– Trả lời các câu hỏi hoàn toàn bằng Tiếng Việt, tân Đại sứ Mỹ Ted Osius đã chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt trong ba chuyến xuyên Việt cách đây gần hai chục năm khi ông là một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên làm việc tại Hà Nội.

VietNamNet giới thiệu kỳ 1 cuộc đối thoại trực tuyến ngày 26/12 với Ngài Ted Osius, tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.


Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý độc giả VietNamNet! Xin hân hạnh chào mừng quý độc giả tham gia bàn tròn trực tuyến  với ngài tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Ted Osius. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi cho ngài đại sứ.

Đại sứ Ted Osius: Cảm ơn VietNamNet. Tôi rất vinh dự được tham gia bàn tròn trực tuyến này. Tôi sẽ cố gắng trả lời bằng tiếng Việt. Nếu khó, tôi sẽ hỏi một bạn có thể giúp tôi nhưng sẽ cố gắng luôn nói chuyện bằng tiếng Việt. Cảm ơn rất nhiều!

Hạnh phúc vì Hồ Gươm vẫn giữ được hồn nguyên vẹn

Việt Lâm: Ngài sang Việt Nam nhậm chức đúng vào thời điểm khá đặc biệt là gần lễ Giáng sinh và Ngài đã trải qua Noel cùng gia đình ở Việt Nam. Vậy Ngài có thể chia sẻ với độc giả VietNamNet về lễ Giáng sinh vừa qua?

Đại sứ Ted Osius: Trước hết, đối với tôi và gia đình, được mừng lễ giáng sinh ở đây rất hạnh phúc. Ở đây có gần đầy đủ gia đình tôi: mẹ tôi – bà Nancy, bạn đời tôi – Clayton và con trai chúng tôi Tabo, chị gái May, em gái Lucy và cháu Sam của tôi cũng đã đến Hà Nội. Chúng tôi thấy rất hạnh phúc khi ăn mừng lễ Giáng sinh ở đây. Một ngày trước lễ giáng sinh có 50 cháu đã đến chúc mừng gia đình chúng tôi nhân dịp Giáng sinh. Các cháu hát rất hay, chúng tôi thấy rất hạnh phúc và vinh dự khi được mừng lễ giáng sinh với họ.

Việt Lâm: Tôi đoán ông cũng từng trải qua nhiều lễ Noel ở Việt Nam cách đây gần hai thập kỷ khi là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Qua quan sát của ông, lễ Giáng sinh ở Việt Nam cách đây gần hai chục năm so với bây giờ có gì khác biệt?

Đại sứ Ted Osius: Có rất nhiều thứ đã thay đổi! Đây là lần thứ hai tôi mừng lễ giáng sinh ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi sang đây, và mẹ tôi, chị gái tôi cũng đã sang đây trước và cả gia đình đi tham quan Hà Nội. Lần này, cả gia đình đều đồng ý là có rất nhiều thay đổi ở đây. Hiện giờ, Hà Nội là một thành phố khác so với trước, Hà Nội rất hiện đại, thịnh vượng hơn và rộng lớn hơn với rất nhiều khu vực. So với trước đây, khu vực nội thành giờ có rất nhiều tòa nhà cao, một sân bay mới, máy bay hiện đại nhưng Hồ Gươm vẫn là Hồ Gươm. Khi đi tham quan Hồ Hoàn Kiếm, hay còn gọi là Hồ Gươm, chúng tôi rất hạnh phúc vì nó không thay đổi.

Việt Lâm: Rất nhiều độc giả muốn ông chia sẻ, trong quãng thời gian hơn ba năm làm ngoại giao ở Việt Nam, kỷ niệm nào sâu sắc nhất đối với ông?

Đại sứ Ted Osius: Trước hết, tôi có thiện cảm đặc biệt với Việt Nam và để giải thích tại sao tôi phải hướng về đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, khi tôi ở Việt Nam trước đây và lần này, nhân dân Việt Nam luôn rất hiếu khách. Trước đây, khi ở Việt Nam, tôi đi thăm rất nhiều nơi, người dân nơi đây luôn hiếu khách với tôi và gia đình tôi và tôi vẫn còn có nhiều bạn bè từ thời gian đó. Tôi đã thăm rất nhiều nơi, ví dụ như vịnh Hạ Long, Thái Nguyên, Sapa và rất nhiều nơi khác ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam, miền Tây. Phong cảnh rất đẹp, đồ ăn rất ngon, và người dân rất hiếu khách!

 

{keywords}
Tân Đại sứ Mỹ Ted Osius tại cuộc trực tuyến với VietNamNet ngày 26/12. Ảnh: Lê Anh Dũng

Việt Lâm: Công chúng Việt Nam rất thích thú khi xem clip của ông trên Youtube, đặc biệt là hình ảnh ông cách đây 20 năm là một nhà ngoại giao trẻ trung đi xe đạp xuyên Việt. Khi đó, động lực nào khiến ông quyết định thực hiện hành trình dài xuyên Việt như vậy? Và hành trình đó để lại cho ông ấn tượng gì về Việt Nam khi đã đi qua mọi miền, từ thành thị tới nông thôn như vậy?

Đại sứ Ted Osius: Sự thật là có ba chuyến. Chuyến số một rất dài. Có một người bạn rất thích đạp xe đạp và chúng tôi đã chọn sang Việt Nam để đi xe đạp thay vì nhiều nơi khác. Chúng tôi biết Việt Nam là một nước rất tuyệt cho người muốn đi xe đạp. Chúng tôi đã thấy một Việt Nam rất đẹp. Bất kỳ nơi nào chúng tôi đi qua, người dân đều rất hiếu khách và đồ ăn cực ngon. Chúng tôi đã đạp xe từ Bắc vào Nam và không bao giờ quên được chuyến đi nhiều kỷ niệm đẹp đó.

Lần thứ hai là khi có một nhóm khác sang đây, trong nhóm có một vài người khuyết tật và nhiều cựu chiến binh của cả hai nước đã đạp xe từ Bắc vào Nam. Khi nhóm này đến Vũng Tàu, ông John Kerry khi đó là thượng nghị sỹ Mỹ và ông Pete Peterson khi đó là Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam và tôi đã đến Vũng Tàu tham dự nhóm này và cùng đạp xe vào TP. Hồ Chí Minh. Rất vui vì có rất nhiều người chào đón nhóm này. Tôi rất vui và rất hân hạnh đạp xe cùng ông John Kery và Peterson vào TP. Hồ Chí Minh.

Chuyến thứ ba, tôi đã đạp xe từ Đà Nẵng đến Viêng Chăn, Lào qua đường số 9. Chúng tôi đã đạp xe qua các khu vực miền núi tuy chưa phát triển nhưng phong cảnh rất đẹp. Tôi không bao giờ quên được. Khi đạp xe ở Việt Nam, chúng tôi trò chuyện với người dân địa phương, trao đổi ý kiến và cùng dùng bữa. Các bạn Việt Nam luôn rất hiếu khách với chúng tôi.

VN và Mỹ cùng chia sẻ giá trị gia đình

Việt Lâm: Tôi nhớ là trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông có chia sẻ những câu chuyện rất cảm động về chuyến đi xuyên Việt của ông. Liên quan đến chuyến đi ấy, độc giả Ngô Xuân Trình (nam, 26 tuổi) hỏi: Tôi được biết trong hành trình đi khắp Việt Nam, ông đến khu phi quân sự cũ và gặp một người phụ nữ, người đó nói với ông một câu là hôm nay chúng ta là anh chị em. Ông nghĩ sao về mối quan hệ anh chị em trong câu nói này trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Việt Nam hiện nay?

Đại sứ Ted Osius: Theo tôi, khi chị ấy nói chúng ta là anh chị em, chị ấy đã nói thật lòng. Lý do tôi không thể quên được là bởi trước đó tôi từng nghĩ có lẽ rất nhiều người không thích người Mỹ, nhưng hóa ra không phải như vậy. Rất nhiều người Việt Nam hiếu khách, thân thiện chào đón chúng tôi. Khi chị ấy nói chúng ta là anh chị em, tôi nghĩ tiếng Việt rất đặc biệt, trong quan hệ đặc biệt như một gia đình chúng ta luôn nói là anh em, không nói I (tôi) và You (bạn). Trong gia đình luôn có một quan hệ đặc biệt và giữa người dân Mỹ và người dân Việt Nam có mối quan hệ rất đặc biệt như gia đình.

Việt Lâm: Đó cũng là lý do nhiều người ấn tượng về hình ảnh đầu tiên khi xuống sân bay của ông, hình ảnh một gia đình đầm ấm. Có lẽ ông ở Việt Nam, ở châu Á khá lâu rồi, chắc ông cũng hiểu gia đình và các giá trị của gia đình là giá trị rất đặc biệt trong văn hóa của người Việt Nam?

Đại sứ Ted Osius: Gia đình tôi là gia đình có ba thế hệ: mẹ tôi, tôi và bạn đời tôi và con trai tôi. Tôi nghĩ đó là giá trị Hoa Kỳ và đồng thời đó cũng là giá trị Việt Nam. Tối hôm qua, chúng tôi đã ăn mừng Giáng sinh với một gia đình Việt Nam rất đặc biệt. Họ có bốn thế hệ: ông bà, bố mẹ, con và cháu. Bốn thế hệ gặp nhau mỗi tuần, mỗi dịp lễ quan trọng và họ về quê để thăm nhau. Đó là giá trị rất quan trọng của Việt Nam. Theo tôi, chúng ta chia sẻ giá trị này: giá trị của gia đình, giá trị của ông cha, ông bà bố mẹ rất quan trọng đối với người dân Việt Nam, và cũng rất quan trọng đối với người dân Hoa Kỳ, trong đó có gia đình tôi.

{keywords}
Nhà báo Việt Lâm và Đại sứ Ted Osius tại cuộc trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Dấu ấn Ted Osius

Việt Lâm: Công chúng Việt Nam rất quan tâm đến ông có lẽ bởi ông có những gắn bó rất đặc biệt với Việt Nam như vậy. Quay trở lại thời điểm lần đầu tiên ông biết tin có thể sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ của Mỹ ở Việt Nam, cảm xúc cá nhân của ông như thế nào?

Đại sứ Ted Osius: Việc Tổng thống Obama bổ nhiệm tôi làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã biến ước mơ của tôi trở thành hiện thực khi được trở lại Việt Nam khi chúng ta sắp kỷ niệm 20 năm quan hệ hữu nghị Mỹ - Việt. Một cơ hội tưởng chừng không bao giờ có được, đặc biệt khi được trở lại một nước mà tôi có thiện cảm sâu sắc. Tôi rất yêu đất nước này và yêu cơ hội để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước chặt chẽ hơn.

Việt Lâm: Nhiều độc giả đặt câu hỏi cho Ngài đại sứ: Mỗi đại sứ đều để lại dấu ấn của riêng mình trong nhiệm kỳ, đại sứ Ted Osius dự định sẽ để lại dấu ấn nào mang tên mình trong hơn ba năm tới ở Việt Nam

Đại sứ Ted Osius: Một điều rất quan trọng là tôi muốn góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực trong quan hệ Việt - Mỹ. Tôi hy vọng, trong tương lai, chúng ta sẽ có một trường đại học Fulbright độc lập và hiệu quả, sẽ có đường bay thẳng giữa hai nước, sẽ có hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP cũng như sẽ có mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước. Tôi hy vọng tôi sẽ góp phần để thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài giữa hai nước. Đó là ước mơ của tôi.

Đại học Fulbright sẽ góp phần phát triển giáo dục VN

Việt Lâm: Câu trả lời của đại sứ có lẽ cũng liên quan tới câu hỏi của nhiều độc giả là trong buổi lễ nhậm chức đại sứ tại Việt Nam, ông có nói “Tôi sẽ giúp Việt Nam - đất nước của con rồng cháu tiên bay cao bay xa hơn nữa”. Độc giả muốn hỏi ông có những cách làm cụ thể nào để thực hiện ý tưởng trên, để chắp cánh cho Việt Nam bay cao bay xa hơn nữa?

Đại sứ Ted Osius: Như Ngoại trưởng John Kerry đã khẳng định, Hoa Kỳ ủng hộ một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Tôi nghĩ, để ủng hộ mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, có ít nhất 5 lĩnh vực chúng ta có thể thúc đẩy:

Thứ nhất là lĩnh vực thương mại và kinh tế. Tôi muốn thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước trong lĩnh vực này và chúng ta có một công cụ rất quan trọng đó là hiệp định TPP. Tôi rất lạc quan về TPP và tôi nghĩ TPP sẽ giúp Việt Nam thành công nhanh hơn và phát triển nhanh hơn. Như tôi đã nói, đường bay thẳng giữa hai nước cũng là một cách thúc đẩy mối quan hệ quan trọng giữa hai nước.

Ưu tiên thứ hai của tôi là hỗ trợ VN tăng cường quản lý nhà nước hiệu quả hơn nữa, nghĩa là minh bạch, tôn trọng pháp luật và nhân quyền. TPP cũng góp phần làm minh bạch, góp phần cho một vài lĩnh vực có thể trao đổi ý kiến giữa hai nước về quản lý nhà nước. Chúng tôi sẽ trao đổi ý kiến một cách rất tôn trọng và thẳng thắn. Tôi sẽ luôn nói thẳng và tôn trọng các lãnh đạo của Việt Nam.

Ưu tiên thứ ba là thúc đẩy mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn, đặc biệt tăng cường hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải và an ninh hàng hải. Chúng tôi đã bắt đầu phát triển quan hệ giữa cảnh sát biển hai nước.

Ưu tiên thứ tư là thúc đẩy giáo dục như tôi đã nói đó là xây dựng trường Đại học Fulbright. Trước đây, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) ở TP. Hồ Chí Minh rất hiệu quả, góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong tương lai, tôi hy vọng trường Đại học Fulbright sẽ góp phần phát triển giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ, khi nhiều sinh viên đi du học ở nước ngoài, họ sẽ học được rất nhiều về đất nước đó. Điều đó rất quan trọng giúp chúng ta hiểu nhau tốt hơn. Chẳng hạn như khi bạn đi học ở trường đại học Georgetown, bạn hiểu Hoa Kỳ tốt hơn so với trước và tôi nghĩ việc trao đổi sinh viên rất tốt cho mối quan hệ lâu dài.

Ưu tiên thứ năm là để thúc đẩy hợp tác khoa học - y tế - môi trường, nhất là biến đổi khí hậu. Giữa hai nước từng có rất nhiều hợp tác và tôi muốn thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa.

{keywords}
Đại học Fulbright sẽ góp phần phát triển giáo dục Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Việt Lâm: Nhân nói về một trong những ưu tiên của Ngài là giáo dục thì có lẽ Ngài đã ở châu Á, ở Việt Nam một thời gian dài, chắc Ngài cũng biết niềm tin của người Việt Nam là giáo dục có thể thay đổi số phận của một con người, thậm chí là thay đổi số phận của một dân tộc. Giờ đây, rất nhiều gia đình Việt Nam tin rằng giáo dục là con đường quan trọng đem lại thịnh vượng không chỉ cho cá nhân mà cho cả đất nước. Chúng tôi đã có hơn 16 nghìn sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu về số lượng du học sinh ở Mỹ. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi sinh viên Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến ở Hoa Kỳ. Ngài sẽ nói gì với những gia đình đang rất khao khát để con em mình được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến, chất lượng cao của Mỹ?

Đại sứ Ted Osius: Có một vài chương trình học bổng như Fulbright nhưng tôi đồng ý là không đủ. Đó là lý do quan trọng để hệ thống giáo dục ở Việt Nam cần có nhiều tiến bộ hơn. Hoa Kỳ muốn góp phần trong quá trình này. USAID có rất nhiều chương trình hỗ trợ, tập trung vào giáo dục ở cấp tiểu học, trung học và đại học. Khi chúng ta có một trường đại học Fulbright ở TP. Hồ Chí Minh, trường này sẽ là cầu nối quan hệ với rất nhiều trường đại học của Việt Nam. Ví dụ có một trường đại học đặt ở Cần Thơ nổi tiếng trên thế giới. Chắc chắn trường ĐH Fulbright sẽ có quan hệ trao đổi với ĐH Cần Thơ, ĐH Hà Nội. Ngoài ra, sẽ có nhiều trao đổi giữa sinh viên và giáo viên Hoa Kỳ với sinh viên và giáo viên những trường đại học ở Việt Nam. Tôi tin đó là cách để chúng ta đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục.

  • VietNamNet

    (Còn nữa)