- Bạn đọc là thân nhân Liệt sỹ- người có công với Cách mạng mong Cơ quan chức năng có thẩm quyền khẩn trương giải quyết những tồn đọng, vướng mắc về chế độ- chính sách.
1. Bạn đọc Son Dang (quocbao.dg27@gmail.com) gửi email ngày 18/7/2017 “Nhờ tòa soạn chuyển cho Đội quy tụ hài cốt Liệt sỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất thông tin này. Tôi đã nắn từ không ảnh do phi công Mỹ chụp năm 1968 và ảnh hiện tại trên google earth của sân bay Tân Sơn Nhất, hy vọng giúp ích cho họ”.
Ảnh do BĐ Son Dang nhờ Báo chuyển cho Đội quy tụ hài cốt Liệt sỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất |
2. Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng ở tổ 19, thôn 4, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ chính sách cho cha là Nguyễn Văn Đương và mẹ là Lương Thị Hường đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Bà Hường đã bị thương, ông Đương bị địch bắt tù đày. Từ khi đất nước thống nhất, Nhà nước đã có các chính sách đãi ngộ người có công cách mạng, thương binh, bệnh binh. 10 năm qua gia đình làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng địa phương nhưng ông Đương, bà Hường vẫn chưa được giải quyết các chế độ; nay già yếu đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần còn buồn hơn mỗi lần ngày 27/7 đến. Báo VietNamNet có Công văn số 410/CV-VNN ngày 24/7/2017 gửi Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Thăng Bình và xã Bình Lãnh, đề nghị khẩn trương xem xét trường hợp ông Nguyễn Văn Đương và bà Lương Thị Hường.
3. Bạn đọc Mai Vĩnh Quý, cựu chiến binh Trung đoàn Pháo binh 28, thuộc Đoàn Pháo binh Biên Hòa trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước gửi bài viết về quá trình chiến đấu và những hi sinh tổn thất của Trung đoàn trong giai đoạn đầu ở chiến trường Nam Bộ. Đặc biệt Trung đoàn pháo binh 28 gieo vào lòng lính Mỹ sự khiếp sợ uy lực và cách đánh táo bạo của pháo binh Quân Giải phóng...Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 23/9/1973 Trung đoàn vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng các lực lượng Vũ trang Giải phóng. Đây là Trung đoàn duy nhất của Pháo binh Nam bộ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng khi cuộc chiến tranh chưa kết thúc! Tuy nhiên tổn thất của Trung đoàn Pháo binh 28 cũng vô cùng lớn, có khoảng 400 đồng chí hi sinh trong hai đợt Tổng tiến công. Nhiều đồng chí chúng tôi vẫn nhớ tên tuổi, nhớ nơi hi sinh, nhưng chưa có tên trong danh sách Liệt sĩ! Bạn đọc Mai Vĩnh Quý đề nghị “quí Báo gửi tới Thành ủy, UBND và các cơ quan có trách nhiệm của 2 thành phố: Hà Nội, nơi có nhiều Liệt sĩ hi sinh và TP Hồ Chí Minh, nơi các Liệt sĩ đã ngã xuống, cùng tỉnh Bình Phước (nơi các chiến binh hi sinh vì đói và bệnh tật) mong được chính quyền địa phương cho phép xây Bia tưởng niệm các Liệt sĩ tại nơi các Anh ngã xuống ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Nhưng hình như nơi đó Thành phố Hồ Chí Minh qui hoạch làm Khu công nghiệp, nên nguyện vọng đơn giản và chính đáng của cựu chiến binh Trung đoàn Pháo binh 28 đề xuất đã gần 10 năm nay vẫn chưa được thực hiện”. Thể hiện sự tri ân những Anh hùng Liệt sỹ dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh và huyện Bình Chánh khẩn trương xem xét.
Một đoạn suối Nhung. Bộ đội phải dùng nước suối này để sinh hoạt. Nước khử trùng cũng lấy từ suối (ảnh do BĐ cung cấp) |
4. Bạn đọc Trần Thị Thi trú tại khối 1, phường Quán Bàu, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đến Báo VietNamNet ngày 19/7/2017 trình bày và tiếp tục gửi đơn đề nghị trả lại 1000m2 đất để xây dựng nhà thờ cúng liệt sỹ Trần Công Hạnh, quê xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Vấn đề này, nhiều năm qua bạn đọc Thi đã kêu cứu rất nhiều cơ quan có thẩm quyền. Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra lại việc giải quyết và làm rõ phản ánh, tố cáo của bà Trần Thị Thi và bà Trần Thị Hường, kiến nghị giải quyết theo pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2016. Tháng 8 cùng năm, VPCP tiếp tục “đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khiếu nại, tố cáo của bà Trần Thị Thi” nhưng đến nay BĐ Trần Thị Thi vẫn tiếp tục “kêu cứu” vì vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
5. Bạn đọc Vũ Thị Minh Thủy (con ông Vũ Văn Cận và bà Nguyễn Thị Thảo đều đã chết; em gái Liệt sỹ Vũ Văn Phúc hy sinh năm 1967 ở chiến trường B) thường trú tại số 9 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi đơn “tố cáo và kêu cứu khẩn cấp” đề ngày 13/7/2017. Nội dung: Trước năm 1955 ông Cận thuê toàn bộ tầng 1 là 60 m2 mặt phố căn nhà này. Năm 1960 ông Cận lập HTX May Thủ đô và làm Chủ nhiệm. HTX mượn diện tích mặt đường để kinh doanh trong giờ hành chính. Ông Cận trả tiền thuê nhà cho Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm với tư cách cá nhân cho đến năm 1975 mất do đột quỵ; HTX May Thủ đô vẫn tiếp tục mượn cửa hàng của bà Thảo giờ hành chính. Năm 1985 ông Lê Ngọc Lân làm Chủ nhiệm “đã dùng mọi thủ đoạn để có Hợp đồng khống số 20/55/HĐN ngày 20/8/1985 không đúng sự thật, không đúng quy định của pháp luật, đuổi mẹ tôi ra vỉa hè kiếm sống”. Bà Thảo đã tố cáo với cơ quan chức năng và năm 2007 ủy quyền cho BĐ Minh Thủy tiếp tục kêu cứu cho đến ngày nay. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài hơn chục năm này.
6. Bạn đọc Dương Bảo Ngọc ở 167D, ngõ 169, đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đến Báo VietNamNet trình bày và gửi đơn đề ngày 17/7/2017 tiếp tục kiến nghị giải quyết về việc: “24 năm gia đình tôi không được giao đất canh tác nông nghiệp và đất hương khói Liệt sỹ; tố cáo Chủ tịch UBND xã Hoàng Hanh có nhiều sai phạm và một số cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn bao che” cho ông này. Báo VietNamNet đã có Công văn số 275/CV-VNN ngày 8/5/2017 gửi UBND, Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đề nghị xem xét. UBND tỉnh và Sở TN & MT Hưng Yên đã chuyển cho UBND TP Hưng Yên; UBND TP Hưng Yên lại có CV “yêu cầu Phòng TN & MT TP, UBND xã Hoàng Hanh thực hiện theo CV số 259/UBND-TTr ngày 23/3/2016 của UBND TP, xong trước ngày 30/6/2017”. Nhưng BĐ Bảo Ngọc cho biết “đến nay vẫn không ai có ý kiến gì”. Về đơn tố cáo chủ tịch UBND xã Hoàng Hanh, CA tỉnh cũng chuyển cho CA TP Hưng Yên; Cơ quan này cho rằng “không đủ căn cứ chứng minh, kết luận hành vi của ông Dương Văn Chuyến có dấu hiệu tội phạm hình sự” nên “ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự” và có thông báo cho BĐ Bảo Ngọc. Tuy nhiên BĐ Báo Ngọc không nhất trí nên tiếp tục gửi đơn thư kiến nghị. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Hưng Yên giải quyết dứt điểm vụ việc này.
7. Các bạn đọc Phạm Vũ Thắng – Trưởng đoàn biểu diễn 2, Lương Tú Anh, Nguyễn Thanh Thủy đều là Nghệ sỹ Ưu tú, công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 7/7/2017. Nội dung: Phản ánh những sai phạm của ông Trưởng đoàn, Đoàn Xiếc Hà Nội (nay là Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội) về công tác tổ chức- cán bộ; về tài chính; về chuyên môn; về quản lý tài sản. Báo VietNamNet có Công văn số 411/CV-VNN ngày 24/7/2017 gửi Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hà Nội đề nghị xem xét.
8. Bạn đọc Vũ Thị Đan ở xóm 7C, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình gửi “đơn tố cáo” đề ngày 5/7/2017 về việc: Thẩm phán và Thư ký (TAND huyện Kim Sơn) có nhiều hành vi cố ý làm sai lệch vụ án (ly hôn với ông Trần Văn Công ở xóm 5, cùng xã); dựa vào Biên bản ngày 6/12/2016 của TAND huyện Kim Sơn trong khi Biên bản này vi phạm luật tố tụng dân sự, không khách quan, thiếu trung thực, chỉ giải quyết việc ly hôn mà không giải quyết việc phân chia tài sản (các hợp đồng vây ngao và tài sản trong nhà với tổng giá trị 16 tỷ 452 triệu đồng), vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của BĐ Đan. Đề nghị TAND tỉnh Ninh Bình và TAND huyện Kim Sơn xem xét.
9. Bạn đọc Thu Hà gửi email ngày 18/7/2017 “nhờ Báo VietNamNet giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngày 15/7 tôi ra sân bay làm thủ tục bay cho chuyến bay lúc 5h55ph của Viet Nam Airline về Hải Phòng. Tôi đã check in xong và xếp hàng qua an ninh hải quan để vào phòng chờ lên máy bay. Do lượng người xếp hàng quá đông nên quá giờ bay tôi vẫn chưa tới cửa kiểm soát; tôi hỏi nhân viên ở đó thì được biết máy bay… đã bay và được hướng dẫn xuống quầy hỗ trợ đợi chuyến bay tiếp theo. Tôi ngồi chờ 2 giờ đồng hồ mới được báo: Tất cả các chuyến bay trong ngày không còn vé; buộc phải đổi hành trình về Hà Nội rồi di chuyển tiếp về Hải Phòng, và tôi phải trả tiền cho việc đó. Tôi thấy dịch vụ của hãng hàng không quá tệ”. Xin chuyển ý kiến của BĐ Thu Hà đến Hãng Hàng không Viet Nam Airline xem xét.
10. Bạn đọc là “cư dân của tòa chung cư Ecolife Capitol, do CTCP Xây dựng & Thương mại Thủ đô đầu tư xây dựng” gửi văn bản phản ánh: “Theo Hợp đồng, căn hộ chung cư với những tiêu chuẩn cao cấp; nhưng thực tế xây dựng căn hộ với phẩm cấp thấp hơn hẳn, trong khi giá cả chúng tôi phải trả cho mỗi m2 rất cao. Chủ đầu tư đã thay đổi nguyên vật liệu hoàn thiện, từ loại chất lượng tốt (ghi trong Hợp đồng mua bán) sang loại có chất lượng kém hơn mà không hề có sự thỏa thuận với người mua nhà. Đơn cử: Tay nắm gạt ngang thay sang tay nắm tròn, bồn tắm ToTo thành vách tắm kính, sàn gỗ dày 12mm thay sang dày 8mm, thiết bị điện Panasonic hoặc sneider thành Vanlock/Sino Deaking, chuông cửa có hình thành không có hình…Chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế: Thay vách kính bằng tường xây; các đường ống xả thải không nằm trong hộp kỹ thuật theo thiết kế qua bản vẽ trong HĐ kinh tế…làm cho cư dân quá bức xúc”. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền TP Hà Nội nơi các BĐ đồng gửi đơn này xem xét.
11. Bạn đọc Nguyễn Văn Ninh, địa chỉ số 16, ngõ 120, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, gửi email ngày 19/7/2017 “khiếu nại Văn bản số 128/LĐTBXH-BHXH ngày 17-02-2017 của Phó Vụ trưởng Nguyễn Duy Cường trả lời các đơn tố cáo của tôi từ ngày 15-07-2016 với nội dung Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ra Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18-02-2016 liên quan đến Bản quyền số 202/2004/QTG, tôi đã gửi đến Bộ LĐTBXH từ năm 2008, thể hiện ở văn bản số 428/LĐTBXH-BHXH ngày 22-10-2008, Phó Vụ trưởng Trần Văn Luận ký. Tôi đã nhiều lần gửi đơn, đến trực tiếp Ban tiếp dân của Bộ LĐTBXH trình bày và 6 lần gửi đơn đến Bộ trưởng, nhiều lần gọi điện, đều nhận được câu trả lời đang trình lãnh đạo Bộ”. Đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc.
12. Bạn đọc Trần Thanh Thúy ở ấp 1, Phước Bình, Long Thành, Đồng Nai gửi email ngày 21/7/2017 kêu cứu: “Tôi có một căn nhà hợp pháp tại địa chỉ trên. Do tôi đi làm công nhân trên TP Biên Hòa, nên nhờ cha của mình trông coi giúp. Căn nhà của cha ở số 11 thì cha cho em ruột là Trần Thị Hạnh (tôi gọi bằng cô ruột) ở nhờ. Đầu năm 2014 cha tôi bị chết vì tai nạn giao thông. Bà Hạnh ngang nhiên bán căn nhà của cha và chiếm giữ nhà tôi chung sống với một người đàn ông lạ. Tôi nhiều lần yêu cầu bà Hạnh trả nhà nhưng bà Hạnh không đáp ứng. Tôi làm đơn gửi chính quyền địa phương nhờ can thiệp, nhưng ấp, xã, chỉ hòa giải; còn Công an huyện thì hướng dẫn tôi khởi kiện ra Tòa. Ngày 4/7/2017 tôi đưa cả gia đình về nhà mình tại địa chỉ trên nhằm ổn định lại cuộc sống, nhưng bà Hạnh khóa cửa không cho chuyển đồ đạc vào nhà. Cực chẳng đã tôi phải kiếm mấy tấm bạt cũ che lên ngoài sân cho vợ chồng con cái chui rúc sống tạm”. Đến nước này, có lẽ BĐ Thanh Thúy chỉ còn cách gửi đơn ra Tòa án nhân dân đề nghị xử lý theo pháp luật.
13. Bạn đọc Nhớ Trần Minh gửi email ngày 20/7/2017 cảnh báo: Mấy hôm nay tôi đọc trên một số trang diễn đàn và face, thấy một số cá nhân và tổ chức giả mạo hệ thống FamilyMart Việt Nam để đăng tin tuyển dụng nhằm mục đích lừa tiền mà đối tượng chủ yếu là các em sinh viên. Mỗi giao dịch được hứa đi làm là 650k (trong đó đồng phục 450k, 200k tiền phí quản lý). Tôi cũng đã liên hệ với bên bộ phận tuyển dụng FamilyMart Việt Nam và được xác nhận đó là những hình thức lừa đảo. 650k với 1 một em sinh viên là không nhỏ. Cả Sài Gòn này có bao nhiêu em muốn được đi làm thêm và với những thủ đoạn như thế thì số tiền mà các em bị lừa là bao nhiêu? Xin chuyển ý kiến của BĐ Nhớ Trần Minh đến các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh xem xét; mong các em sinh viên tỉnh táo, cảnh giác để khỏi bị lừa.
14. Bạn đọc Phạm Minh ở ngõ 205, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội “đại diện cho nhiều hộ dân trong ngõ và khu đô thị Ngoại giao đoàn” gửi đơn đề ngày 19/7/2017. Nội dung: BĐ Minh đề nghị quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Chủ đầu tư KĐT Ngoại giao đoàn khẩn trương thông đường nối từ KĐT này ra đường Võ Chí Công để giảm áp lực cho ngõ 205 thường tắc nghẽn vào giờ cao điểm; đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm bãi rác thải lớn bốc mùi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. BĐ cũng phản ánh 2 Công viên trong khu vực (CV Hòa Bình và CV Ngoại giao đoàn) hầu như không được quản lý nên chất lượng xuống cấp nhanh, cỏ rác nhiều, úng ngập, không đèn chiếu sáng ban đêm…Xin chuyển ý kiến của BĐ Phạm Minh đến UBND quận Bắc Từ Liêm và phường Xuân Đỉnh xem xét.
15. Bạn đọc Võ Hoàng Ngân ở G39, đường số 55, KDC 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, là người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thái Bình, gửi đơn khiếu nại đề ngày 18/7/2017 đối với một Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre có một số hành vi trái quy định của pháp luật. Đơn này, BĐ Hoàng Ngân đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
16. Bạn đọc Nguyễn Văn Cường, thương binh 4/4, ở đội 3, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội gửi đơn đề ngày 25/7/2017 “kêu cứu” về việc: Cơ quan Điều tra Công an huyện Thanh Trì không ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cha con ông Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Văn Sơn theo Đơn tố cáo ngày 7/1/2017 của BĐ Cường. Trước đó, ngày 11/12/2016 do can ngăn cha con ông này cầm hung khí đe dọa tấn công vợ chồng bà Đỗ Thị Thúy- ông Nguyễn Đức Cung nên BĐ Cường bị đánh bằng dao, bằng búa vào đầu, vào lưng đến bất tỉnh, phải vào bệnh viện điều trị; còn 2 đối tượng đánh người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đề nghị Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội xem xét.
17. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ có Công văn số 900/SNN-CN ngày 24/7/2017 phúc đáp Công văn số 381/CV-VNN ngày 4/7/2017 đề nghị xem xét đơn của BĐ ở thôn Sinh Tiến, các thôn thuộc xã Minh Hòa và xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập về việc rừng keo bị thiệt hại nghi do đàn ong lai di chuyển từ nơi khác tới gây ra. Công văn cho biết: “Giống ong lai của các hộ nuôi ong lấy mật tại xã Minh Hòa nằm trong Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 1/7/2015 của Bộ NN và PTNT). Việc nghi ngờ nguyên nhân rừng keo tai tượng bị héo do đàn ong lại được chủ nuôi di chuyển từ nơi khác về gây hại như kiến nghị của các hộ trồng rừng là chưa có cơ sở”. Công văn cũng cho biết nguyên nhân là “bệnh chết héo cây keo do nấm gây ra” và Sở chỉ đạo “kiểm tra, phòng trừ kịp thời không để lây lan trên diện rộng”.
Ban Bạn đọc