- Khi đang điều khiển xe máy trên phố, tôi muốn sang đường và có bật đèn xi nhan. Nhưng khi sang gần hết đường, một người đi cùng chiều phóng xe đâm vào tôi khiến xe tôi hư hỏng nặng, tôi bị gãy chân còn người đó chấn thương sọ não, sau khi cấp cứu 5 ngày thì mất. Công an điều tra kết luận người đó lái xe trong tình trạng say xỉn, đi quá tốc độ cho phép, nhưng tôi lại chưa có bằng lái xe (do chưa đi thi). Xin hỏi luật sư với lỗi như vậy, tôi sẽ bị xử phạt như thế nào? Gia đình người kia cũng không đòi bồi thường hay kiện tụng gì.
Người đâm phải tôi đã say rượu khi tham gia giao thông (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe
Theo Khoản 5 hoặc điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 107/2014/NĐ-CP) có hiệu lực đến 31/7/2016. Cụ thể:
“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều này.
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Trường hợp bạn tham gia điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà không có giấy phép lái xe thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.
Từ ngày 01/08/2016, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Thứ hai: Về tai nạn xảy ra:
Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 sửa dquy định:
"Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Điều 617 Bộ luật Dân sự quy định:
"Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường."
Trong trường hợp này, nếu qua hoạt động điều tra của cơ quan công an xác định bạn không vi phạm những quy định về an toàn giao thông đường bộ: đi đúng làn đường quy định, đúng tốc độ, không tránh, vượt trái phép... và người có lỗi là người bị hại thì bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan tố tụng sẽ dựa vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra quyết định về hình phạt cho bạn.
Thứ ba: Mối quan hệ giữa hậu quả và hành vi phạm tội.
Giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra phải tồn tại mối quan hệ nhân quả. Hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải xảy ra trước hậu quả và là nguyên nhân trực tiếp khiến phát sinh hậu quả. Đối chiếu với thông tin bạn đưa ra cho thấy: Người vi phạm điều khiển phương tiện giao thông là nạn nhân chứ không phải bạn. Nạn nhân đã sử dụng rượu trước khi tham gia giao thông đồng thời trong quá trình lưu thông, người này còn lấn chiếm làn đường làm xảy ra va chạm với xe của bạn. Đây là hành vi vi phạm điều cấm quy định tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008. Nếu bạn có chứng cứ chứng minh mình không có lỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà lỗi xuất phát từ phía nạn nhân thì hoàn toàn không phải bồi thường thiệt hại cũng như không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại điều 202 Bộ luật hình sự.
"Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định"
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc