Thời gian qua, có không ít tiếng nói có vị thế, ảnh hưởng lớn trong bộ máy như người đứng đầu Chính phủ hay bộ trưởng phải sốt ruột kêu lên cải cách chậm chạp quá. Vậy điểm nút đang nằm ở đâu?

>> "Đừng phủ nhận sạch trơn những gì VN làm được!"

Mời độc giả lắng nghe kiến giải của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ và TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư trong bàn tròn với VietNamNet.

Những tiếng nói lẻ loi

Nhà báo Việt Lâm: Trong các thông điệp đầu năm của Thủ tướng, hay trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, Thủ tướng và một số bộ trưởng cũng đã đề cập đến, dù chưa thảo luận sâu về chuyện phải tư duy lại vai trò, chức năng của nhà nước là nhà nước kiến tạo phát triển, hành chính phục vụ, thậm chí định nghĩa lại nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là gì. Liệu có thể hy vọng đấy là những tín hiệu tích cực báo hiệu một ý chí cải cách mạnh hơn, theo đúng hướng như các vị khách mời đã nhấn mạnh hay không?

TS Nguyễn Đình Cung: Phải nói rằng, trong những thảo luận gần đây, trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tôi đọc thấy một mong muốn thay đổi về vai trò, chức năng của nhà nước. Điều đáng tiếc là đáng lẽ giới tinh hoa phải thấm những thông điệp như thế, phải nhân dịp đó chuyển hóa thành những thảo luận, những kiến nghị mạnh mẽ, đầy đủ hơn.

Thời gian qua cũng đã có một vài cố gắng như thế. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đạt được độ đầy đủ và quyết liệt. Tôi rất đồng cảm với những ý kiến của Tiến sỹ, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khi bàn về luật tổ chức chính phủ, luật về tổ chức chính quyền địa phương, luật ngân sách. Ông Lịch nhấn mạnh đến tài chính công – chính là một trong những nội dung có tính nội hàm của thay đổi vai trò chức năng, cơ cấu, tổ chức, cách thức quản lý của nhà nước. Tiếc là ý kiến của anh Lịch còn lẻ loi, không được bắt lời nhiều lắm. Tôi cũng cố gắng ủng hộ ý kiến của ông Trần Du Lịch ở nhiều chỗ, nhiều nơi, nhưng cũng không hóa giải được cái cô đơn ấy.

TS Lưu Bích Hồ: Chúng ta đừng nghĩ rằng nói nhà nước là chỉ có Chính phủ. Nhà nước ở đây bao hàm ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lâu nay chủ yếu chúng ta chỉ hay nói về lập pháp và hành pháp.

Nhưng ngay giữa Chính phủ và Quốc hội, tôi cảm thấy rất nhiều chuyện hình như chưa phân công một cách rành mạch, Tại sao Quốc hội phải làm quá nhiều việc cụ thể như vậy trong khi đáng lẽ phải tập trung nguồn lực mà làm cho thật tốt chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là làm luật và giám sát thực thi luật.

Tôi cũng muốn nói thêm một điều nữa là không phải nhà nước nào, thậm chí rất hiện đại, đều có thể dễ dàng giải quyết những vấn đề của thị trường. Chẳng hạn như khủng hoảng năm 2008, nhà nước Mỹ cũng phải chật vật xoay sở mãi mới xử lý nổi.

Khi nói về vai trò, chức năng, năng lực của nhà nước, tôi nghĩ không nên quên một thực tế là tình hình mỗi nước khác nhau và ở mỗi giai đoạn phát triển lại nảy sinh những vấn đề khác nhau. Những vấn đề VN phải đương đầu thời gian qua chưa từng có tiền lệ nên nhà nước ta còn hết sức lúng túng.

{keywords}
TS Lưu Bích Hồ và TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi thì lại không đồng ý với ý kiến là ta chưa có tiền lệ. Thực ra, trên thế giới này đầy rẫy các bài học kể cả thành công và thất bại. Là người đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những thất bại và học hỏi thành công của người đi trước. Tất nhiên, mỗi nước có đặc thù, nhưng cái chung vẫn là cái quyết định, cái phổ biến, còn đặc thù thì riêng biệt. Nước Mỹ hay bất kỳ nước nào khác đều có những thất bại của thị trường, của nhà nước. Vấn đề là họ chỉ mất 2-3 năm khắc phục xong bởi vì nền tảng thể chế của họ rất tốt. Chính điều đó mới là giá trị phổ quát của kinh tế thị trường.

Trong những thời điểm khủng hoảng, nhà nước can thiệp rất mạnh. Tuy nhiên, sau khi can thiệp xong thì nhà nước rút đi, nhường chỗ cho thị trường chứ không phải ôm lấy luôn. Nguyên tắc của họ là chỉ khi thị trường thất bại, nhà nước mới can thiệp, sửa chữa xong xuôi thì nhà nước rút để thị trường vận hành. Thực tế, những nước nào có kinh tế thị trường đầy đủ và bao dung là những nước phát triển thịnh vượng.

TS Lưu Bích Hồ: Tôi muốn nói thêm là ngay tính phổ quát chúng ta cũng đâu nhận thức được hết. Chính vì những vấn đề phổ quát chúng ta còn chưa làm tốt, nên sang những đặc thù thì cực kỳ lúng túng.

Ở đây, tôi hoàn toàn đồng ý với Ts Cung. Chúng ta phải quán triệt những quy luật, nguyên tắc phổ quát của thị trường và những chức năng mà nhà nước nhất thiết phải làm thì phải làm, còn lại không làm là không làm. Đằng này cứ lẫn lộn, cái cần làm thì không làm mà cái không cần làm thì làm.

Tất cả những chuyện này chính là những vấn đề cần giải quyết cho thấu triệt chứ chỉ bằng ba cái luật mới thì không ăn thua.

Tận dụng từng bước tiến nhỏ để thúc đẩy phát triển

Việt Lâm: Nhưng tôi lại nghĩ trong tình hình của VN, những luật mới sắp ra vẫn là những tín hiệu tích cực bởi chí ít nó giúp thiết lập một khuôn khổ, hành lang cho cải cách.

TS Nguyễn Đình Cung: Việt Nam ta kỳ vọng vào sự thay đổi nhanh, mạnh để chuyển cấp độ về chất nhưng quay lại thực tế vẫn cứ đều đều dần dần. Lâu nay vẫn vậy. Cho nên, mỗi một bước tiến dù nhỏ cũng là một sự thảo luận không dễ dàng gì. Tôi nghĩ chúng ta vẫn cứ nên trân trọng từng bước tiến nhỏ, tận dụng sự thay đổi này để thúc đẩy phát triển.

TS Lưu Bích Hồ: Nhưng tôi rất muốn hiểu vì sao cải cách cứ phải dần dần nhỉ? Có thể làm nhanh hơn được không? Tôi vẫn chưa thỏa đáng lắm trong cách giải thích này.

Việt Lâm: Hai vị khách mời đã tìm thấy câu trả lời chưa?

TS Nguyễn Đình Cung: Giữa kỳ vọng và hiện thực luôn có độ chênh lớn. Về kỳ vọng thì ai cũng thấy VN đang cần một sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ. Nhưng khi đi vào hiện thực cuộc sống thì tôi chưa nhìn thấy cơ hội, điều kiện hay áp lực đủ mức để thay đổi như vậy. Thành ra chúng ta phải chấp nhận thay đổi từng bước, theo hướng mà mình thấy rằng đó là hướng của một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ.

TS Lưu Bích Hồ: Tôi thì nghĩ xét cho cùng là ở tư duy. Tư duy chúng ta lúc nào cũng nói là đổi mới, phải đột phá nhưng trên thực tế và trong thực chất là chúng ta chưa giải quyết được vấn đề tư duy. Cải cách nhà nước hay thị trường bế tắc bởi chúng ta duy trì tư duy cũ, mô hình cũ quá lâu rồi.

Điều tệ hại hơn cả, so với trước đây, theo tôi còn là sự trì kéo của lợi ích nhóm, tham nhũng…làm méo mó cả thị trường lẫn bộ máy nhà nước. Chúng ta muốn khắc phục bằng cải cách thể chế nhưng mỗi lần đem ra bàn thì đủ loại ý kiến, không sao thống nhất được. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư là người rất quyết liệt về chuyện cải cách thể chế. Hay anh Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ cũng là nơi khởi thảo ra nhiều đề án cải cách nhưng mỗi lần thảo luận, ý kiến bất đồng còn nhiều.

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng do chúng ta thảo luận chưa trúng vấn đề. Ở thời điểm này, mặc dù cải cách vẫn nhằm mục tiêu nâng cấp chất lượng của thị trường nhưng trọng tâm không phải là tự do hóa như trước đây. Hồi trước, nhà nước rút đi để thị trường tiến lên. Còn bây giờ, thực tế đặt ra đòi hỏi nhà nước phải thay đổi, phải cải cách để thị trường thực sự nâng tầm. Mà chính việc đổi mới nhà nước, ở đây là cả ba nhánh quyền lực phải đổi mới đồng bộ, mới là cải cách khó khăn.

Rõ ràng, vai trò chức năng của nhà nước phải thay đổi. Trong khi đó, đã có những giá trị phổ quát, được thừa nhận rộng rãi về vai trò chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta đâu cần phải bàn nhiều, có những điểm mang tính phổ quát thì cứ đưa về áp dụng. Đương nhiên, có thể có những điểm cần phải thay đổi trong bối cảnh của Việt Nam. Chúng ta có thể thảo luận áp dụng mô hình nào cho phù hợp.

Nhiều người vẫn hay nói rằng bộ máy nhà nước mình năng lực yếu kém. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta có cơ chế thì năng lực trong xã hội không thiếu. Điều này khác hẳn 30 năm trước. Tại thời điểm hiện nay, con em chúng ta được học hành, đào tạo rất nhiều nơi và họ thực sự có năng lực không thua kém gì những người cùng một mặt bằng trí thức ở những nước phát triển. Vấn đề là chúng ta có cơ chế, thể chế để tạo cơ hội cho những người như thế gia nhập vào bộ máy nhà nước hay không, chứ không phải bây giờ mới lo chuyện đi đào tạo lại công chức. Tôi đồng ý là vẫn phải đào tạo lại công chức nhưng điều quan trọng là mở cơ hội cho những người đã được đào tạo, rồi sau đó nâng cấp dần lên, chứ không phải đào tạo ngay từ đầu.

{keywords}
TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Nút thắt của cải cách

Việt Lâm: Như ông Nguyễn Đình Cung vừa nhận định, năng lực trong xã hội không thiếu. Và như chúng ta cũng thấy thời gian qua, có không ít tiếng nói trong bộ máy lên tiếng về sự cấp thiết phải cải cách thể chế, coi đó như cuộc đổi mới lần thứ hai. Những tiếng nói thậm chí ở cương vị rất cao, có đầy đủ vị thế và quyền hạn để thay đổi như Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng. Vậy mà chính họ cũng phải sốt ruột kêu lên là cải cách còn chậm chạp quá. Thế thì, điểm vướng mắc nằm ở chỗ nào?

TS Lưu Bích Hồ: Điểm nút này một số người cũng từng nói rồi. Nay tôi chỉ xin nhắc lại một chút. Chúng ta là một thể chế do tập thể lãnh đạo. Cái gì cũng phải xin ý kiến tập thể. Đến sân bay Long Thành cũng phải đưa ra nơi này, nơi kia bàn đi bàn lại. Cứ thế, tầng tầng, nấc nấc tập thể bàn nên có chậm cũng không phải là chuyện khó hiểu. Phải nói thẳng một sự thật là Thủ tướng VN không phải có đầy đủ quyền lực như Thủ tướng các nước khác đâu. Ở nước khác, Thủ tướng quyết định là xong. Chính phủ chỉ xin ý kiến Quốc hội những vấn đề cực kỳ hệ trọng thôi.

Đằng này, có khi Chính phủ đã bàn nát rồi mà còn phải xin ý kiến nơi này, nơi kia. Mất bao nhiêu thời gian mới đưa ra được quyết định quan trọng.

Việt Lâm: Tôi xin cắt ngang một chút. Có lẽ, việc này xuất phát từ mối lo rất chính đáng là quyền lực tuyệt đối sẽ có xu hướng lạm quyền nên cần phải được chế ước. Trong đặc thù của VN thì có lẽ đấy cũng là cách cân bằng, chế ước quyền lực trong nội bộ.

TS Lưu Bích Hồ: Nhưng chế ước thế nào để tạo ra sự đồng thuận nhanh hơn thì cải cách sẽ nhanh hơn.

Việt Lâm: Nhưng thực tế cũng đã cho thấy có những siêu dự án bị nghi ngờ về hiệu quả mà nếu như không có tiếng nói cản lại từ các cơ quan quyền lực khác thì chúng có thể đã được triển khai và nguy cơ lãng phí rất lớn.

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi thì lại nghĩ không cần thiết phải như thế. Chẳng qua là ông Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm và tất nhiên phản biện là của xã hội. Ông ta phải lựa chọn phương án tốt nhất theo như diễn giải, thảo luận là phục vụ lợi ích xã hội thì lúc đó có người chịu trách nhiệm. Bây giờ chúng ta bàn tập thể như thế, khi thành công mọi người đều nhận cũng được nhưng khi thất bại thì ai chịu trách nhiệm đây? Như thế chưa hẳn đã là tốt. Thực ra một dự án như thế chỉ cần 1 ông bộ trưởng chịu trách nhiệm là đủ còn lại đảng cầm quyền chịu trách nhiệm về mặt chính trị.

Việt Lâm: Ý ông Cung là nếu lấy chiếc ghế làm áp lực, tức là nếu dự án thất bại thì ông phải từ chức như thông lệ thế giới thì tự khắc họ sẽ có trách nhiệm với chữ ký của mình, đúng không ạ?

TS Nguyễn Đình Cung: Không chỉ chiếc ghế mà còn là danh tiếng, là uy tín cả đời họ nữa.

(còn tiếp)