"Ngay trong chuyến đi của Tổng Bí thư, một ai đó đã bình luận rằng VN đang xoay trục với Mỹ. Đó là một nhận xét khá lý thú, nhưng lực chúng ta, sức chúng ta và ngay cả ý định chúng ta làm gì có như vậy" - ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng.

>> Kỳ 1: Hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư

>> Kỳ 2: Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư là gì?

VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn trực tuyến với ông Bùi Thế Giang và TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao.

Tôi cứ quan hệ với Mỹ thoải mái, nhưng anh đi một bước là tôi lo

Nhà báo Việt Lâm: Vừa rồi, ông Bùi Thế Giang đã nhấn mạnh chính sách đối ngoại của VN là đa dạng hoá, đa phương hoá. Chúng ta với bất cứ nước nào đều không nhằm vào nước thứ ba. Nhưng rõ ràng, đặt trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược xoay trục tại khu vực, sự ấm lên của quan hệ Việt – Mỹ sẽ khó tránh khỏi những sự diễn giải, thậm chí cố tình xuyên tạc của người khác?

Ông Bùi Thế Giang: Thực ra, tôi nghĩ là chị Lâm đang nói thay cho nhiều người, cả người ta và không phải ta. Tôi nghĩ những người làm đối ngoại, đặc biệt là những người làm về quan hệ Việt –Mỹ hiện nay đều hiểu sự tế nhị, nhạy cảm này. Chị nói từ “xoay trục”, thực ra thì người Mỹ cũng ít dùng từ xoay trục mà dùng từ “tái cân bằng” là nhiều. Đấy là một chiến lược công khai của nước Mỹ.

Bởi vậy, khi bàn thảo về Tuyên bố tầm nhìn chung, các đối tác phía Mỹ rất muốn đưa cụm từ “tái cân bằng” này vào. Họ không đòi hỏi VN nhất thiết phải ủng hộ, hay hoan nghênh gì đâu, nhưng phía Mỹ muốn xác nhận là họ có một chính sách như vậy ở trong văn bản này. Tôi xin nói thật, đến tận gần chót quá trình đàm phán với nhau thì các bạn Mỹ mới hiểu và tán thành với chúng ta là không đưa cụm từ này vào nữa. Chúng ta cũng trình bày đoạn đó theo đúng chủ trương của hai bên: Hoa Kỳ hoan nghênh chính sách hội nhập quốc tế tích cực của VN và VN hoan nghênh chính sách của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với khu vực Châu Á –Thái Bình Dương vì mục tiêu đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Như vậy, cả hai bên cùng chia sẻ với nhau về sự nhạy cảm của vấn đề này và cùng hiểu rằng chúng ta không có âm mưu, thủ đoạn, ý đồ gì xấu xa ở đây cả. Thế thì chúng ta dại gì mà làm cho ai đó thắc mắc. Chúng ta viết rất rõ ràng cụ thể, đầy đủ như vậy.

{keywords}
Ông Bùi Thế Giang là người đóng vai trò tích cực trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ. Ảnh: Lê Anh Dũng

 TS Hoàng Anh Tuấn: Tôi nghĩ, sự quan tâm của một số nước đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điều đương nhiên bởi tính chất lịch sử của nó và cũng vì đó là một diễn biến mang tầm khu vực và quốc tế.

Về chuyện nhạy cảm thì cũng phải xem ở mức độ như thế nào là hợp lý. Đúng là những ai quan tâm đến quan hệ Việt – Mỹ đều có thể thấy rằng nền tảng quan hệ song phương qua 20 năm qua phát triển rất nhanh, ở tầm mức như Ngoại trưởng John Kerry nhận định: Không có hai nước nào trên thế giới lại làm việc nhiều hơn để tìm cách phát triển, đưa quan hệ về phía trước như VN với Mỹ.

Thế nhưng, trên thực tế, nền tảng của hai bên đạt được còn thấp lắm so với nền tảng quan hệ với Mỹ của những nước quan tâm đến chúng ta. Hãy thử nhìn xem các chuyến cấp cao của những người đứng đầu nhà nước họ đến Mỹ nhiều hơn chúng ta gấp bao nhiêu lần. Kim ngạch thương mại của họ với Mỹ cũng lớn hơn nhiều lần. Giao lưu nhân dân cũng vậy. VN phải phấn đấu nhiều lắm mới bằng được quan hệ của họ với Mỹ. Nghịch lý ở chỗ, tôi cứ phát triển quan hệ thoải mái, còn anh phát triển một bước là tôi quan tâm, tôi lo đến anh.

Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt – Mỹ, hay quan hệ của VN với bất kỳ nước nào, chúng ta phải thừa nhận tác động của nhân tố thứ ba khá sâu sắc. Đấy là một bi kịch đối với VN.

Tuy nhiên, từ sau khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, thúc đẩy tiến trình hội nhập, đặc biệt qua chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư, và trước đấy là chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Trung Quốc, chúng ta thấy là yếu tố thứ ba ngày càng giảm đi trong quan hệ song phương giữa VN và các nước lớn. Điều đó cho thấy quan hệ của VN với các đối tác ấy xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính chúng ta. Nó cũng phản ánh thực tế của quan hệ quốc tế trong thời đại hiện nay, tức là anh thúc đẩy quan hệ chủ yếu dựa trên và phải vì lợi ích của anh. Như thế, anh mới có một chính sách đối ngoại thực sự độc lập, tự chủ.

{keywords}
TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Lê Anh Dũng

 Ông Bùi Thế Giang: Tôi chưa rõ lắm ý của anh Tuấn là yếu tố thứ ba càng ngày càng giảm đi trong quan hệ đối ngoại của chúng ta hiện nay. Tôi thì nghĩ rằng trong thế giới hiện nay, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ thông tin thì dù anh có minh bạch hay không thì người ta cũng sẽ nhìn thấy những việc anh làm. Thậm chí trong chừng mực nào đó, người ta có thể đọc những điều anh nghĩ. Vì thế, điều quan trọng nhất là cái tâm của anh có sáng hay không, có thực sự anh độc lập tự chủ, đa phương đa dạng, không nhắm vào bên thứ ba nào không.

Các cụ ta ngày xưa có câu rất hay: “Không ưa thì dưa có dòi”. Dù chúng ta có tuyên bố công khai, nhưng khi người ta đã không thích quan hệ của chúng ta thì người ta có thể diễn giải thế này, thế kia. Suy cho cùng, diễn giải là quyền của người ta. Làm sao chúng ta bắt họ nghĩ như chúng ta được. Chúng ta cũng không thể biết trong đầu người ta nghĩ gì, người ta diễn giải trong nội bộ người ta như thế nào.

Thế nhưng, một điểm rất lý thú về chuyến đi này của Tổng Bí thư là các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi và đưa tin rất sát. Ngoài báo tiếng Việt, kể cả của người Việt trong nước và hải ngoại, báo chí Mỹ, Trung, Nga, Thái Lan…đều đưa tin nhiều. Điều đó sẽ tác động đến chuyện người ta bình luận, diễn giải như thế nào.

Điểm thứ hai rất quan trọng là ít có chuyến đi nào như chuyến này, truyền thông lề trái, lề phải, chính thống, không chính thống, nói chung đều đánh giá đây là chuyến đi có ý nghĩa tích cực và thành công. Do đó, nếu người ta muốn chỗ này, chỗ kia có “con dòi” người ta cũng khó nói, ít nhất là về mặt chính thức.

Bài học độc lập, tự chủ

Việt Lâm: Sự quan tâm của các nước lớn đến chuyến đi của Tổng Bí thư có lẽ cũng dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh những chuyển dịch chiến lược gần đây ở khu vực. Thực tế là mấy năm gần đây, khu vực này đã trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khi âm thầm, khi gay gắt giữa các nước lớn, bằng nhiều hình thức, từ tiền tài vật chất tới vũ khí quân sự. Mới đây, Thủ tướng Nhật tuyên bố rót cho châu Á 110 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi Trung Quốc nỗ lực thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á. Vừa rồi, khi đi đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản, tôi có tiếp xúc với một số quan chức, báo chí và học giả trong khu vực. Họ đều chia sẻ một nỗi lo rất thật là họ sẽ bị mắc kẹt giữa các ông lớn, trở thành nạn nhân của cuộc tranh hùng nước lớn. Vậy thì làm thế nào để VN giữ được thăng bằng giữa những biến động chiến lược này?

Ông Bùi Thế Giang: Đấy là nỗi lo có tầm vóc toàn cầu. Đừng nghĩ rằng chỉ có khu vực CA-TBD mới có sự cạnh tranh, ganh đua của các nước lớn. Hãy nhìn Trung Đông, Châu Âu mà xem, Ukraine là điển hình, Châu Phi, thậm chí Mỹ -La Tinh, chỗ nào cũng có nước lớn cạnh tranh. Khu vực chúng ta thì Biển Đông mới chỉ là một thôi.

Nhìn một cách tổng thể thì ở chỗ nào các nước lớn cũng đều muốn có vai trò, mà muốn có vai trò đều phải cạnh tranh với các nước lớn còn lại. Khi mà lợi ích các nước trùng nhau thì họ hợp tác với nhau, khi họ không trùng hợp lợi ích với nhau thì họ có thể cãi nhau, thậm chí đánh nhau.

Với những nước không thuộc những nhóm nước đó, họ đánh nhau có khi mình cũng chết, họ hợp tác với nhau có khi mình cũng chết. Chúng ta không phải là một nước nhỏ nhưng dứt khoát không to rồi. Về kích thước VN là nước tầm trung, còn nói về giá trị, chất lượng kinh tế thì còn xa lắm ở bên dưới. Chúng ta vừa mới vào nhóm nước thu nhập trung bình trình độ thấp thôi. Chúng ta luôn nói với thế giới và thế giới cũng nhắc nhở chúng ta là nguy cơ quay trở lại nhóm nước chậm phát triển vẫn còn lù lù ở đó.

Việc cân nhắc, hoạch định, triển khai chính sách là vấn đề cực kỳ hệ trọng. Ngay trong chuyến đi của Tổng Bí thư, một ai đó đã bình luận rằng VN đang tái cân bằng, xoay trục với Mỹ. Đó là một nhận xét khá lý thú, nhưng lực chúng ta, sức chúng ta và ngay cả ý định, ý đồ chúng ta làm gì có để làm như vậy. Cái cân nhắc, tính toán chiến lược như Tổng Bí thư đã nói trong cuộc tiếp xúc cử tri là sự chia sẻ rất chân thành.

Còn nói về kết quả chuyến đi, có khi phải mất cả chục năm nữa chúng ta mới thấu được ý nghĩa sâu xa của chuyến đi. Còn để phát huy kết quả tích cực, rất cần tránh những diễn giải hiểu sai, những nhận thức lệch lạc về chuyến đi này.

{keywords}
TS Hoàng Anh Tuấn, ông Bùi Thế Giang và nhà báo Việt Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng

 Việt Lâm: Những việc cụ thể nào phải làm để phát huy kết quả tích cực của chuyến đi ?

Ông Bùi Thế Giang: Trước hết, chúng ta phải hiểu đúng, không mơ hồ, ảo tưởng, nhầm về mục đích chuyến đi. Bởi nếu hiểu rằng chúng ta đi Mỹ để có thêm một ông đồng minh, để chống một ông đồng minh cũ, hay là đi để khai thác lợi ích của chúng ta trong quan hệ với Mỹ và chúng ta cứ vơ vào thì không có đâu.

Thứ hai, phải nhận thức được kết quả chuyến đi là phản ánh lợi ích, nhu cầu của hai bên và có tính đến yếu tố thứ ba khác. Chúng ta phải hiểu khi phát triển quan hệ hai bên là vì lợi ích hai bên nhưng đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác chung của cả thế giới. VN thì nhỏ nhưng nước Mỹ là lớn. VN cũng bắt đầu tham gia với thế giới. Khi hội đàm với Tổng Bí thư ta thì Tổng thống Obama có nói đại ý: chúng tôi biết ơn VN đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

TS. Hoàng Anh Tuấn: Việc các nước lớn quan tâm đến khu vực này, ở một khía cạnh nào đó có tác động tích cực. Không hẳn chỉ có Mỹ xoay trục sang Đông Á. Ấn Độ không chỉ hướng Đông mà còn hành động về phía Đông; Nhật Bản cũng coi Đông Nam Á là một trọng tâm trong chiến lược của mình –sáng kiến chiến lược kim cương; Nga cũng quay trở lại khu vực này và lấy Đông Nam Á là trọng tâm; Trung Quốc coi Đông Nam Á là địa bàn ưu tiên quan trọng trong chính sách của mình. Ở một số khu vực khác mà có sự chi phối của một hay hai cường quốc chưa hẳn đã tốt mà thậm chí còn là bi kịch.

Vậy VN và các nước trong khu vực cần phải làm gì? Tôi nghĩ là có ba việc phải làm.

Một là, nếu anh muốn có vai trò, muốn tự chủ trong cuộc chơi toàn cầu này, trước tiên anh phải mạnh về nội lực. Nói cách khác, anh phải có sức mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, phải có quốc phòng vững mạnh, thực thi chính sách đối ngoại độc lập tự chủ.

Hai là, ở tầm khu vực, Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành cuối năm nay với ba trụ cột chính trị an ninh, văn hóa xã hội, kinh tế. Chúng ta không chỉ là công dân của VN mà còn là công dân của Cộng đồng ASEAN và mình phải có trách nhiệm với cộng đồng. Khi có nền tảng lớn là Cộng đồng ASEAN, chúng ta sẽ có khả năng mặc cả lớn hơn trong việc xử lý các thách thức trong khu vực, trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn.

Ba là, ở tầm quốc tế, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nằm trong mong muốn của ASEAN từ trước đến nay rằng: Càng nhiều quốc gia, nước lớn ở bên ngoài có lợi ích ở khu vực càng nhiều càng tốt. Khi họ càng có nhiều lợi ích sống còn ở đây, khi họ càng có nhu cầu cạnh tranh để cân bằng ảnh hưởng ở đây, sự cạnh tranh đó sẽ tạo lực đẩy, lực kéo để ASEAN ở vị thế tương đối ổn định hơn.

Tuy nhiên, nếu ASEAN muốn tận dụng vị thế của mình trong quan hệ các nước lớn thì không chỉ VN mà các thành viên ASEAN cũng phải có chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, tự mình quyết định chơi với anh nào, chơi như thế nào ở thời điểm nào. Để có thể chơi được như thế thì rõ ràng anh phải thống nhất, đoàn kết, anh phải có sức mạnh nội tại của chính anh. 

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Bùi Thế Giang: Tôi xin chia sẻ câu chuyện cách đây hơn một tháng. Vào đúng ngày tôi hạ cánh sau chuyến đi tiền trạm cho Tổng Bí thư, tôi tiếp một đoàn gần 20 sĩ quan học viên của trường Hoàng gia Anh. Điều lý thú là trong cuộc nói chuyện dài tiếng rưỡi đồng hồ, có đến ba người hỏi tôi về Bác Hồ của chúng ta. Một vị khách hỏi rằng: theo ông, cái gì là di sản lớn nhất ông Hồ Chí Minh để lại mà bây giờ người Việt Nam vẫn giữ gìn và tiếp tục phát huy.

Tôi nói thật: Câu hỏi khó quá bởi di sản Bác Hồ để lại nhiều lắm. Nhưng từ góc độ đối ngoại, tôi nghĩ, từ đây đến Quảng trường Ba Đình không xa, lăng cụ Hồ chúng tôi ở đó, trên nóc lăng có một câu: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Tôi nghĩ cái đó làm nên chúng tôi bây giờ và sẽ tiếp tục làm nên VN nếu chúng tôi muốn phát triển, muốn được là một nước VN được quốc tế tôn trọng và hợp tác.

Tôi xin nói lại, cụ Hồ nhiều thứ lắm nhưng di sản này đặc biệt quan trọng trong một thế giới như hiện nay. Nếu chúng ta không có độc lập tự chủ thì không có chuyến đi của Tổng Bí thư đến Mỹ đâu.

- Xin cảm ơn hai vị khách mời!

  • VietNamNet