- “Chúng ta phải tự tin rằng chúng ta có sức mạnh, cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việt Nam không phải là một nước nhược tiểu” – nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

>> Đại sứ Mỹ nói về tinh thần dân tộc của Việt Nam

VietNamNet giới thiệu kỳ 1 cuộc đối thoại trực tuyến: Dấu ấn đối ngoại Việt Nam 2014 và kỳ vọng 2015 với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan do VietNamNet và báo Thế giới và Việt Nam phối hợp tổ chức. Dẫn chương trình là nhà báo Việt Lâm (báo VietNamNet) và nhà báo Minh Nguyệt (Phó Tổng biên tập báo Thế giới & Việt Nam).

Bốn "mảng đỏ" trên bản đồ quốc tế

Thưa ông, nếu phải nhận xét gọn trong một vài chữ thì nguyên Phó Thủ tướng sẽ dùng những từ nào để mô tả về đối ngoại Việt Nam 2014?

Trước khi trả lời tôi muốn nói rằng chúng ta sắp kết thúc một năm cũ 2014 và bước sang một năm mới 2015, tôi rất vui khi có dịp nói chuyện với nhà báo, độc giả của hai tờ báo quan trọng là Vietnamnet và Thế giới&Việt Nam. Tôi phát biểu với tư cách cá nhân, một người ham thời sự chứ không đại diện cho một cơ quan chính thức nào cả.

Các hoạt động xã hội nói chung và đặc biệt là các hoạt động ngoại giao liên quan đến nhiều quốc gia và không thể khái quát hết bằng một hai chữ. Mặc dù vậy, theo tôi ấn tượng trong năm 2014 về hoạt động ngoại giao được khái quát trong hai hai chữ “chủ động, tích cực”.

“Chủ động” ở đây là chúng ta tự quyết định hoạt động để phục vụ cho lợi ích của mình; còn “tích cực” ở đây có hai nghĩa, một là năng động, hai là thái độ xây dựng, đối lập với thái độ tiêu cực. Chúng ta đã chủ động, tích cực trên cả ba lĩnh vực: Bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tích cực hội nhập quốc tế để có môi trường phát triển; tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong hàng loạt các sự kiện và diễn biến sôi động trong năm qua, theo ông, sự kiện đối ngoại nào đã thể hiện đậm nét nhất dấu ấn của VN?

Chắc chắn mọi người Việt Nam đều nhận thấy năm 2014, chúng ta đã hoạt động tích cực, chủ động để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước những diễn biến không đơn giản ở biển Đông. Có lẽ đó là hoạt động nổi bật nhất của Việt Nam bên cạnh nhiều hoạt động khác trên trường quốc tế.

Năm qua cũng là năm chứng kiến những chuyển động mang tính chiến lược trong môi trường chính trị - an ninh quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng đó là một năm đầy bất an bất ổn, hỗn loạn và khó dự đoán. Một môi trường như thế đã ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta?

Đúng là môi trường quốc tế năm 2014 thực sự biến động, bất định. Nếu nhìn lên bản đồ thế giới, ví dụ như về khí hậu, chỗ nào nóng thì sẽ có màu đỏ. Có thể nói, trên bản đồ chính trị thế giới năm nay cũng có một số “mảng đỏ”.

“Mảng đỏ” lớn thứ nhất là ở Đông Âu, liên quan đến Ukraine; thứ hai là Trung Đông; thứ ba là Tây Thái Bình Dương, bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông; và thứ tư là các vấn đề kinh tế, trong đó có việc giá dầu. Đây là 4 “mảng” đặc trưng của năm 2014.

Tất cả các vấn đề này đều ảnh hưởng đến Việt Nam, bởi chúng ta là một quốc gia sống trong môi trường toàn cầu nên không thể tách biệt được. Thế giới xáo động như thế nên tất nhiên chúng ta cũng bị ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị, an ninh.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một nhà ngoại giao kỳ cựu, một nhà tư duy chiến lược nổi bật. Ảnh: Phạm Hải

 

Câu chuyện lòng tin giữa dân và Nhà nước

Phải nói rằng, bản lĩnh Việt Nam đã thực sự được thử lửa với sự kiện giàn khoan Hải dương 981. Bây giờ nhìn lại, theo ông, chúng ta có thể rút ra được bài học gì về đối ngoại?

Trong năm 2014, chúng ta ứng xử với sự kiện giàn khoan HD 981 bằng cách vận dụng những bài học đã tích lũy được trong lịch sử lâu dài của chúng ta. Không phải chỉ là bài học chỉ qua sự kiện này, đây chỉ là một phiên bản lặp lại những kinh nghiệm chúng ta đã học được. Đó là bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta, nước ta, ngành ngoại giao của chúng ta để lại.

Về nguyên tắc: Một là, kiên định mục tiêu: Bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hai là, trong hoàn cảnh ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, mục tiêu thứ hai là giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước sau khi trải qua chiến tranh khiến Việt Nam bị tụt hậu xa so với thế giới.

Về triển khai: Để giữ được mục tiêu thì phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Bác Hồ đã dạy. Nguyên tắc thì kiên định, sách lược phải linh hoạt. Nguyên tắc như tôi đã nói ở trên: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình. Chúng ta đã vận dụng nhiều biện pháp linh hoạt để thực hiện nguyên tắc, mục tiêu đó, trong đó đáng kể nhất chúng ta đã vận dụng nội lực, thực lực. Phải nói rằng không có thực lực thì khó lòng chiến thắng, như Bác Hồ từng nói: “Ngoại giao có thắng thì phải do thực lực”. Thực lực như cái chiêng, chiêng to thì tiếng mới lớn.

Mặt khác, cần hiểu thực lực không chỉ là “thực lực cứng”, sức mạnh kinh tế, quốc phòng… mà còn là “thực lực mềm”, mà “thực lực mềm” của Việt Nam rất lớn. Từ trong kháng chiến, chúng ta luôn đối phó với các thế lực lớn. Thứ nhất, thực lực mềm chính là lòng yêu nước, hun đút qua hàng nghìn năm. Trước các sự kiện năm 2014, chúng ta cảm nhận rõ, từ người già đến trẻ nhỏ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, mạnh mẽ. Thứ hai, đó là sự nghiệp chính nghĩa, nhận được sự ủng hộ của toàn dân và thế giới. Thứ ba, khơi dậy tình đoàn kết toàn dân tộc nhưng không rời vào dân tộc chủ nghĩa, kích động, hẹp hòi. Thứ tư, sự đồng tình ủng hộ của những người yêu công lý trên thế giới. Trong quá khứ, kể cả ở những nước xâm lược Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình ở đó vẫn ủng hộ ta. Thứ năm, chúng ta có đường lối đúng. Đó là những bài học về phát huy thực lực giải quyết các thách thức ngoại giao.

- Ông đã nhấn mạnh “Sức mạnh mềm” của Việt Nam chính là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người Việt Nam. Sự kiện giàn khoan đã "thử lửa" cả bản lĩnh nhà nước lẫn tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của người Việt. Nhưng có một câu chuyện về lòng tin Dân - Nhà nước đã từng được nhắc đến khá nhiều bởi những người có trách nhiệm trong năm qua. Ông đã từng ở cả hai vị trí (cán bộ nhà nước và người dân) ông nghĩ thế nào về câu chuyện niềm tin này?

Nếu không có lòng tin từ hai phía thì không có sức mạnh. Nhà nước không dựa vào dân thì không làm được gì. Dân mà không có nhà nước dẫn đường thì dễ lạc lối. Nhưng “cốt tử” ở đây là sự thống nhất, đồng lòng bảo vệ đất nước giữa nhà nước và nhân dân. Không có nhà nước nào, nhất là nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lại đi ngược lại nguyện vọng của dân.

Còn trong điều hành nhà nước, có nhiều cung bậc cụ thể. Nhà nước phải có trách nhiệm dựa vào ý chí của dân để chọn ra chính sách phù hợp. Đảng và Nhà nước cần có trách nhiệm và lòng mong muốn làm mọi cách tốt đẹp nhất bảo vệ lợi ích dân tộc. Nhân dân nên tin tưởng vào chính sách của nhà nước. Đảng và Nhà nước khi làm gì, hành động gì cũng phải xuất phát từ mong muốn của người dân chứ không có động cơ gì khác. Ở đây không có sự mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau.

Tất nhiên có những việc làm này, việc làm nọ chưa chuẩn… làm cho nhân dân suy giảm niềm tin (quan liêu, tham nhũng…). Trong điều hành của nhà nước không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, có những sự việc làm yếu lòng dân, yếu quốc gia… nhưng chắc chắn trong mọi hành động, khi dựa vào nguyên tắc “Nhà nước dựa vào dân, dân tin vào nhà nước” thì sẽ đạt được thành công.

{keywords}
Nhà báo Việt Lâm, nhà báo Minh Nguyệt và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc đối thoại trực tuyến (từ trái sang). Ảnh: Phạm Hải

 

Mỹ - Trung luôn "liếc mắt nhìn nhau" để điều chỉnh chính sách

Thưa ông, bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn đã tạo ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam như thế nào?

Sự cọ xát giữa các nước lớn không chỉ tồn tại bây giờ, nói gần hơn nó đã tồn tại mấy thế kỷ, co lại nữa là thế kỷ XX đã chứng kiến sự cọ xát nước lớn đưa đến hai cuộc chiến tranh thế giới, cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người.

Tôi không muốn nói đến việc sự cọ xát đó đem lại những cơ hội gì, chủ yếu nó đem lại những thách thức. Theo tôi, chính sự cọ xát đó đang làm cho thế giới trở nên rối loạn, tạo ra thách thức đối với các dân tộc, mà trực tiếp là những dân tộc bị lôi cuốn vào tranh chấp nước lớn đó.

Những thách thức tồn tại ở khía cạnh chính trị an ninh mà chúng ta đã cảm nhận thấy rất rõ, tiếp đến là những thách thức về kinh tế, sự trừng phạt lẫn nhau giữa các quốc gia làm cho quan hệ kinh tế quốc tế rối loạn và cuối cùng là thách thức trong mối quan hệ giữa các dân tộc.

Quan hệ Mỹ-Trung đang được xem là quan hệ có tác động mạnh mẽ nhất đến chính trị quốc tế. Theo ông, sự vận động của quan hệ Mỹ-Trung đã có tác động thế nào đối với Việt Nam?

“Quan hệ Mỹ - Trung” là một khái niệm không đơn giản trong quan hệ quốc tế. Đây là quan hệ của hai nước lớn. Họ có nhữg tính toán chiến lược rộng lớn của họ.

Tôi muốn nhắc lại lịch sử, từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trải qua các cung bậc khác nhau. Giai đoạn đầu từ 1949-1959, hai bên quan hệ thù địch, chính sách của Trung Quốc là đứng về bên Liên Xô, chống Mỹ, biểu hiện qua việc Trung Quốc cử quân tình nguyện sang tham chiến ở chiến tranh Triều Tiên, thực hiện chiến dịch “kháng Mỹ viện Triều”. Sau năm 1959, Trung Quốc thực hiện chính sách “phản đế phản tu”, vừa chống Mỹ, vừa xét lại, chống lại quan hệ với Liên Xô. Từ năm 1969 đến 1979, Trung Quốc xác định Liên Xô là đối thủ chính, cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Mỹ. Từ sau 1979 đến 1989 thì Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ với Liên Xô trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ với Mỹ, theo kiểu “đi hai chân”. Đến sau khi Liên Xô sụp đổ thì Trung Quốc điều chỉnh lại.

Qua đó, có thể thấy Trung Quốc và Mỹ luôn “liếc mắt nhìn nhau” để điều chỉnh chính sách. Nhưng tựu chung lại cục diện chung “vừa hợp tác vừa đấu tranh” sẽ vẫn tiếp diễn. Còn xu hướng “hợp tác” hay “đấu tranh” nổi trội hơn thì tùy từng thời điểm, từng thế hệ lãnh đạo, từng khu vực chứ không có chỉ “hợp tác” hay “chỉ đấu tranh”. Cục diện đó sẽ diễn ra song song với tương quan lực lượng đang thay đổi.

Trong bối cảnh thế giới như vậy, theo ông xu thế hòa bình và hợp tác có còn là xu thế nổi trội trong quan hệ quốc tế nữa không?

Hòa bình, hợp tác vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân loại. Đó là chân lý vĩnh viễn. Chúng ta gọi “hòa bình và hợp tác” là một xu thế thì chỉ là cách gọi, nhưng tôi sợ cách gọi như vậy dễ lẫn lộn. Tất nhiên, trong thời đại ngày nay không dễ ra xảy tra chiến tranh. Tất cả các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau.

Hòa bình, hợp tác là khát vọng lớn lao của nhân loại, các nhà cầm quyền sẽ không dễ gì đi ngược lại xu thế đó. Các nước sẽ tính đến điều đó, nhưng họ lại muốn phát huy ảnh hưởng của mình để chi phối thế giới, làm cho sự cạnh tranh càng trở nên phức tạp.

Tự mình phải cứu lấy mình

Khi chủ quyền và lợi ích an ninh của Việt Nam bị thách thức, không ít tiếng nói cho rằng đường lối đối ngoại là bạn với tất cả các nước không còn phù hợp nữa bởi là bạn với tất cả tức là không có bạn đặc biệt, bạn thân nên khi xảy ra chuyện (khi lợi ích của quốc gia bị xâm phạm) không có ai thân cận đứng bên ta. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Thực ra tư tưởng này không phải mới xuất hiện từ thời đổi mới, tư tưởng này đã được đề ra tại Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 nhưng nếu xem lại trước đó thì Bác Hồ đã nói từ năm 1947, khi đó Bác Hồ nói rằng Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với ai. Thời kỳ đổi mới năm 1991, chúng ta nêu lại tư tưởng đó của Bác trong hoàn cảnh mới thể hiện tư tưởng, bản sắc của dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu.

Tuy nhiên, bạn có nhiều loại bạn, có bạn thân, bạn xã giao, bạn gần, bạn xa, do vậy, trong mấy trăm quốc gia trên thế giới thì đối tượng bạn của Việt Nam là khác nhau. Mức độ tình bạn cũng không phải là tùy thuộc vào ta mà còn vào phía bạn, điều này cũng phải linh hoạt.

Trong trường hợp mình gặp hoạn nạn, cái chính nghĩa của mình sẽ quyết định ai sẽ là bạn của mình. Khi mình có chính nghĩa, lợi ích của mình và bạn trùng hợp thì người ta sẽ đứng về phía mình. Tóm lại thì tôi nghĩ rằng khẩu hiệu hòa hiếu đã ngấm vào máu của người Việt Nam và áp dụng trong điều kiện hiện nay thì chúng ta nên nhìn nhận nó một cách biện chứng, linh hoạt chứ không thể “vơ đũa cả nắm”. Nhưng rốt cục thì chúng ta vẫn phải xác định: mình phải tự cứu lấy mình, chứ không thể trông chờ vào ai cả.

Trên bình diện ngoại giao đa phương, năm qua, người đứng đầu Chính phủ tuyên bố rằng VN đã sẵn sàng tham gia kiến tạo luật chơi khu vực. Theo quan sát của ông, Việt Nam đã và sẽ tham gia kiến tạo luật chơi quốc tế như thế nào?

Thế nào là luật chơi quốc tế? Luật chơi quốc tế là những nguyên tắc điều phối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Nếu như vậy thì Việt Nam góp phần kiến tạo luật chơi từ lâu rồi. Chúng ta đã xác lập được một nguyên tắc là các quốc gia phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Chúng ta đã góp phần xây dựng luật chơi bằng xương bằng máu của mình, chứ không chỉ bằng những hội nghị, nghị quyết.

Ngay từ thời kỳ Đổi mới, chúng ta tích cực tham gia vào luật chơi quốc tế bằng việc gia nhập ASEAN. Tất cả luật chơi của ASEAN chúng ta đều đóng góp. Tất cả các sự kiện, diễn biến ở ASEAN hiện nay có một phần rất quan trọng bắt nguồn từ tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 1998. Trong quá trình xây dựng Cộng đồng thì chúng ta cũng đóng góp rất nhiều.

Việt Nam cũng tham gia tích cực vào việc hình thành Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002, và hiện tại là việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, dự kiến sẽ đượ hình thành vào năm 2015, với ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội.

Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng tham gia ngay từ ban đầu.

Tôi muốn khẳng định là, Việt Nam đã tham gia kiến tạo luật chơi quốc tế rồi, nhưng tham gia chưa đủ. Bây giờ, khi chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, chúng ta cần phải tăng cường, tích cực tham gia hơn nữa vào các luật chơi. Ví dụ, ở WTO, chúng ta cần cố gắng chuyển sang “ghế chính”, không phải “ghế phụ” nữa, để tham gia luật chơi ở WTO.

Phải tự tin vào sức mạnh của mình

Suy cho cùng, đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội. Bác Hồ cũng nói ngoại giao như tiếng chuông. Nếu thực lực yếu thì tất bị lấn lướt, chèn ép. Bài toán đặt ra trong năm tới về việc nâng cao nội lực cụ thể ra sao?

Nội lực là một khái niệm rất rộng chứ không bó hẹp trong nội hàm sức mạnh kinh tế, quốc phòng.Tuy nhiên, không có nghĩa là tôi không coi trong hai nguồn sức mạnh này. Sức mạnh kinh tế thì chúng ta có tự chủ được không chủ yếu dựa vào sự phát triển hiệu quả của nền kinh tế, nếu chúng ta không vươn lên trong kinh tế thì sẽ không thể vận dụng được những cơ hội khi đất nước hội nhập, mở cửa và tham gia vào những khu vực mậu dịch tự do. Do vậy, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là việc làm để nền kinh tế của chúng ta phát triển hiệu quả hơn, tạo một thực lực thực sự.

Về quốc phòng trong những năm gần đây chúng ta đã từng bước trang bị hiện đại, có những lĩnh vực chúng ta đã tương đối hiện đại. Tuy nhiên sự hiện đại này chủ yếu là dùng việc mua vũ khí, khí tài từ bên ngoài, cái hiện đại mà chúng ta cần hơn nữa cho nội lực quốc phòng của chúng ta là yếu tố con người để làm sao nguồn lực con người trong quốc phòng của chúng ta có tư tưởng vững vàng, phát huy truyền thống anh hùng, nắm vững kỹ thuật hiện đại.

Bên cạnh sức mạnh vật chất, tôi cũng muốn nhấn mạnh sức mạnh mềm. Không phải dân tộc nào cũng hội tụ được nguồn sức mạnh mềm đó, nhưng tự hào rằng dân tộc chúng ta trải qua nhiều năm chiến đấu lâu dài đã tôi luyện lên nguồn sức mạnh mền đó.Việt Nam đã trở thành một địa chỉ mà bên ngoài hướng đến, coi trọng và những sự kiện năm 2014 vừa qua đã nói lên điều đó. Chúng ta phải tự tin rằng chúng ta có sức mạnh, không phải là một nước nhược tiểu.

  • VietNamNet 

(còn nữa)