án, bạn mới có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế kê biên tài sản của người vay tiền trong trường hợp người đó không tự nguyện thi hành án. Bạn cần lưu ý rằng, chỉ duy nhất cơ quan thi hành án mới có thẩm quyển thực hiện việc cưỡng chế trong trường hợp này. Bạn hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác nếu tự ý cưỡng chế tài sản của người khác đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong trường hợp này, hành vi của bạn, tuỳ từng mức độ có thể cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 Bộ Luật Hình Sự:
"Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm
.......
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
.......
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;"
Hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ Luật Hình Sự:
"Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
...............
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;"
Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi khuyến nghị bạn cần chủ động hợp tác, thành khẩn khai báo khi làm việc với cơ quan điều tra để được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi Toà án đưa vụ án ra xét xử.
Tư vẫn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc