- Em trai tôi 27 tuổi, từng đi tù 2 năm về tội trộm cắp tài sản. Ra tù được 1 năm thì lại đi ăn trộm số tiền 10 triệu đồng. Tôi muốn hỏi trường hợp em tôi sẽ bị xử lí như thế nào? Hiện nay đang em đang bỏ trốn gia đình tìm không ra. Vậy em tôi có khả năng bị truy nã không?

{keywords}
Em tôi tiếp tục tái phạm, ăn trộm số tiền 10 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, xác định khung hình phạt

- Về xóa án tích: điểm b Khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự quy định:

“2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;”

Em bạn phạm tội trộm cắp tài sản và bị kết án 2 năm tù giam, 1 năm sau lại phạm tội trộm cắp tài sản. Đối chiếu với quy định nêu trên thì em bạn chưa được xóa án tích. Căn cứ Điều 49 Bộ luật hình sự quy định:“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.”

Theo các quy định nêu trên, trường hợp phạm tội của em bạn là tái phạm.

Theo thông tin bạn cung cấp số tiền trộm cắp là 10 triệu đồng có thể khởi tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự, khung hình phạt: từ sáu tháng đến ba năm.Tuy nhiên, để xác định mức án cụ thể còn phụ thuộc vào kết luận điều tra từ phía cơ quan điều tra, cáo trạng và bản án mà Tòa án tuyên.

Thứ hai: Nếu sau khi khởi tố bị can bỏ trốn.

Nếu em bạn đã có quyết định khởi tố bị can thì căn cứ theo Điều 161 BLTTHS 2003 quy định về truy nã bị can như sau:"Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.

Quyết định truy nã phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo, nếu có; tội phạm mà bị can đã bị khởi tố.Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã."

Những đối tượng bị truy nã được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNSTC-TANDTC như sau:

"1. Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

2. Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.

3. Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.

4. Người bị kết án tử hình bỏ trốn.

5. Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn."

Trong thời gian 24 giờ từ khi xác định đối tượng bỏ trốn hoặc không xác định được đối tượng đang ở đâu, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối tượng bỏ trốn phải ra quyết định truy nã và nhanh chóng gửi đến cơ quan công an các cấp nơi đối tượng có thể ẩn náu hoặc lẩn trốn để truy bắt. Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết ở những nơi công cộng để mọi người biết, phát hiện, tố giác và bắt giữ đối tượng

Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các căn cứ quy định tại Điều 4 của Thông tư này, cụ thể:

"1. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;

b) Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

2. Khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã; trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã."

Trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc