- "Lý trí mách bảo tôi rằng VN không nên là thành viên của bất kỳ một liên minh quân sự nào. VN có câu ngạn ngữ "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết". Đừng bao giờ để mình bị mắc kẹt giữa hai cường quốc" – ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng nói.

>> Chiếm đoạt lãnh thổ không giúp anh thành cường quốc

VietNamNet giới thiệu phần tiếp bàn tròn với ông Bùi Thế Giang và Ts Anders Corr (Harvard), chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, bình luận viên của Bloomberg TV và Finnancial Times.


"Giấc mơ Trung Hoa" có gì nhạy cảm?

Việt Lâm: Ông Giang đã nói đến "Giấc mơ Trung Hoa" - một khái niệm mới được Trung Quốc đưa ra gần đây và cho rằng "giấc mơ Trung Hoa" cần được giải mã một cách cặn kẽ và chính xác. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nói "giấc mơ Trung Hoa" là "sự phục hưng quốc gia, nâng cao mức sống và sự thịnh vượng của người dân, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và tăng cường sức mạnh quốc phòng". Tôi nghĩ một ngày nào đó, chúng ta cũng phải có "giấc mơ Việt Nam" về một quốc gia giàu mạnh. Mặt khác, có lẽ cũng là đòi hỏi tự nhiên khi một cường quốc đang lên muốn tìm kiếm cho mình một vị trí lãnh đạo xứng đáng. Thế thì tại sao, các nước trong khu vực, chưa nói đến thế giới, lại nhạy cảm với "giấc mơ Trung Hoa" đến thế?

Ông Bùi Thế Giang: Cũng giống như sự kiện giàn khoan 981, tôi không thấy có gì ngạc nhiên về "giấc mơ Trung Hoa" bởi vì đó là một phần trong tham vọng đã kéo dài hàng ngàn năm của Trung Quốc. Cách đây 2 ngày, tôi có một cuộc trò chuyện rất thú vị với Cố vấn Chính trị cao cấp của Tổng thống Séc, người đang có kỳ nghỉ ở VN. Chúng tôi đã nói chuyện về trao đổi thương mại đang gia tăng nhanh chóng giữa CH Séc và Trung Quốc, một hiện tượng rất mới ở đất nước ông ấy hàng thập kỷ nay, nhất là từ khi Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ. Trước đó, CH Séc hầu như không có trao đổi thương mại đáng kể với Trung Quốc. Nhưng trong vòng 1-2 năm trở lại đây, họ đến Trung Quốc, làm ăn với doanh nhân Trung Quốc, mời nhà đầu tư Trung Quốc vào CH Séc. Do đó, khối lượng giao thương, đầu tư cũng như các hoạt động kinh tế khác đã tăng chóng mặt. Tại sao lại như vậy? Bởi vì họ nhìn thấy tiềm năng hứa hẹn của Trung Quốc về mặt kinh tế.

Nhưng điều khiến tôi cảm thấy thú vị là khi ông ta kể với tôi theo kiểu chuyện phiếm rằng: "ông Giang biết không, chúng tôi làm ăn với Trung Quốc mà không phải lo sợ họ sẽ chiếm đóng đất đai của chúng tôi". Tôi hỏi ông ấy tại sao. Ông ấy trả lời: "Ông biết không, trên thế giới này tiếng Séc có lẽ là ngôn ngữ khó học nhất". Tôi không biết ông ta đang đùa hay nghiêm túc khi bảo rằng có lẽ người VN là dân tộc duy nhất trên thế giới có thể học và nói tiếng Séc như người bản xứ.

Câu hỏi nảy ra trong óc tôi là: Tại sao ông ấy lại nghĩ về một Trung Quốc đang lên, một Trung Quốc tốt cho CH Séc ở khía cạnh hợp tác kinh tế? Ông ấy không trả lời thẳng vào vấn đề nhưng nói rằng: Tôi đã nghiên cứu bản đồ thế giới mà Trung Quốc ấn hành từ xa xưa. Trên tấm bản đồ đó, CH Séc ngày nay chỉ là một bán đảo nhỏ xíu của một Trung Quốc rộng lớn. Ôi chúa ơi!

Ts Anders Corr:
Tôi nghĩ lý do một phần là Trung Quốc tại thời điểm này dường như đang theo đuổi lối tư duy và hành xử của các quốc gia dân tộc trong thế kỷ 19, tức là gây dựng vị thế và ảnh hưởng thông qua con đường mở rộng lãnh thổ và hải dương. Đó hoàn toàn là một tư duy lỗi thời. Cách duy nhất, theo tôi, có thể giúp cho thế giới trở nên bình yên hơn và tăng trưởng kinh tế tốt hơn là dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhiều người vẫn nói về Mỹ và Trung Quốc như là những đối thủ chiến lược ở châu Á nhưng tôi không nghĩ như vậy. Căn cứ vào quy mô quan hệ thương mại khổng lồ của Mỹ với TQ, tôi tin rằng Mỹ không muốn gì hơn là hợp tác với TQ bởi chúng tôi muốn kiếm tiền, họ cũng muốn kiếm tiền. Nếu Trung Quốc theo đuổi con đường của một cường quốc hòa bình, sự phát triển của họ sẽ là điều tuyệt vời cho cả thế giới và cho cả chính họ. Còn nếu họ theo đuổi con đường cường quốc bằng cách chiếm đoạt lãnh thổ nước khác, bằng sức mạnh vũ khí, điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm. Bây giờ là thế kỷ 21 rồi và không một quốc gia nào có thể tiếp tục lối tư duy, hành xử của thế kỷ 19.

{keywords}
Các khách mời tại bàn tròn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Bùi Thế Giang: Tôi rất thích ý tưởng của ông Corr là nếu tất cả đều tôn trọng luật pháp quốc tế thì thế giới này sẽ bình yên, thịnh vượng và hạnh phúc. Tiếc rằng đấy là chữ "NẾU" to đùng. Hãy nhìn lại chiến tranh thế giới lần thứ 2 mới kết thúc cách đây chưa đầy 70 năm và rồi chúng ta vẫn chứng kiến quá nhiều cuộc chiến tranh xảy ra ở quá nhiều nước, trong đó có đất nước tôi. Nhìn từ năm 1945, chiến tranh thế giới vừa kết thúc thì VN phải đối mặt với chiến tranh chống Pháp, hay chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, rồi cuộc chiến của Mỹ ở VN, hay còn gọi là chiến tranh Đông Dương lần 2 mà tôi là một cựu chiến binh. Sau đó là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nhưng thậm chí trước đó, chúng tôi còn phải chịu đựng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khơ-me Đỏ, một chế độ mà thú vị thay, lúc đó được gọi là Campuchia dân chủ.

Ngày nay, cộng đồng quốc tế, LHQ đang tìm mọi cách để đưa Khơ-me Đỏ ra xét xử. Một cuộc chiến pháp lý tốn rất nhiều tiền và kéo dài nhiều năm rồi. Vậy mà 40 năm trước, khi chúng tôi gửi quân vào Campuchia theo lời kêu gọi của nhiều người Campuchia để giúp họ chống Khơ-me Đỏ, khôi phục hòa bình và công lý thì chính nước Mỹ và hầu như cả thế giới tiến hành cấm vận VN suốt nhiều năm sau đó.

Cuộc chạy đua vũ trang ở CA-TBD

Việt Lâm: Bình luận của ông Giang làm tôi nhớ đến một nhận xét khá cay đắng của một nhà lãnh đạo đáng kính rằng: với tư cách một nước vừa và nhỏ, chúng ta đã nếm trải bài học lịch sử rằng luật lệ nằm trong tay kẻ mạnh và thậm chí ngay cả với luật pháp quốc tế thì họ cũng diễn giải theo lợi ích của mình.

Ts Anders Corr: Tôi tin là trong trường hợp liên quan đến Biển Đông thì luật pháp quốc tế đang ủng hộ Việt Nam và tôi tin Mỹ cũng sẽ ủng hộ VN.

Nhưng tôi muốn đặt ra một câu hỏi thảo luận với ông Giang. Năm 1991 và 1992, Phillipines chấm dứt hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ hải quân và không quân ở vịnh Subic và Mỹ chuyển đến Singapore, mang lại lợi ích lớn cho Singapore vì họ được đảm bảo an ninh một cách miễn phí. Và có thể thấy là ngay sau đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng và ồ ạt. Khi họ gia tăng chi tiêu cho quốc phòng thì đồng thời các hoạt động khẳng định chủ quyền trên biển cũng ngày càng quyết đoán hơn. Tôi không biết là ông có thấy nguyên nhân và hệ quả của việc Mỹ rời căn cứ Subic và việc Trung Quốc ngày càng hành xử khiêu khích hơn?

Ông Bùi Thế Giang: Thực ra Mỹ đang quay trở lại Philippines đấy thôi, tất nhiên là không cùng mức độ như trước. Câu hỏi của ông rất thú vị và tôi muốn quay trở lại phân tích một tác động của vụ giàn khoan. Theo quan điểm của tôi, sự kiện đó đã tạo ra động cơ thúc đẩy các nước trong khu vực chạy đua vũ trang. Tôi nhớ rằng vào năm 2012, chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm khoảng 41% tổng chi tiêu quân sự của toàn thế giới. Năm ngoái, 2013, nó giảm xuống còn 37%. Nhiều người đã diễn giải các con số này như một sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Nhưng tôi đã nói rằng: Không thể nào, nhất là nếu nhìn vào gói chi tiêu quốc phòng mới được Hạ viện thông qua gần đây thì chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn tăng lên về giá trị tuyệt đối.

Vấn đề là tỷ trọng chi tiêu quân sự của Mỹ trong tổng chi tiêu quân sự của thế giới giảm đi bởi rất nhiều quốc gia khác đã gia tăng chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là Trung Quốc. Hãy nhìn vào một quốc gia với 1.4 tỉ dân. Chỉ cần tăng thêm mỗi đầu người 1 USD dành cho quốc phòng thì họ sẽ có bao nhiêu tiền? Xét trên khía cạnh đó thì chúng ta có thể thấy ngay vì sao giá trị tương đối của chi tiêu quân sự Mỹ giảm đi so với thế giới. Tuy nhiên, điều đó cũng cho chúng ta thấy một xu hướng rất nguy hiểm ở khu vực, nếu xét đến những gì đã xảy ra ở Syria, Lybia, châu Phi..., chưa kể đến diễn biến hiện nay ở Ukraine. CA-TBD là nơi mà thế giới nhìn vào như một đầu tàu tăng trưởng kinh tế và tương lai thịnh vượng, ít nhất từ khía cạnh kinh tế. Vậy mà giờ đây, khu vực này lại dành tiền có được từ phát triển kinh tế để chi tiêu vào quân sự. Đương nhiên, khi tiền cho quốc phòng tăng lên thì tiền chi cho đầu tư phát triển sẽ giảm đi. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là một đô la chi tiêu vào quân sự sẽ quay trở lại và lấy đi không chỉ sự thịnh vượng mà còn là tính mạng con người với cấp số nhân. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ xu hướng chạy đua vũ trang trong khu vực rất nguy hiểm.

{keywords}
VN chỉ có nhu cầu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập đã phải trả giá quá nhiều mới có được. Ảnh: Lê Anh Dũng


Ts Corr: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Cách đây vài tuần, tôi đã gặp một nhà buôn vũ khí ở châu Á. Anh ta nói rằng chính chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ mới của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước khác trong khu vực phải mua sắm thêm nhiều vũ khí. Như tôi đã từng nói, chúng ta không phải đang sống ở thời kì 1945 nữa. Giờ đây đã có vũ khí hạt nhân và rất nhiều loại vũ khí tối tân ra đời. Sẽ là thảm hoạ cho tất cả các quốc gia trong khu vực này nếu chiến tranh xảy ra.

Đó là lý do vì sao tôi thực sự cảm phục cách tiếp cận mà VN đã lựa chọn đối với vụ việc giàn khoan, một cách tiếp cận rất cẩn trọng. Đó là một cách thức không mạo hiểm gây chiến nhưng vẫn đủ kiên định vì quyền lợi chính đáng của VN. Tôi cũng nghĩ rằng thật xuẩn ngốc nếu đổ hang đống tiền của vào mua vũ khí khi một quốc gia muốn chống lại Trung Quốc. Thực lực quân sự của họ vượt trội so với các nước khác trong khu vực.

Mặt khác, tỉ lệ chi tiêu quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc là 3.6/1 và Mỹ chi tiền vượt trội vào công nghệ vũ khí so với Trung Quốc. Do vậy, tôi nghĩ rằng, khi Trung Quốc cứ phớt lờ các phản đối hay luật pháp quốc tế thì các nước khác rất cần có Mỹ bên cạnh như một người bạn. Bất kỳ khi nào tàu Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của một quốc gia nào đó thì nên có tàu Mỹ đi cùng tàu của quốc gia đó để theo dõi con tàu kia. Đó là điều mà người Nhật Bản đã làm và họ làm rất tốt. Mỗi khi máy bay Trung Quốc xâm nhập vào không phận, người Nhật hoặc Mỹ cử phi cơ chiến đấu bay sát máy bay Trung Quốc. Điều đó buộc Trung Quốc phải kiềm chế. Tôi cho rằng các quốc gia khác như Philippines hay VN khi đã xích lại gần hơn có thể xem xét hợp tác quốc phòng với Mỹ. Tôi cũng từng nói công khai rằng hợp tác quân sự Mỹ - Trung nên chấm dứt

VN hợp tác quốc phòng không phải để nhằm vào một ai

Ông Bùi Thế Giang:
Bình luận của ông rất đáng suy ngẫm. Tôi muốn nhấn mạnh thêm vài điểm. Thứ nhất, hợp tác luôn hữu ích nếu những mối hợp tác này trong bất kỳ lĩnh vực nào có thể đem đến ổn định, hoà bình và lòng tin giữa các quốc gia. Khi ông đề cập đến hợp tác quân sự, tôi sẽ nói rằng thực ra thì VN đã hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có Mỹ, trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả quốc phòng. Đáng tiếc là do những hạn chế về nguồn lực con người và tài chính nên chúng tôi chưa làm được đến mức như chúng tôi hay đối tác của chúng tôi mong muốn.

Lấy dẫn chứng về các chuyến viếng thăm của tàu quân sự Mỹ. Chúng tôi chỉ có một chuyến như vậy một năm. Trong khi ông có biết Trung Quốc, bao gồm cả Hongkong có bao nhiêu tàu chiến Mỹ ghé thăm 1 năm không? 50 chuyến một năm!

Đến giờ người VN, đặc biệt là các cựu chiến binh như tôi vẫn rất nhạy cảm với các chuyến viếng thăm quân sự. Nhưng có một điều tôi có thể cam đoan với ông là khi chúng tôi hợp tác với các đối tác, trong đó có Mỹ, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến một mục tiêu cụ thể nào cần ngăn ngừa, chẳng hạn một cuộc xâm lược hay tấn công từ một quốc gia nào đó. Như tôi đã nói, trong suốt chiều dài lịch sử, chúng tôi đã phải đối mặt với quá nhiều cuộc xâm lăng từ quá nhiều hướng. Vừa nãy tôi có đề cập đến mưu toan xâm lược VN của Khơ-me đỏ, một đối thủ nhỏ hơn chúng tôi và kỹ năng chiến đấu kém hơn chúng tôi rất nhiều. Vì thế, chúng tôi không hướng đến một hướng cụ thể nào mà chỉ có một nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập mà chúng tôi đã phải trả giá quá nhiều mới có được. Nhất là khi đang có quá nhiều sự việc và diễn biến phức tạp vây quanh chúng tôi, trong đó có những nguy cơ có thể bất ngờ xảy đến từ một thế lực nào đó. Cho nên, chúng tôi luôn luôn cảnh giác.

"Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết"



Việt Lâm: Nhân nói về vai trò của Mỹ ở CA-TBD, nhiều quốc gia trong khu vực hoài nghi về tính bền vững và đáng tin cậy của chiến lược tái cân bằng về châu Á mà chính quyền TT Obama đang theo đuổi. Các ông nhìn nhận thế nào về việc triển khai chiến lược này trong năm 2014, nhất là khi mà Mỹ bị giằng xé bởi quá nhiều sự kiện khác trên thế giới như Trung Đông, Ukraine?

Ts Corr:
Vâng, có quá nhiều điểm nóng và nguy cơ trên thế giới. Và Mỹ với tư cách là nền quân sự lớn nhất thế giới với chi tiêu đứng đầu hay được nhìn nhận theo kiểu: hãy giúp chúng tôi sửa chữa tình hình, khắc chế những nguy cơ này. Vấn đề là Mỹ không đủ sức để giải quyết tất cả mọi việc. Tôi cho rằng, điều quan trọng là các đồng minh của Mỹ phải là đối tác bình đẳng và đóng góp phần của mình.

Tôi đã từng viết một bài đề xuất Mỹ thành lập một tổ chức hợp tác quân sự đa phương ở CA-TBD để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực. Hiện tại ở châu Á có rất nhiều liên minh song phương mạnh nhưng chúng không đủ.

Việt Lâm: Tôi muốn phản biện ông một chút. Tôi không tin rằng ý tưởng này sẽ khả thi ở CA-TBD. Không nước nào trong khu vực này muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Và họ sẽ e ngại tham gia một liên minh quân sự đa phương như ông đề xuất bởi lo ngại TQ sẽ nhìn nhận nó như một nỗ lực chống TQ và có thể kích động phản ứng mạnh hơn từ Bắc Kinh.

Ông Bùi Thế Giang: Ai cũng có cách nghĩ riêng của mình. Suy nghĩ của tôi mách bảo tôi rằng VN không nên là thành viên của bất kỳ liên minh quân sự nào, ít nhất vào thời điểm này. Nếu nhìn lại lịch sử, ông biết đấy, những liên minh kiểu đó ở khu vực này không được bền vững. Chẳng hạn như SEATO được thành lập vào giữa những năm 50 chỉ tồn tại được khoảng 10 năm. Hiện giờ chúng ta có một số liên minh song phương như Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Philippines hay Mỹ - Australia và New Zealand. Những lien minh kiểu này có các nguyên nhân lịch sử. Nhưng vào thời đại mới này, nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bất kỳ một động thái nào kiểu như vậy sẽ có tác động to lớn đến môi trường khu vực, tác động sâu sắc đến các quốc gia lien quan một cách trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế, tôi không nghĩ rằng những nước như VN nên tham gia vào những lien minh này.

Tôi cho rằng luận điểm của nhà báo rằng không ai muốn chọn giữa Mỹ và TQ là chính đáng bởi vì nó không phải đơn giản như là cảm xúc yêu hay ghét. Một mặt, mọi quốc gia đều mong muốn hoà bình, thịnh vượng. Khi nói đến thịnh vượng, chúng ta nên nhìn vào nguồn gốc của sự giàu có. Cả Mỹ và TQ đều là hai quốc gia lớn nhất thế giới về quy mô kinh tế. Họ đều là quốc gia Thái Bình Dương. Tại sao không chọn cả hai, thay vì phải chọn một trong hai để phát triển? Và nếu chúng ta nhìn vào nhân tố thứ hai mà tôi đã nói đến, đó là hoà bình thì chúng ta sẽ phải quan ngại rằng nếu một trong hai, chưa nói đến là cả hai nước lớn này xâm phạm vào lãnh thổ nước bạn, khi đó, ý nghĩa của hoà bình sẽ là gì? Và khả năng một bên khác can dự vào sẽ đến đâu?

Chúng tôi luôn nhớ bài học rằng: Đừng bao giờ để mình bị mắc kẹt giữa hai cường quốc. Ông biết không, tiếng Việt có một câu ngạn ngữ thế này: Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết.

  • VietNamNet


(còn nữa)