– Với cơ chế phân bổ vốn đầu tư hiện nay thì hiện tượng hàng loạt các công trình bạc tỷ bỏ hoang thời gian qua chỉ là chuyện bình thường – các chuyên gia hàng đầu lý giải.

VietNamNet giới thiệu nội dung bàn tròn trực tuyến: Tái cơ cấu đầu tư công – Bài học từ những công trình tiền tỷ bỏ hoang với Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN và Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP).

Chạy dự án kiểu xin được bao nhiêu thì xin

Nhà báo Việt Lâm:  Khi tôi thử search từ khóa “công trình tiền tỷ bỏ hoang”trên google thì cho ra 1,080,000 kết quả. Một loạt những cái tít như trẻ em đói và những công trình lãng phí trăm tỷ, nghìn tỷ;Quỳnh Lai, Sơn La nghèo nhưng hoang; Nghệ An trường tiền tỷ bỏ hoang,học sinh phải học trong lớp tranh vách nữa chẳng hạn... Tức là những câu chuyện này không phải ở một vài địa phương mà dường như xảy ra gần như trên khắp cả nước. Hai ông suy nghĩ thế nào về hiện tượng này?

T.s Trần Đình Thiên: Trong cơ chế phân bổ vốn đầu tư của chúng ta thì những chuyện ấy là bình thường. Nó bình thường là vì cách phân bổ của chúng ta dàn trải, không có cơ chế ràng buộc về tính hiệu quả, bắt đầu từ việc tính toán nguồn vốn đầu tư từ đâu ra. Cơ chế xin cho dự án về mặt chuẩn mực rất tùy tiện vì dựa trên quan hệ chứ không phải là trên những nguyên tắc ưu tiên trong phát triển kinh tế, hay quy hoạch. Do đó, cách đặt vấn đề của người xin dự án là xin được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, chứ không phải xin để hoàn thành công trình đúng kỳ hạn. Còn người cho thì không hẳn là công trình ấy dứt khoát phải hoàn thành, mà nhằm xử lý những vấn đề có tính nguyên tắc khác, như là phân bổ vốn phải công bằng, đồng đều cho các địa phương, không thiên vị quá mức chỗ nào.

Cách phân chia như vậy dẫn đến tình trạng, giả dụ như có một dự án cần 1000 tỷ. Rất nhiều dự án xin nghìn tỷ thì vốn nhà nước chắc chắn không có đủ để chia 1000 tỷ trong quãng thời gian dự án cần thực hiện. Khi từ chối rằng không có đủ vốn thì người ta lại mặc cả: Thôi thì 1000 tỷ nhưng năm đầu tiên cho em 100 tỷ cũng được. Nếu 100 tỷ không được thì cho em 50 tỷ vậy. Và rồi sang năm có thể cũng không xin được 100 tỷ mà chỉ 30 tỷ thôi.

Nếu tất cả các dự án đều đồng loạt xin theo kiểu như vậy và với tiến độ cấp vốn như vậy thì có nghĩa là phải mấy chục năm sau những dự án này mới hoàn thành.

Trên thực tế có vô số dự án được cấp vốn theo kiểu phân chia đồng đều để khỏi mất lòng ai. Và dĩ nhiên sẽ không dự án nào hoàn thành đúng kỳ hạn với cách làm như vậy.Đầu tư công tràn lan, lãng phí đến tận cùng là do ngay khâu đầu tiên đã hỏng mất rồi. Trong khi đáng lẽ nguồn vốn ấy cần tập trung đầu tư để xử lý những nút thắt tăng trưởng, hay tạo ra bùng nổ tăng trưởng ở điểm nào đó để tạo ra lan tỏa. Rốt cục, hiệu quả tổng thể lẫn hiệu quả dự án cụ thể đều thấp.

Vì sao như vậy? Vì khi cơ chế xin dự án tràn lan như vậy, sẽ dẫn đến tình huống không thể nào kiểm soát được hiệu quả dự án. Bộ máy của chúng ta tuy rất đông, nhưng năng lực quản trị cũng chỉ đến chừng mực nào đó. Dự án ban phát theo kiểu như vậy thì khó mà quản trị hiệu quả cho được. Đặt những dự án bỏ hoang lãng phí như vậy bên cạnh những số phận trẻ mồ côi, trường học, trạm y tế thiếu thốn thì chắc chắn là một nghịch cảnh đối lập.

Nguyễn Xuân Thành: Anh Thiên vừa nói đến vấn đề thể chế trong cơ chế phân bổ dự án, căn nguyên của tính kém hiệu quả và lãng phí của các dự án đầu tư công. Tôi cho là rất đúng.

Ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ người dân bức xúc không hẳn là vì dự án đó có thể cần thiết, nhưng do cơ chế phân bổ vốn dàn trải nên chậm tiến độ, giữa chừng phải dừng rồi tạo ra nợ đọng xây dựng. Mà điều khiến họ bức xúc nhất còn là những dự án có thể đủ vốn, nhưng xây xong không biết để dùng cho ai. Rất nhiều dự án ở địa phương trình lên theo kiểu, tôi phải xây bảo tàng này, tượng đài kia, trụ sở nọ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của một vùng, rất là chung chung. Nhưng người ta không chỉ ra được vậy thì nhóm người dân nào sẽ được hưởng lợi từ dự án này, nhu cầu căn bản là như thế nào. Báo cáo ban đầu đã không phân tích vấn đề đó, và người đặt bút ký quyết định thẩm định dự án lại không để ý đến những vấn đề căn bản như vậy.

Khi dự án làm xong mà không có người sử dụng,tức là người dân không cần cái dự án đó.Một dự án đầu tư công là để phục vụ đại đa số bộ phận nhân dân.Vậy mà anh xây xong lại bỏ không thì dân bức xúc là phải.

Bởi thế, vấn đề nằm ngay từ quy trình thẩm định. Như anh Thiên phân tích, khi người ta chỉ chăm chăm tiêu càng nhiều tiền càng tốt chứ không phải làm dự án để đáp ứng nhu cầu thực thì sẽ không có gì khó hiểu khi tất cả các báo cáo thẩm định thường né tránh, bỏ lơ luôn nhu cầu căn bản. Nếu không bỏ lơ được thì nhiều khi anh báo cáo số liệu về nhu cầu không được khách quan, theo kiểu phóng đại con số ấy trong tương lai. Trong khi con số thật thấp hơn nhiều, hoặc có khi bằng không. Cách làm đó không che giấu được dân, bởi vì người ta thấy ngay là dự án đó không mang lại lợi ích gì cho họ, từ đó dẫn đến bức xúc của người dân trước sự lãng phí của các dự án đầu tư công.


{keywords}
Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN và Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc FETP. Ảnh: Lê Anh Dũng
 

Động cơ nhóm lợi ích

Việt Lâm: Cơ chế xin-cho đầy bất cập, cũng như tình trạng các địa phương đua nhau làm dự án mà không cân nhắc kỹ nhu cầu thực sự thì đã diễn ra nhiều năm nay rồi, như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh và cảnh báo của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Quốc hội vừa rồi. Vấn đề tôi băn khoăn là động cơ nào dẫn đến cuộc chạy đua xin dự án như vậy?

Ts Trần Đình Thiên: Thứ nhất, trong hệ thống phân quyền của ta có một khái niệm là chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ. Tức là trong nhiệm kỳ này ông phải làm được một việc gì đấy. Mà cái đạt được nào đó thường là phải đi xin dự án. Nếu không được thì nghe chừng không ổn. Chủ nghĩa thành tích cũng buộc người ta phải chứng minh sự tồn tại có ích của mình bằng một hay là một số dự án nào đấy. Chính điều này che mờ cái mà anh Thành đã nói, đó là mục tiêu thực sự của dự án. Thành ra mục tiêu chính đáng không đủ mạnh để lấn át tư duy nhiệm kỳ hay chủ nghĩa thành tích.

Hai là, có thể dự án cũng mang đến lợi ích thật, theo cái nghĩa mà chúng ta vẫn hay nói lâu nay, rằng có dự án thì có chia chác. Trong một cơ chế phân bổ nguồn lực khan hiếm như vậy, với cơ chế chạy dự án không có chuẩn mực, đặc biệt là chuẩn mực về mục đích thì việc chạy ấy giả định là phải có chi phí. Phí tổn ấy chính là lợi ích thực. Cho nên, bản thân dự án cũng giống như một động cơ để có nguồn thu nhập. Chuyện này báo chí đã phản ánh rất nhiều.

Một khi chúng ta chưa chuyển đổi được hệ thống đầu tư công kiểu cũ sang hệ thống đầu tư mới, dựa trên nguyên tắc thị trường thì khó mà xử lý rốt ráo được vấn nạn này.

Nguyễn Xuân Thành: Quy trình của một dự án thường như sau: công đoạn đầu tiên là làm quy hoạch. Anh chỉ được làm dự án nếu dự án đó có trong quy hoạch. Bước hai: chuẩn bị chương trình đầu tư, lập dự án, thẩm định dự án, quyết định chủ trương rồi ra quyết định đầu tư. Bước ba: thực hiện dự án. Bước bốn: vận hành sau khi dự án hoàn thành. Để một dự án đầu tư có hiệu quả anh phải làm tốt cả bốn công đoạn ấy.

Tuy nhiên, ở đây có chuyện lợi ích nhóm như anh Thiên vừa đề cập. Vì làm dự án để phục vụ lợi ích cho một nhóm đối tượng thiểu số, nên công đoạn phục vụ lợi ích lớn nhất là trong quá trình thực hiện dự án, tức là trong quá trình tiêu tiền. Còn công đoạn đảm bảo lợi ích được chia sẻ đều cho cả xã hội là khâu quy hoạch chuẩn bị và cả quá trình vận hành dự án về sau.

Hệ thống chính sách hiện tại vẫn tập trung vào khâu thực hiện dự án. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có bộ tiêu chí để đánh giá sau khi dự án ấy hoàn thành thì vận hành thế nào. Nếu chúng ta xiết chặt quy định rằng anh phải đảm bảo dự án xây xong vận hành có hiệu quả thì từ đó chi phối lại quá trình thực hiện, buộc anh phải đảm bảo làm sao dự án vẫn vận hành tốt cho dù anh có bớt xén một tí, làm thất thoát một ít.

Còn nếu dự án vận hành không ổn thì quy trách nhiệm và đã quy trách nhiệm xong rồi thì có biện pháp, chế tài rõ ràng.Ngược lại, nếu chỉ đánh giá là dự án này được đầu tư xong, được quyết toán và nghiệm thu là xong, còn sau đấy vận hành như thế nào là việc của cơ quan khác thì không thể khắc chế được động cơ trục lợi. Kết quả là cho dù có cải thiện được về tỷ lệ đầu tư công nhưng các dự án làm cùng một lúc của các ngành, các địa phương vẫn không hiệu quả.

Ts Trần Đình Thiên: Tôi muốn bổ sung thêm. Khi nguồn vốn khan hiếm mà phải chia cho nhiều nơi thì cuộc chạy vốn khốc liệt lắm.Nguồn lực càng khan hiếm mà cơ chế cho duyệt dự án đầu tư dễ dãi thì cuộc đua càng khốc liệt.Về mặt nguyên lý thì đây chính là cơ sở để kiếm ăn được.Xin cho trong điều kiện khan hiếm thì phải có đi có lại.Đấy là chuyện bình thường, rất thị trường.Chính vì tranh tối tranh sáng giống như thời xưa chuyển đổi sang cơ chế thị trường nên động cơ lợi ích sẽ làm hỏng hết, như phân tích của một số giáo sư Harvard.

Hai là, tình trạng dàn trải dẫn đến một cục vốn bị chẻ ra rất nhỏ, nên không dự án nào hoàn thành một cách có chất lượng.Đây lại chính là cơ sở khách quan để người ta hành động mà không cần quan tâm đến chất lượng. Họ có làm tuỳ tiện cũng chẳng có vấn đề gì vì một dự án làm 5 năm mà ông làm đến 10-20 năm mới xong thì làm gì có chuyện hiệu quả. Khi đấy, người thực thi chẳng lo gì đến trách nhiệm. Nói cách khác, với cách thức vận hành như vậy thì chính sách kiểu gì cũng khó mà xử lý được vấn đề trách nhiệm. Bởi ông không bơm vốn cho tôi thì ông xử lý kiểu gì?

Cho nên, tái cơ cấu đầu tư công là phải thay đổi cái cấu trúc như vậy. Chừng nào cơ chế cũ vẫn còn tồn tại thì động cơ lợi ích vẫn còn phát tác và nó càng phát huy tác dụng thì người ta càng thấy tính bất hợp lý của nó. Giống như kiểu càng ít vốn càng được ăn nhiều vậy.

Tôi lấy một ví dụ rất sát sườn với VN hiện nay là chuyện thu thuế. Thời gian làm thủ tục thuế của DN VN là 872 giờ/năm, trong khi của các nước ASEAN6 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines) trung bình là 172 giờ. Lý do gì để VN mất thêm 700 giờ. Giả dụ do yếu kém thì cũng chỉ mất thêm 200 giờ thôi chứ. Như vậy ta vẫn còn 400,500 giờ coi như lãng phí.

Thế tại sao lãng phí như vậy mà không ai làm gì cả. Có phải vì động cơ lợi ích nó nằm ở chỗ lãng phí hay không?Tôi càng không làm thì DN càng phải cống nạp. Động cơ ngược như vậy, càng không làm thì càng có lợi. Còn ngân sách thì vẫn cứ phải trả cho số giờ vô ích đó.

Tôi muốn dùng một hình ảnh không phải đầu tư công nhưng cũng sát sườn với chi tiêu công để chúng ta thấy được nghịch lý của cơ chế hiện nay. Để xử lý đúng vào chỗ đấy thì phải có cơ chế trách nhiệm cá nhân trong cả hệ thống chứ không phải từng khâu một. Nếu chỉ từng khâu một thì không bao giờ làm được.

Phần tiếp: Phong cách Đinh La Thăng và chuyện quy trách nhiệm cá nhân