- Tôi vay một người số tiền 200 triệu đồng, nhưng trong hợp đồng không thể hiện lãi suất theo quy định vì người cho vay muốn lách luật, đòi lãi suất cao hơn pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, khi trao đổi qua điện thoại, giữa tôi và người đó vẫn nhắc đến mức lãi suất này và được tôi lưu lại. Số tiền lãi đến nay đã quá cao, thậm chí đã quá số tiền nợ gốc. Tôi không còn khả năng chi trả thì người đó dọa sẽ đập phá nhà cửa. Tôi có thể kiện người này vì tội cho vay nặng lãi được không?

{keywords}
Ảnh minh họa

.Do bạn không nói rõ thời điểm vay nên chúng tôi tư vấn theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại Khoản 1 Điều 468 Luật Dân sự năm 2015 quy định:

"Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Lãi suất tối đa mà các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm tức là không được vượt quá 1,67%/tháng.

Tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật hình sự, tại Điều 163 có quy định như sau:

“1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Theo đó, lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên. Với trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ là bạn cho vay với lãi suất bao nhiêu %/ tháng nên chúng tôi không thể tính được bạn có cho vay với mức lãi suất cao hơn  mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên hay không.

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng có thể được thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Như vậy, chỉ cấu thành tội cho vay nặng lãi khi thỏa mãn 2 dấu hiệu được nêu ở trên.

Nếu bạn nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm này thì bạn có thể gửi đơn hoặc đến trực tiếp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức để tố giác hành vi cho vay nặng lãi này. Sau khi tiến hành xác minh có dấu hiệu của tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ tiến khởi tố và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bạn không trả được nợ và phía bên cho vay khởi kiện ra tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc