– Thật đáng buồn và xấu hổ khi sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước kém hơn. Chúng ta không cần đi đâu xa, chỉ cần sang Thái Lan mà học tập – bà Phạm Chi Lan.

>> Phần 1: Doanh nghiệp lo sống đã đủ mệt

VietNamNet giới thiệu phần tiếp theo bàn tròn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)

 

Không cần đi đâu xa, hãy học ngay Thái Lan

Nhà báo Việt Lâm: Tình trạng thụ động của các DN Việt rất đáng báo động nếu so sánh với DN các nước ASEAN. Một quan chức gần đây cho hay có khoảng gần 10 ngàn DN vừa và nhỏ từ Thái Lan, Singapore…đã sang tìm hiểu thị trường VN. Họ không chờ đến khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực mà đã chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh với các DN Việt. Theo bà Phạm Chi Lan, liệu có phải trong tiềm thức DN Việt vẫn có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ trong tiềm thức của DN Việt Nam cũng có một phần nào đó trông chờ vào nhà nước, hoặc họ nghĩ những việc như vậy phải đợi nhà nước lo.

Nhưng vấn đề bắt nguồn cũng từ thực tế mà anh Tuấn vừa nêu ra là rất nhiều DN muốn có thông tin, kể cả thông tin từ các cơ quan nhà nước là phải mua, chứ không như ở các nước khác, thông tin được cho không, được mang đến tận nơi hoặc người ta chủ động nghiên cứu thông tin cho DN. Ông DN phải chạy lòng vòng một tháng trời mới biết thông tin như anh Tuấn kể chắc chắn cũng phải tiêu tốn một khoản chi phí nhất định. Bởi vậy, họ mới sinh ra tâm lý nếu mình không có tiền hoặc mình không mua thì sẽ không có được thông tin. Từ đó, dẫn đến chuyện thay vì chủ động tìm kiếm trên mạng hay từ các hiệp hội, tổ chức khác thì DN chờ đến cơ hội khi nhà nước có hoặc họ có thể tiếp cận được thông tin với giá nào đó hợp lý. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng tâm lý đó ở VN vẫn còn nhiều.

Tôi nghĩ truyền thông cũng có một phần trách nhiệm ở đây. Nhiều khi, tôi đọc trên các báo hay gặp câu kết luận cuối cùng kiểu như: vậy thì nhà nước phải làm gì đây, nhà nước phải ra tay đi. Lúc nào cũng chỉ kêu gọi nhà nước chứ không thấy trách nhiệm của xã hội. Tại sao không kêu gọi doanh nghiệp cố gắng hay nông dân phải chủ động lên. Nó bơm vào cả xã hội tâm lý chờ đợi nhà nước.

Về phía các doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ cộng đồng DN Thái Lan, phải nói thực rằng tôi thèm khát mình có được hệ thống tổ chức, hậu thuẫn cho các DN hiệu quả như vậy. Họ có các tầng nấc khác nhau nhưng các cơ quan nhà nước làm rất đúng trách nhiệm, không can thiệp và công việc kinh doanh của DN. Trái lại, họ hướng dẫn, tìm tòi thông tin, khuyến nghị chính sách hợp lý để DN của họ phát triển.

Có lẽ những người làm chính sách VN không cần đi đâu xa, cứ nhìn vào các cơ quan thương vụ Thái Lan ở Hà Nội và TP HCM mà học tập. Hiện ở Thái Lan đang có chính sách bắt buộc các công chức Thái phải chia nhau ra học tiếng của các nước khác trong ASEAN để có thể làm việc ngon lành với các nước đó. Hầu hết những người làm ở Đại sứ quán Thái Lan, đặc biệt những người làm mảng kinh tế đều thông thạo tiếng Việt để có thể đọc và hiểu được chính sách của VN, từ đó tìm kiếm thị trường cho DN của họ. Nhờ thế, những DN Thái muốn vào VN làm ăn đều có sẵn nền tảng thông tin cơ bản thậm chí khá tường tận trong từng lĩnh vực của họ.

Hàng năm, Thái Lan cũng tổ chức không biết bao nhiêu sự kiện ở VN để quảng bá cho sản phẩm của họ một cách bài bản, đúng thị hiếu người Việt. Họ giúp cho các công ty Thái thấy thị trường VN là tuyệt vời bởi tâm lý khách hàng VN giống Thái. Đến nỗi, theo điều tra của công ty McKenzie về cách tiếp cận của DN đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, có tới 52% DN Thái Lan cho rằng cơ hội số một của AEC là ở thị trường VN.

Mấy năm gần đây, các DN Thái bắt đầu có những cuộc đổ bộ ào ạt vào VN. Mà nội bộ cộng đồng DN của họ phối hợp với nhau rất bài bản. Những nhà phân phối đi trước mở đường bằng cách mua lại chuỗi siêu thị này, chuỗi cửa hàng tiện lợi kia, sau đó đưa hàng Thái vào. Chúng ta thấy các cửa hàng chuyên bán hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều. Đấy là những bước đi chuẩn bị cần thiết để những nhà sản xuất Thái đổ bộ vào VN. Ví dụ như tập đoàn BJC mua lại tập đoàn Metro rõ ràng để chuẩn bị cho cuộc tấn công ào ạt của hang Thái vào thị trường VN. Từ nhà nước đến các hiệp hội DN hay bản thân cộng đồng DN làm việc một cách có tổ chức, biết liên kết với nhau thành từng chuỗi từng nhóm để đi vào VN.

Trong khi đó, ở VN phải nói rằng vai trò của các hiệp hội còn mờ nhạt, thường chỉ lên tiếng khi chúng ta gặp phải vấn đề nào đó. Chẳng hạn, khi VN bị kiện chống bán phá giá mặt hàng này khác mới thấy Hiệp hội xông vào, lên tiếng rầm rộ. Thế nhưng, cả quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để sản phẩm của mình tránh được những chuyện đó thì không làm. Chúng ta có cả một nền nông nghiệp lớn, từ chỗ đói ăn đến vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng thử hỏi đến giờ chúng ta đã có được một tổ chức xuất khẩu gạo cho nên hồn hay chưa? Hay như năm nay lại tiếp tục than vãn giá gạo xuống, bị thương lái Trung Quốc ép uổng, rồi chỗ này chỗ kia gặp khó.

Điều đó lý giải tại sao khoảng cách giữa Thái Lan và VN cứ xa vời vợi. Thật đáng buồn khi sau 20 năm tham gia ASEAN, đến giờ chúng ta vẫn bị xếp trong nhóm 4 nước thấp kém hơn, cùng với Lào, Campuchia, Myanmar. 20 năm trời, đến lúc bước vào giai đoạn quyết liệt của ASEAN để nâng tầm lên thì mình vẫn chấp nhận ở tầng thấp như vậy. Đây không chỉ là một điều đáng buồn mà còn đáng xấu hổ nữa. Cho nên, không cần đi đâu xa, chúng ta cứ sang mà học người Thái thôi.

{keywords}

 Chuyên gia kinh tế kỳ cựu Phạm Chi Lan (Ảnh: Phạm Hải)

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi chia sẻ với tâm tư của cô Phạm Chi Lan. Nếu nhìn các nước xung quanh sẽ thấy họ đã phát triển đến một tư duy mới là hệ thống công quyền phải tạo thuận lợi cho DN thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đầu tư, chứ không phải là tháo gỡ khó khăn nữa. Trong khi đó, ở VN vẫn chỉ trông chờ rằng: ông đừng gây khó khăn cho tôi đã là điều may mắn lắm rồi.

Tôi nhớ mãi chuyện một bà đại sứ của một nước ASEAN hẹn lịch gặp tôi, đại diện của VCCI chỉ để tìm hiểu quy định lập hội ở VN như thế nào. Hỏi ra đầu tư của nước ấy ở VN, cụ thể ở Hà Nội chưa đến 10 DN mà bà đại sứ đã phải đến hỏi quy định thành lập hội để người ta thành lập hội DN nước họ ở Hà Nội. Một vị đại sứ quyền cao chức trọng như vậy mà đến tận VCCI, chứ không chỉ là các cơ quan nhà nước, chỉ để tìm hiểu thông tin cho DN.

Trở lại vấn đề thông tin cho DN. Chưa nói đâu xa, chỉ nói tới thông tin thống kê. VN có cả một hệ thống cơ quan thống kê nhưng thử hỏi các DN sử dụng được bao nhiêu thống kê ấy. Tôi từng phải trả lời rất nhiều DN và nhà đầu tư. Họ muốn biết thông tin về lượng hàng xuất nhập khẩu giữa VN và Trung Quốc nhưng không biết tìm ở đâu ra. Cơ quan thống kê không có, hải quan cũng không thể tiếp cận được. Thành thử một số công ty khi đầu tư phải thuê những dịch vụ điều tra thị trường rất tốn kém. Giả sử cơ quan nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng thông tin thống kê sẽ giúp ích rất nhiều cho DN.

Ngoài ra, như cô Phạm Chi Lan vừa đề cập, một vướng mắc lớn khác là vai trò yếu kém của các hiệp hội. Vừa qua, VCCI cũng làm một số khảo sát về các hiệp hội DN. Hầu hết các hiệp hội DN ở VN đều hoạt động cầm chừng. Các hiệp hội rất khó khăn về nguồn lực, thậm chí có hiệp hội không có nổi mặt bằng mà phải nay đây mai đó. Họ không có tiền để tuyển nhân sự tốt, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các hội viên. Làm sao hiệp hội có thể tư vấn cho DN khi mà cán bộ hội không có kiến thức. Kết quả là các DN thấy hiệp hội không có ích, nên mối liên kết với hiệp hội càng lỏng lẻo và hiệp hội không thể tìm kiếm được nguồn lực qua hoạt động đóng hội phí.

Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, không thể không có vai trò của nhà nước. Các cơ quan nhà nước có thể không trợ cấp trực tiếp, nhưng có thể đặt hàng để các hiệp hội lớn mạnh, có hoạt động, có nguồn lực để tuyển thêm nhân lực, qua đấy hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên và có những chương trình thiết kế nâng cao năng lực cho các hiệp hội. Không thể trông chờ vào nhà nước mãi được trong việc cung cấp thông tin bởi doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng. Cần có những thiết chế bổ sung bên cạnh nhà nước, mà hiệp hội doanh nghiệp là một lựa chọn tốt.

{keywords}

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

Chia đều trách nhiệm tập thể

Nhà báo Việt Lâm: Từ chia sẻ của hai chuyên gia thì có thể thấy rằng nếu như chỉ cần thay đổi một chút trong tư duy của các cán bộ, công chức thực sự là công bộc, là những người cung cấp dịch vụ công như các nước ASEAN đã làm được thì họ sẽ phải quan tâm đến nhu cầu của khách hàng, từ đó mới đáp ứng đúng cái người ta cần. Bởi vì không ít DN kêu ca là họ cũng được cung cấp thông tin đấy, nhưng lại không phải cái người ta cần.

Ông Đậu Anh Tuấn: Liên quan đến vấn đề này tôi cũng xin bình luận thêm là ở VN công khai chưa hẳn là minh bạch. Các cơ quan nhà nước vẫn nói rằng tôi minh bạch đấy chứ, anh cần gì thì cứ đến lấy. Nhưng nếu cứ theo cách tiếp cận ấy thì nảy sinh một thực trạng là ai có lợi thế, có quen biết thì chỉ mất một cú điện thoại là lấy được thông tin. Còn DN không có quan hệ thì lòng vòng cả tháng trời mới ra như tôi vừa kể. Lâu dần, hình thành đội ngũ “cò chính sách”.

Cách tiếp cận khác là phải xem các DN và xã hội cần gì rồi hướng hoạt động vào đó. Chẳng hạn hoạt động cung cấp thông tin thì tôi phải biết sắp tới anh cần gì và cung cấp thông tin một cách hệ thống, đầy đủ và công khai. Ai cần cũng có thể đến lấy, bất kể DN lớn hay nhỏ, quen thân hay không. Chỉ cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển sang tư duy phục vụ thôi thì việc cung cấp thông tin đã khác.

{keywords}

Nhà báo Việt Lâm, chuyên gia Phạm Chi Lan và chuyên gia Đậu Anh Tuấn tại bàn tròn. Ảnh: Phạm Hải

Bà Phạm Chi Lan: Bằng chứng rõ nhất về chuyện công khai nhưng không minh bạch là chúng ta cứ thử vào các trang web chính thức. Tỉnh nào, bộ nào cũng có trang web nhưng thử hỏi có thể khai thác được bao nhiêu thông tin trên đó. Nhiều khi vào đến nơi là nghẽn mạng, hoặc những thông tin chung chung, cũ kỹ, không giá trị. Những thông tin xã hội cần nhất không có. Có lẽ, người ta muốn ém lại để ai cần thì đến gặp tôi.

Nói đến vấn đề minh bạch thì không thể bỏ qua trách nhiệm giải trình. Lấy ngay kết quả điều tra vừa công bố hơn 70% DN không biết gì về hội nhập thì tại sao nhà nước không đặt câu hỏi là ai chịu trách nhiệm về việc này và có thái độ thẳng thừng xử lý. Chúng ta thường chia đều trách nhiệm, mỗi một việc đàm phán, mỗi lĩnh vực thì một số ngành liên quan, các đơn vị khác nhau trong cùng một bộ chịu trách nhiệm nhưng rốt cục không ai chịu trách nhiệm cả. Cả xã hội phát triển mà bao lâu nay cứ trong tình trạng chia đều trách nhiệm tập thể, và không ai chịu trách nhiệm tới cùng.

Thủ tướng đã nhiều lần nói tới việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhưng cho tới nay, hiếm khi chúng ta xử lý được một người đứng đầu nào về những trách nhiệm xảy ra trong xã hội cả. Chưa nói tới người đứng đầu ở tầm mà Thủ tướng phải kiểm soát là các bộ trưởng hay chủ tịch UBND các tỉnh mà ở các cấp thấp hơn có lẽ cũng chưa có trường hợp người đứng đầu một vụ, một cục nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề gì rất nghiêm trọng trong kinh tế trực thuộc trách nhiệm vụ đó. 

  • VietNamNet

(còn nữa)