- Cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Ju-ho Lee chia sẻ câu chuyện vượt qua sự chống đối của các nhóm lợi ích để mạnh tay loại bỏ các trường đại học yếu kém.

>> Kỳ tích Hàn Quốc và giấc mơ người Việt

VietNamNet giới thiệu nội dung bàn tròn với GS Ju-ho Lee.


Tạo cạnh tranh bình đẳng trường công - trường tư

Nhà báo Việt Lâm: Xin chào Gs Juho Lee. Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia bàn tròn. GS Lee nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lee Myung-Bak. Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Cornell (Mỹ) và hiện là Giáo sư trường Quản lý và Chính sách công Hàn Quốc. Hôm nay, ông sẽ chia sẻ với độc giả VietNamNet câu chuyện thành công đầy cảm hứng của Hàn Quốc trong cải cách giáo dục đại học.

Câu hỏi đầu tiên dành cho GS: Nói về phát triển giáo dục, chắc ông cũng biết có hai trường phái cơ bản, một phái cổ xuý cho quan điểm phát triển do nhà nước dẫn dắt và phe kia thì chủ trương phát triển phải do thị trường dẫn dắt. Đây cũng là cuộc tranh luận khá gay gắt hiện nay về cải cách giáo dục đại học. Vậy, Hàn Quốc, một nước rất thành công với mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn dắt lựa chọn cách tiếp cận nào đối với cải cách giáo dục đại học?

GS Ju-ho Lee: Vấn đề này đã được nêu ra trong hội thảo về cải cách giáo dục đại học mà Ngân hàng Thế giới tổ chức với các nhà quản lý giáo dục của VN mà tôi có vinh dự được làm diễn giả chính. Tôi thấy khá thú vị khi VN đang đứng trước ngã ba đường, phải đưa ra lựa chọn cách tiếp cận theo hướng thị trường hay nhà nước là chủ đạo. Theo quan điểm của tôi, có lẽ cách tiếp cận lai ghép là phù hợp với VN hơn cả vào thời điểm hiện nay. Tức là chúng ta có thể kết hợp cả thị trường và nhà nước theo một cách thức rất cẩn trọng. Đó cũng là hướng đi mà Hàn Quốc đã lựa chọn.

Ví dụ, ở Hàn Quốc 80% trường đại học là tư thục và 20% là trường công. Chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận phát triển do nhà nước dẫn dắt đối với trường công và thị trường là chủ đạo đối với trường tư. Cụ thể, đối với các trường công, chúng tôi chỉ tập trung đầu tư cho các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, đưa họ vươn tới đẳng cấp thế giới với nguồn hỗ trợ mạnh tay từ chính phủ. Mặt khác, đối với các trường tư, Hàn Quốc áp dụng cách tiếp cận thị trường.Chính phủ chỉ hỗ trợ học bổng cho các sinh viên, tài trợ cho các nhà nghiên cứu làm việc trong các trường đại học, không phân biệt trường công hay trường tư. Nhờ vậy, các trường tư có thể cạnh tranh với trường công trong việc thu hút các giáo sư và sinh viên giỏi.

Chắc các quan chức Bộ Giáo dục VN đã chia sẻ với ông rằng hệ thống VN có sự khác biệt lớn. 80% các trường đại học của VN thuộc hệ thống công lập, ngược lại với Hàn Quốc. Do đó, Chính phủ VN phải đối mặt với gánh nặng rất lớn về ngân sách nếu muốn tái cấu trúc các trường này.

Do VN có một tỉ lệ rất lớn các trường công lập, có lẽ các nhà làm chính sách có thể nghĩ đến hướng trao quyền tự chủ lớn hơn để các trường này vận hành giống các trường đại học tư. Chẳng hạn như ở Mỹ, Đại học Berkerley là trường công, trong khi Stanford là trường tư, nhưng trên thực tế thì Stanford nhận được tài trợ của chính phủ còn nhiều hơn cả Berkeley. Như vậy, chính phủ có thể buộc các trường tư và trường công cạnh tranh với nhau.

Vậy làm thế nào để buộc các trường này cạnh tranh với nhau? Trước hết, chính phủ phải giao quyền tự chủ cho các trường, để họ tự tìm ra cách riêng của mình trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình. Chỉ có vậy, các trường mới đảm bảo cung cấp giáo dục chất lượng tốt và các sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được những công việc tương xứng.

Công khai danh sách các trường yếu kém

Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là một chủ đề rất thú vị hiện nay trong cuộc tranh luận về cải cách giáo dục đại học ở VN và chúng ta sẽ bàn sâu vào hai mệnh đề này sau. Trong bài thuyết trình tại hội thảo của Ngân hàng Thế giới, ông có đề cập rằng một số cải cách giáo dục đại học của Hàn Quốc đã thất bại. Vì sao chúng thất bại, thưa ông?

{keywords}
Cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Juho Lee

Cải cách giáo dục đại học ở Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn, nên chưa thể nói là cải cách thành công, hay thất bại. Khi chúng ta trao nhiều quyền tự chủ cho các trường, đặc biệt là các trường tư họ chỉ theo đuổi lợi ích riêng của họ nên tìm cách tuyển sinh được càng nhiều càng tốt mà không tính tới liệu các sinh viên có thể tìm được việc làm tương xứng sau khi tốt nghiệp hay không. Do vậy, chúng tôi đã thiết lập một hệ thống thông tin công khai, trên đó họ có thể thông báo tỉ lệ tốt nghiệp của mỗi trường, tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm và mức thu nhập trung bình. Nhờ thế, mọi người đều biết trường đại học nào đang đào tạo ra những cử nhân được thị trường lao động đón nhận. Thông qua một hệ thống thông tin công khai như vậy, chúng ta có thể tạo ra sức ép buộc các trường đại học phải nỗ lực hơn nữa để cung cấp giáo dục chất lượng cao. 

Nhưng chúng ta đều biết rằng bất kỳ một cải cách nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ đều phải đối mặt với nhiều trở ngại, đặc biệt là sự chống đối của những lực lượng đang hưởng lợi từ hệ thống hiện hành. Cải cách giáo dục đại học ở Hàn Quốc có phải đối mặt với những trở ngại về mặt chính trị, xã hội hay không và ông vượt qua sự chống đối của các nhóm lợi ích ấy như thế nào?

Vấn nạn giáo dục đại học chất lượng thấp ở Hàn Quốc thực sự rất nghiêm trọng và ngày càng xấu đi. Không còn cách nào khác là phải tái cấu trúc hệ thống đại học, dựa trên hệ thống minh bạch thông tin. Hàng năm Bộ Giáo dục công khai danh sách các trường đại học hoạt động kém hiệu quả. Chẳng hạn cách đây 3 năm, chúng tôi công bố danh sách 66 trường đại học có chất lượng nghèo nàn. Kết quả này thực sự là một cú sốc mạnh đối với các trường đại học. Sau đó, chúng tôi bắt đầu áp dụng điều kiện tài trợ dựa trên hệ thống dữ liệu này, và đóng cửa 6 trường đại học. Khi ấy, Bộ đã vấp phải sự phản đối gay gắt ở các địa phương và trong các cộng đồng, bởi vì các trường đại học trong khu vực của họ bị xoá sổ.

Nhưng vấn đề ở đây là người thua thiệt thực sự chính là các sinh viên và cha mẹ họ, những người đang theo học ở các trường chất lượng kém này. Vì thế, chúng tôi cam kết rằng những sinh viên này có thể được chuyển sang học ở các trường tốt hơn khi chúng tôi đóng cửa các trường yếu kém. Đó giống như là một cuộc đua và chúng ta có thể vượt qua những thách thức này khi chúng ta có thể thuyết phục rằng lợi ích của cải cách sẽ đến với đa số công chúng, thay vì chỉ dành cho thiểu số các nhóm lợi ích.

Cải cách và nhóm lợi ích

Nhưng trong suốt quá trình cải cách ấy, không lẽ ông chưa từng đụng độ với các nhóm lợi ích hay sao? Liệu ông có từng đối mặt với những vận động ngầm trong hậu trường không? Chẳng hạn như một ai đó ở cấp cao hơn ông gọi điện bảo ông rằng: Lee, ông không thể làm thế. Chớ có đụng vào nhóm này nhóm kia chẳng hạn? Tôi nghĩ là chuyện như vậy không phải là hiếm trong các xã hội Á Đông đâu.

Tôi hiểu điều bạn muốn nói ở đây là gì. Những chuyện như vậy khó tránh khỏi nhưng tôi chỉ có thể nói rằng tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới báo chí. Báo chí vốn ủng hộ cho các lợi ích của địa phương. Nhưng khi chúng tôi nỗ lực thuyết phục công chúng rằng những người được hưởng lợi ích thực sự từ chương trình tái cấu trúc chính là các sinh viên và cha mẹ họ, những người đang phải chấp nhận theo học tại các trường chất lượng yếu kém và nay họ sẽ có cơ hội chuyển sang trường tốt hơn, đồng nghĩa với việc có cơ hội giành được công ăn việc làm tốt hơn sau khi ra trường. Khi ấy, báo chí địa phương đã ngừng công kích chúng tôi và quay sang ủng hộ cho các nỗ lực cải cách. Đấy có thể gọi là một chiến lược quan trọng, đó là thuyết phục báo chí địa phương về ý định thực sự và những người hưởng lợi ích thực sự mà cải cách sẽ đem lại.

Từ những gì ông đề cập, tôi thấy một điểm rất thú vị là ngay cả ở một nước dân chủ như Hàn Quốc thì cải cách giáo dục vẫn thực sự nhọc nhằn. Tôi nhớ là ông có nói rằng một trong những chiến thuật quan trọng mà ông đã áp dụng thành công là biến các khủng hoảng nhỏ thành cơ hội cải cách lớn. Ông có thể giải thích rõ hơn được không?

Lúc đó, sinh viên lập ra các phong trào đòi giảm học phí. Đối với các nhà quản lý, đây có thể là một khủng hoảng nho nhỏ, nhưng đồng thời lại là cơ hội cải cách lớn. Tôi thuyết phục sinh viên và công chúng nói chung rằng: chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức để làm nhẹ gánh nặng học phí. Nhưng muốn làm thế, chúng ta phải loại bỏ các trường đại học yếu kém bởi vì chính phủ không có cách nào để tài trợ cho tất cả các trường đại học được. Cách duy nhất là tập trung tài trợ cho các trường chất lượng tốt hơn. Bằng cách này, chúng tôi đã biến sự bất bình và đòi hỏi giảm học phí của người dân thành cơ hội để tái cấu trúc các trường đại học.

(còn tiếp)

  •  VietNamNet