– Phía sau người đàn ông thành đạt là bóng dáng của một người phụ nữ. Còn phía sau người phụ nữ thành đạt là người đàn ông rất thấu hiểu, thậm chí biết chịu đựng – Chia sẻ của chị Đàm Bích Thuỷ, Thảo Griffith và nhà văn Trang Hạ - những người phụ nữ được xem là thành công và là hình mẫu trong cộng đồng.

>> Nghe những phụ nữ quyền lực nói chuyện nữ quyền


Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý vị độc giả VietNamNet, xin chào mừng các bạn đến với chuyên mục Bàn tròn trực tuyến hôm nay với chủ đề Nữ quyền Việt Nam thời hiện đại. Các khách mời tham gia bàn tròn có chị Đàm Bích Thủy, Trưởng Đại diện Ngân hàng Quốc gia Australia, chị Nguyễn Thu Thảo, hay Thảo Griffith - Trưởng đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam và nhà văn Trang Hạ. Ba nhân vật của chúng ta hôm nay làm việc trong những lĩnh vực rất khác nhau nhưng họ đều là những người thành công và được xem là một hình mẫu trong cộng đồng của mình.

Chị Đàm Bích Thủy là nữ lãnh đạo người Việt cao nhất trong các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam, từng nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng ANZ Đông Dương suốt 10 năm liền, đưa ANZ từ một nhà băng không mấy tiếng tăm với hơn 100 nhân viên trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với hơn 1.300 người. Thảo Griffiths, cô gái nhỏ bé nhưng khá nổi tiếng trong làng ngoại giao với năng lực kết nối đặc biệt. Ở tuổi 30, Thảo trở thành người Việt đầu tiên được trao trọng trách đứng đầu Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN (VVAF) – vị trí vốn chỉ dành cho người Mỹ - sau khi cô tốt nghiệp thạc sỹ quan hệ quốc tế ở Washington DC theo chương trình học bổng Fulbright. Trong khi đó, Trang Hạ được đông đảo công chúng biết tới như một nhà văn – nhà báo – dịch giả đầy cá tính. Hiện Trang Hạ là giám đốc thương hiệu cho Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON đồng thời đảm nhận nhiều chiến dịch truyền thông hỗ trợ cộng đồng.

Làm chồng phụ nữ thành đạt có bị lép vế?

Câu hỏi đầu tiên cho ba vị khách mời: người ta thường hay nói là phía sau một người đàn ông thành công thì luôn có bóng dáng của một người phụ nữ, thế thì phía sau một người phụ nữ thành đạt sẽ là bóng dáng của ai? Xin mời chị Thủy?

Thảo Griffiths: Tôi nghĩ là đằng sau một người phụ nữ thành đạt là một người đàn ông rất thấu hiểu. Và thậm chí là người đàn ông đấy còn mạnh mẽ hơn người phụ nữ đó, nhưng sự mạnh mẽ ấy được thể hiện bằng sự thấu hiểu về công việc và cuộc sống người vợ của mình.

Đàm Bích Thủy: Mình hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Thảo. Nếu nói trên quan điểm của những người đàn ông trong xã hội hiện nay, họ sẽ nói rằng đằng sau người phụ nữ thành đạt là người đàn ông biết chịu đựng. Nhưng mà có lẽ dùng từ chịu đựng thìhơi nặng nề quá. Những người đàn ông hiểu được những người phụ nữ đó cũng phải chịu đựng một chút. Nhưng cuối cùng những người đàn ông đó cũng đồng ý để điều chỉnh họ, để có thể hỗ trợ được tốt nhất cho người phụ nữ của mình.

Trang Hạ: Mình không dám tự nhận mình là một người phụ nữ thành đạt. Mình chỉ nghĩ là mình làm tốt những công việc của mình thôi, dù là làm tác gia hay là viết văn hay là làm tư vấn truyền thông. Điều đáng tiếc là sau lưng mình không có ai cả. Ông xã của mình đứng bên cạnh mình và đứng ngang hàng với mình.

Mình nghĩ, hôn nhân thành công là không ai phải nhường nhịn, hy sinh hay phải thay đổi bản thân quá nhiều để người kia đạt được mục đích. Rất nhiều người hỏi ông xã mình là: “Làm chồng chị Trang Hạ có khó không?” Anh ấy chỉ mỉm cười thôi. Thực ra làm chồng mình rất dễ vì mình cũng chăm sóc tốt cho bản thân.

Việt Lâm: Những câu trả lời của các chị có lẽ cũng đã trả lời phần nào cho thắc mắc của nhiều độc giả, rằng những người đàn ông của những người phụ nữ thành đạt đó khi ở trong gia đình có bị lép vế không?Và những người đàn ông đấy nếu mà bị lép vế thì họ sẽ phải ứng xử như thế nào?

Đàm Bích Thủy: Tôi nghĩ có lẽ mọi sự đều ở trong quan niệm của từng cá nhân thôi, bởi vì xác định được vị trí của mình như thế nào trong gia đình đối với cả phụ nữ và đàn ông nó phụ thuộc rất nhiều vào từng cá nhân đó. Cái khó ở trong xã hội Việt Nam đó là nhiều khi cái ảnh hưởng ở ngoài xã hội nó tạo ra áp lực ở trong gia đình. Nhiều người bên ngoài hay định kiến rằng như thế thì anh ta phải lép vế lắm, hay chị này bắt nạt anh ấy ghê lắm. Trong khi với những người trong cuộc thì câu chuyện hoàn toàn không phải như thế. Cho nên tôi nghĩ lép vế hay không phụ thuộc vào quan niệm và ứng xử của từng cá nhân.Đó cũng là vấn đề tôi suy nghĩ rất nhiều khi Việt Lâm nêu lên khái niệm nữ quyền. Có nhất thiết nữ quyền và nữ tính phải đánh đổi cho nhau hay không? Quan điểm của tôi là không, nhưng chúng ta sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này khi nói về chuyện nữ quyền.

Thảo Griffiths: Tôi thấy người đàn ông ở trong nhà hoàn toàn không lép vế một chút nào. Bởi mối quan hệ vợ chồng rất phức tạp. Nếu hai người đã thống nhất là sẽ trao đổi với nhau thì sẽ có những việc vợphải lép vế và ngược lại. Hay là vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống cũng vậy. Đấy là tôi dùng lại từ của độc giả.

Còn trong hôn nhân thì tốt nhất là sẽ không có những trường hợp chồng bị lép vế. Như chuyện của Thảo chẳng hạn.Thảo lập gia đình được 14 năm rồi. Thời gian đầu khi ông xã mình đi đâu, được giới thiệu thì mọi người hay phản ứng kiểu: À, anh đó là chồng của Thảo đấy. Đến một ngày, ông xã mình than thở: Anh không thích đi đâu cũng chỉ được biết đến là chồng của em. Thôi tốt nhất là việc em em làm, việc anh anh làm. Ít nhất, anh ấy đã trao đổi rất cởi mở và Thảo cũng đồng ý. Sau một thời gian thì anh bảo: không, anh lại muốn được đi cùng với em. Cho nên tôi nghĩ nếu hai bên tôn trọng ý kiến của nhau thì việc này không có gì to tát cả.

{keywords}
Nhà văn Trang Hạ, nhà báo Việt Lâm, CEO Đàm Bích Thủy và Thảo Griffith (từ trái sang) trong cuộc bàn tròn về nữ quyền. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Việt Lâm: Đúng như chị Thủy nhận xét, chuyện lép vế hay không phụ thuộc vào quan niệm của mỗi cá nhân. Nhưng mỗi cá nhân lại chịu áp lực lớn từ những định kiến xã hội.Tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện như vậy từ bạn bè xung quanh tôi.Có một cô bạn giành được học bổng du học nhưng chồng cô ấy phản đối.Vậy là cô ấy đành ngậm ngùi từ chối. Hay một chị bạn khác đi du học rồi, bây giờ về kể rằng chị ấy vẫn đang trong giai đoạn chuộc tội, bởi trong mắt chồng và gia đình chồng thì chị ấy can tội bỏ chồng con để hưởng thụ ở nước ngoài chẳng hạn. Rõ ràng có những người đàn ông cũng sẵn lòng ủng hộ vợ mình phấn đấu sự nghiệp đấy, nhưng khi mà họ đối mặt với những định kiến xã hội thì rất nhiều người lại chùn bước.Các chị nghĩ thế nào về hiện tượng này, từ kinh nghiệm của bản thân?

Thảo Griffiths: Thảo cũng đã trải qua thời điểm băn khoăn lựa chọn giữa cơ hội phát triển nghề nghiệp và chăm sóc gia đình. Lúc nhận được học bổng Fulbright sang Mỹ học thì tôi đã có một con trai 2 tuổi, một con gái chuẩn bị sinh. Chồng thì đang làm tiến sĩ nên vợ là người đảm bảo thu nhập chính trong gia đình  cho nên có rất nhiều trách nhiệm. Lúc này, Thảo đã đặt ra một vấn đề rất rõ là có thể Thảo sẽ không đi học. Nhưng chồng thuyết phục là nên đi vì đây là cơ hội tuyệt vời.Ông sếp Thảo cũng nói bằng giá nào Thảo cũng nên đi vì đây là cơ hội không thể bỏ qua.Bố mẹ cũng ủng hộ hết mình.

Điều này cho thấy rằng nếu người phụ nữ có được sự hỗ trợ của những người xung quanh, như bố mẹ, gia đình, đồng nghiệp thì họ sẽ có điều kiện phát triển.

Nhưng tôi cũng phải chấp nhận sự đánh đổi, hi sinh rất lớn về tinh thần, tình cảm trong thời gian đi học bởi phải sống xa gia đình. Lúc mới quay về cũng trải qua trạng thái như một tội đồ. Tuy nhiên, đó chỉ là thời gian ban đầu thôi. Nếu đã xác định mình không làm gì sai thì mình sẽ hướng mọi người sang một suy nghĩ tích cực hơn.

Việt Lâm: Nhưng không ít người biết Thảo hay lập luận rằng Thảo có nhiều cơ hội để theo đuổi ước mơ của mình nhờ có ông chồng Tây biết thông cảm. Ở đây có hai người lấy chồng Việt Nam thì thấy nhận xét ấy thế nào?

Đàm Bích Thủy: Hoàn cảnh của mình cũng giống Thảo. Lúc nhận được học bổng Fulbright thì con gái mới gần 2 tuổi.Gia đình nhà chồng và chồng về cơ bản là không muốn mình đi, nhưng bố mẹ thì vô cùng ủng hộ bởi vì cũng nghĩ nếu bỏ qua thì có lẽ khó có thể tìm lại được một cơ hội như thế trong tương lai. Thú thực là nếu không có sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là của bố mẹ thì có lẽ mình cũng không thể thực hiện được ước mơ đấy.Bố mẹ đã đứng ra gánh vác và giúp đỡ trông con. Nhưng quả thật đấy vẫn là sự hi sinh rất lớn khi phải xa con lúc còn rất nhỏ. Sau đó, mình còn khó hơn Thảo nữa khi về lại làm việc một thời gian ở nước ngoài (chị Thủy về Singapore làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư – NV).

Cũng phải nói thêm là lúc ấy mình cũng rất băn khoăn không biết cái sự đánh đổi ấy có đáng hay không. Nhưng bây giờ sau 20 năm nhìn lại, tất cả những gì đã xảy ra trong sự nghiệp, trong việc nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình thì có lẽ ngay cả chồng và gia đình chồng cũng nhận thấy đó là quyết định đúng. Mình nghĩ đấy là điều hạnh phúc nhất.

Nếu chúng ta chỉ đưa ra quyết định tại một thời điểm và sau đó cố gắng đoán xem nó đúng hay sai thì rất khó. Bởi vì khi ảnh hưởng của quyết định đó đến cuộc sống của người xung quanh hay tương lai của gia đình hay cá nhân thì phải mất mươi hai mươi năm sau khi nhìn lại mới đánh giá được chính xác. Thế nên mình nghĩ rằng điều quan trọng có lẽ là mỗi người đều phải chấp nhận rủi ro nhất định, hi sinh nhất định. Và chúng ta phấn đấu để làm việc và sống như thế nào để sau đó khi nhìn lại không thấy rằng nó là vô ích.

Trang Hạ: Mình có 6,7 năm vừa học tập vừa làm việc ở nước ngoài. Gia đình chồng cũng như gia đình bố mẹ đẻ của mình có một truyền thống là nếu ra khỏi cửa để đi học hoặc đi làm thì được.Nếu đi ra ngoài để đi chơi thì 1 tiếng cũng không được.Cho nên nếu nói con đi học thì có thể đi 6,7 năm. Ông bà ở nhà sẵn sàng nuôi con giúp, hoặc làm những việc hỗ trợ mình cả về đối nội, đối ngoại. Cho nên mình rất thuận lợi trong công việc.

Khi mình ở Đài Loan về, mình nói với ông xã là thôi bây giờ em đi nhiều quá rồi, đến lượt anh đi, anh đi sang Lào 10 năm đi. Bởi khi ấy ông xã có một cơ hội làm đại diện bên Lào.Nhưng ông xã không đi được vì yêu con quá. Hạnh phúc của chồng mình là hàng ngày nhìn con ngủ dậy này, rồi hàng tháng nhấc con lên bàn cân xem con lên được mấy lạng. Mùa hè thì buổi sáng cho hai thằng cu, một đang gửi mầm non, một đang học lớp một, chạy bộ 1 cây rưỡi để rèn thể lực. Đấy, có những người đàn ông họ coi việc chăm sóc con cái là niềm vinh dự, và họ còn chăm con khéo hơn cả phụ nữ. Không thể phủ nhận Trang Hạ chính là sản phẩm của cuộc hôn nhân.

Nhiều phụ nữ không thích làm trưởng

>> Bấm vào đây để xem tiếp video


Việt Lâm: Từ chia sẻ của các chị, tôi nhận ra một điểm chung là phía sau thành công của người phụ nữ là sự hi sinh của cả gia đình. Có lẽ đó là điều may mắn của nhiều phụ nữ Việt Nam khi họ có được sự ủng hộ lớn lao như vậy để theo đuổi cơ hội và ước mơ của mình. Tôi nghĩ có lẽ không phải phụ nữ ở nước nào, ngay cả các nước đang phát triển cũng có sự ủng hộ như vậy, đúng không ạ?    

Thảo Griffiths: Đúng. Tôi có dịp được làm việc tại các nước Trung Đông, Châu Phi. Phải nói là so với họ thì nữ quyền ở Việt Nam có rất nhiều điểm sáng. Thậm chí so với phụ nữ phương Tây thì phụ nữ Việt Nam còn may mắn ở chỗ có sự hỗ trợ từ gia đình, nhất là từ bố mẹ đẻ của người phụ nữ đó.

Đàm Bích Thủy: Tôi được mời đến nói chuyện ở nhiều diễn đàn phụ  nữ làm kinh doanh ở các nước phát triển, ví dụ như Úc chẳng hạn. Ở đó, phụ nữ đều được bày tỏ sự không hài lòng về những rào cản xã hội để họ được thăng tiến, được là những công việc mà họ ưa thích. Quả thật, khi ngồi trong những diễn đàn đó, tôi cảm thấy phụ nữ châu Á quá may mắn. Bởi vì trên thực tế, chuyện người phụ nữ có thăng tiến được không phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân người đó, hơn là chúng ta phải vượt qua những rào cản xã hội. Cứ coi như ở Việt Nam có tồn tại rào cản xã hội, thì phần lớn nó nằm ở quan niệm, chứ không phải là rào cản hiện hữu.

Ví dụ như Trang Hạ, hay Thảo vẫn có thể làm việc trong cái ngành mà người ta nói rằng là ngành hoàn toàn của nam giới và vẫn rất thành công (Trang Hạ làm tư vấn truyền thông cho ngành xây dựng, còn Thảo làm trong lĩnh vực bom mìn – NV). Đương nhiên, tìm được những phụ nữ như Thảo trong cái ngành như thế cũng không nhiều lắm. Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu Thảo muốn làm mà Thảo không làm được vì có một lực cản vô hình nào đấy.

Tôi nghĩ rằng trên thực tế chúng ta là những người phụ nữ Việt Nam thì chúng ta cũng phải thấy rằng chúng ta may mắn chứ không phải chỉ có những điều khó chịu đối với xã hội trong vấn đề nữ quyền. Chắc là Thảo cũng có nhiều kinh nghiệm về lý do vì sao phụ nữ Việt may mắn như thế. Nó xuất phát từ những nguyên nhân rất không may mắn của lịch sử, đó là những cuộc chiến tranh liên miên,nam giới phải ra trận và tất cả hậu phương là để dành cho phụ nữ. Như vậy phụ nữ có thể làm tất cả mọi thứ từ trong nhà máy, công xưởng rồi đến nuôi con cái, chăm sóc người già, người ốm. Tức là không có ai cản trở phụ nữ làm điều đó cả.

Thảo Griffiths: Nhân đây tôi cũng muốn bổ sung thêm. Đó là nếu chúng ta vào các công ty lớn, các cơ quan nhà nước chẳng hạn, chúng ta thấy rất nhiều phụ nữ ở cấp phó. Mà cấp phó thường là những con ong chăm chỉ.Thế nhưng cấp trưởng thường là nam giới đa số.Thế thì câu hỏi là tại sao?

Xét trên bình diện chung so với những nước cùng thu nhập, cùng trình độ phát triển thì vấn đề nữ quyền của VN khá tốt. Nhưng trên bình diện phụ nữ lãnh đạo thì chưa tốt lắm. Tôi nghĩ một trong nhiều lý do là quy định của nhà nước về tuổi về hưu của phụ nữ là 55 trong khi nam giới là 60.  Đây là bất lợi lớn đối với phụ nữ, đặc biệt đối với phụ nữ đã có một vai trò nhất định ở tầm lãnh đạo. Vì sao lại bất lợi? Thứ nhất, phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Thứ hai, một người phụ nữ trung bình sinh một đến hai con thì sẽ mất khoảng 5 năm, nghĩa là vẫn đi làm nhưng mất khoảng 5 năm không phấn đấu được như các đồng nghiệp nam. Thế là vừa là mất 5 năm so với bạn đồng nghiệp của mình do tuổi hưu quy định,vừa mất 5 năm do sinh con, coi như là 10 năm. Cho nên đương nhiên phụ nữ thua thiệt so với đàn ông. Đến cái tuổi lẽ ra họ phải được cơ cấu để vào cấp cao thì bị về hưu. Nếu như chúng ta thay đổi được quy định này thì sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều phụ nữ Việt xuất sắc vào vai trò lãnh đạo. Khi đó, họ sẽ giúp đưa đươc những chính sách mà có thuận lợi hơn cho người phụ nữ để thực hiện quyền bình đẳng nam nữ.

Việt Lâm: Nhân nói về lãnh đạo nữ ở trong các cơ quan nhà nước thì tôi lại có cảm tưởng là nhiều khi việc phân bổ chức cụ cho phụ nữ mang tính cơ cấu. Nhưng để họ lên làm thủ trưởng thì không dễ. Vấn đề không chỉ nằm ở quy định tuổi hưu đâu, mà tôi nghĩ là do những định kiến nhất định. Ví dụ như liệu những người đàn ông trong cơ quan có sẵn sàng để bầu cho một phụ nữ lên làm lãnh đạo họ hay không?

Đàm Bích Thủy: Tôi biết rằng không chỉ các cơ quan nhà nước mà ngay cả các tập đoàn đa quốc gia cũng có quy định một số vị trí nhất định phải có các ứng viên nam và nữ nhằm đạt được sự đa dạng về giới tính trong đội ngũ lãnh đạo.

Nhưng tôi lại quan sát thấy có chuyện là nhiều phụ nữ rất hài lòng làm phó. Họ đưa ra quyết định hoàn toàn có ý thức, có thông tin đầy đủ là tôi không bao giờ muốn làm trưởng. Có thể do họ e ngại những phản ứng từ phía gia đình, xã hội hoặc là sự bất bình của những nhân viên nam có thể phải làm dưới quyền họ. Nhưng về cơ bản, rất nhiều phụ nữ đưa ra quyết định ấy cho chính mình hơn là do họ bị kìm hãm. Họ ngần ngại về những chuyện đấu tranh, những sự phức tạp khi nắm giữ vị trí lãnh đạo. Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta nên xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh, chứ không hẳn là do phụ nữ không được cung cấp cơ hội làm trưởng.

Việt Lâm: Bởi vì từ xưa đến nay, quyền lực thường là trò chơi của nam giới.

Đàm Bích Thủy: Phụ nữ thì vẫn muốn thôi tôi làm tốt công việc của mình, tôi còn bao nhiêu chuyện khác. Bây giờ lo những chuyện đấu đá nội bộ, rồi những việc linh tinh khác thì thà để thời gian lo những việc hữu ích cho gia đình tôi còn hơn. Vì những suy nghĩ đó nên họ không cảm thấy mặn mà với vị trí trưởng.

Thảo Griffiths: Tôi muốn quay lại câu hỏi của Việt Lâm, trong các cơ quan của nhà nước có cơ cấu đưa phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng điều đó rất cần thiết.Đối với một đất nước, trước khi đạt được chất lượng thì có lẽ phải đạt được số lượng đã. Khi có số lượng rồi thì từ lượng sẽ chuyển thành chất. Chúng ta chưa thể yêu cầu phải có một phụ nữ lãnh đạo xuất sắc như Hillary Clinton chẳng hạn. Chúng ta phải có rất nhiều phụ nữ lãnh đạo đã, rồi qua một thời gian dài mới có thể sản sinh ra những người như thế.

Việt Lâm: Nhưng nhiều khi cá nhân tôi cũng cảm thấy ấm ức khi mà nhắc đến những người phụ nữ lãnh đạo, họ hay nói rằng: ồ, bà ấy là phụ nữ mà thành công như vậy. Ngay khi người ta nói như vậy thì trong cái nhìn đã hơi có chút nhìn xuống rồi.     

Thảo Griffiths: Vâng, người ta hay nói tuy là phụ nữ nhưng lại thành công.

Việt Lâm: Không biết trên con đường sự nghiệp của các chị đã bao giờ gặp phải những  chuyện như thế chưa?

Đàm Bích Thủy: Tôi không để ý lắm, nhưng chắc là có. Chắc người ta cũng nói: ừ, tại sao phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam lại có thể làm được đến vị trí như thế này. Tôi thì nghĩ đơn giản là cứ tập trung làm tốt công việc của mình thôi.Vì sao lại như thế thì có lẽ tôi cũng không mất thời gian làm gì.Bởi có lẽ là tìm ra câu trả lời nào thì cũng không thỏa mãn được tất cả những người muốn đặt câu hỏi này.

Trang Hạ: Câu hỏi của Việt Lâm làm mình nhớ lại một cuộc tranh luận tuần vừa rồi rất gay gắt giữa mình và một nhóm phóng viên. Bọn mình cho rằng báo chí tại Việt Nam hiện nay đang mắc phải đúng một xu hướng y như Việt Lâm mới mô tả, tức đã là phụ nữ còn làm lãnh đạo, và một người ví dụ bộ trưởng thì người ta luôn nói là bộ trưởng. Nhưng bộ trưởng là nữ thì người ta luôn phải có chữ nữ bộ trưởng đi kèm. Tức là nếu làm như thế người ta hiểu rằng mặc nhiên bộ trưởng là giống đực, là đàn ông, còn nữ bộ trưởng ở đây là bộ trưởng nhưng không phải đàn ông. Tức là nữ bộ trưởng là cái thứ rất đặc biệt chứ người ta không nói là bộ trưởng gì đó mà luôn luôn là nữ bộ trưởng, nữ nguyên thủ hoặc là nữ thủ tướng. Có thể đó chỉ là một cái lệch nhỏ trong ngôn ngữ thôi.

Thế nhưng hãy mở một số tờ báo hàng ngày ra ngắm chân dung bộ trưởng Đinh La Thăng và bộ trưởng Kim Tiến.Đó là một trong những điều mà Trang Hạ cảm thấy thật không công bằng với cả hai người đó. Bởi vì anh Đinh La Thăng xuất hiện thường xuyên với tư thế rất đanh thép, còn chị Tiến sẽ có những góc cau mày, nhìn nghiêng. Tôi nghĩ những cái ảnh như thế không phải lỗi của chị Tiến mà là lỗi của phóng viên ảnh, phóng viên đưa tin bởi phóng viên nội chính đều là nam giới. Để chứng minh cho luận điểm đó, bọn mình đã hỏi một vài phóng viên làm mảng tin nội chính y tế: bên báo bạn có bao giờ đưa ảnh của chị Tiến xấu không? Họ bảo tôi không nhưng báo này, báo kia có đưa và báo đó là báo nam giới. Điều đó nói lên rằng, giới tính không có lỗi, phụ nữ nắm quyền lãnh đạo cũng không có lỗi nhưng trong ý thức chúng ta có một sự phản kháng nhè nhẹ nào đó dành cho những người phụ nữ đang nắm quyền lực trong tay. Cứ như thể là hoặc họ được cơ cấu vào hoặc họ đang được quá ưu đãi hoặc bởi vì họ đứng mũi chịu sào nên họ xứng đáng bị soi xét.

(còn tiếp)

Phần tiếp: Nữ quyền đấu nữ tính?