- 13h chiều nay, Báo VietNamNet đã truyền hình trực tiếp cuộc trao đổi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với công chúng Việt Nam từ Hà Nội.
>> Ngoại trưởng Mỹ: Không chấp nhận quân sự hóa Biển Đông
VN nên tự hào với những gì đã đạt được
Ngoại trưởng John Kerry: Tôi rất vinh dự được tham gia chương trình hôm nay. Thật là một hành trình thú vị của trường Fulbright và triển vọng của Đại học Fulbright rất lớn lao. Tôi cam kết sẽ hỗ trợ cùng anh bạn tôi Tommy Vallely trong tiến trình thành lập và phát triển Đại học Fulbright Việt Nam.
Tôi cũng rất vui vì hôm nay có dịp trao đổi với các bạn trẻ là thành viên Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Tôi bây giờ là người của chương trình YSEALI rồi (cười). Tôi vừa tham gia một chương trình kéo dài 3 ngày cùng các thành viên YSEALI bàn về khởi nghiệp. Tôi thấy môi trường năng động của các thành viên thật ấn tượng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang giao lưu với sinh viên Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tôi rất phấn khởi được tiếp xúc với các bạn hôm nay. Chúng ta đang sống trong một thời điểm thú vị. Khi tôi còn trẻ, Tổng thống Hoa Kỳ có thể nói chuyện với đất nước thông qua 4 kênh truyền hình. Hiện nay thì không ai có thể đối thoại như thế được bởi có hàng nghìn kênh truyền hình và mọi người có quá nhiều lựa chọn. Đặc biệt, các bạn có rất nhiều cơ hội để tiếp cận thông tin, giao lưu, chia sẻ thông tin không giới hạn thông qua Internet. Internet mang đến cho mọi người cơ hội tuyệt vời để cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp tốt về những vấn đề thời đại như biến đổi khí hậu, hay hàng loạt việc khác mà chúng ta có thể làm được.
Khi tôi đến Việt Nam cách đây 20 năm với tư cách Thượng nghị sĩ, thời đó đa số
người dân VN đi lại bằng xe đạp. Đôi khi họ ngại nói chuyện với người lạ. Bây
giờ các bạn có bao nhiêu lựa chọn.
Tôi mong hôm nay chúng ta sẽ có nhiều cơ hội trao đổi về cuộc sống, về dự án ĐH Fulbright (FUV). Đây là một dự án rất hay bởi nó có quan hệ bền chặt với ĐH Harvard. Tôi hi vọng FUV sẽ đưa giáo dục đại học Việt Nam lên tầm cao mới. Tôi trông đợi các câu hỏi của các bạn, có thể là rất khó nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam
Trước mắt, Đại học Fulbright sẽ bao gồm ba trường thành viên. Trường Chính sách công sẽ cung cấp các chương trình đào tạo sau đại học về chính sách công, luật, quản trị kinh doanh. Chúng tôi sẽ thiết kế thêm các chương trình nữa.
Trường thành viên thứ
hai mà tôi biết các bạn rất quan tâm là trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng.
Chúng tôi sẽ cung cấp các chương trình đào tạo đại học và sau đại học về kĩ
thuật và khoa học ứng dụng như khoa học máy tính, ...
Trường thứ ba mà cá nhân tôi cho rằng rất quan trọng bởi nó là biểu tượng cho
những giá trị giáo dục cốt lõi làm nên tính ưu việt của hệ thống giáo dục đại
học Mỹ, đó là trường Đại học Fulbright (Fulbright College). Chúng tôi không chỉ
muốn giảng dạy về khoa học mà còn có những chương trình về khoa học xã hội và
nhân văn như các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Chúng tôi hi vọng trường FUV sẽ
phản ánh tâm nguyện của nguyên TNS Fulbright khi ông chia sẻ mong muốn chương
trình Fulbright sẽ mang đến kiến thức cho những người tham gia.
|
Bà Đàm Bích Thủy, Ngoại trưởng John Kerry và Đại sứ Mỹ Ted Osius tại cuộc trao đổi. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tự do học thuật là nền tảng của mọi hệ thống giáo dục thành công
Câu hỏi: Tôi đã tốt nghiệp Bate College ở Mỹ. Tôi rất vui mừng vì
ngoại trưởng đã nhắc đến tự do học thuật. Tôi muốn hỏi ngoại trưởng: các bạn sẽ
làm gì để đảm bảo FUV sẽ có một mức độ tự do học thuật như bên Mỹ?
Ngài John Kerry: Tự do học thuật là nguyên tắc cơ bản, nền tảng của mọi hệ
thống giáo dục đại học thành công nào trên thế giới. Đại học Fulbright không thể
thành công nếu không có tự do học thuật bởi FUV không chỉ chuyển giao kiến thức
mà còn giúp sinh viên có những cách tư duy mới, ý tưởng mới. Chúng ta vừa nghe
Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy chia sẻ những môn hay nhất của ĐH Mỹ là khoa học xã
hội nhân văn. Muốn vậy phải có tự do học thuật. Sinh viên phải có quyền tự do
đặt câu hỏi, có quyền lựa chọn cách nhìn khác và quyết định cái gì đúng cái gì
sai.
Câu hỏi: Thanh niên Việt Nam có gì khác với thanh niên Mỹ và các nước khác không? Có giá trị đặc biệt nào của thanh niên Việt Nam không?
Ngài John Kerry:
Thú thực là tôi không biết nhiều về các sinh viên Việt Nam để trả lời một cách
đầy đủ. Chắc Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy có thể trả lời tốt hơn tôi. Nhưng theo
tôi được biết có những giá trị cơ bản của mỗi sinh viên trên thế giới: chẳng hạn
họ muốn có quyền quyết định cuộc đời họ. Khi tôi đối thoại với các bạn, tôi
không thấy có khác biệt lắm mà tập trung những điểm giống nhau như khát khao học
hỏi. Cho dù họ muốn làm một thiết kế mới hay một sản phẩm mới. Tôi không thấy
khác biệt lắm.
Bà Đàm Bích Thủy: Tôi xin trả lời với tư cách một sinh viên đi học bên Mỹ
từ khi còn rất ít bạn Việt Nam sang Mỹ học (Năm 1993, bà Thủy sang Mỹ học MBA
tại Wharton, Đại học Pensylvania, trường hàng đầu thế giới về quản trị kinh
doanh). Mặc dù các bạn trẻ ham muốn kiến thức mới nhưng đừng quên những giá trị
căn bản làm nên năng lực cạnh tranh của người Việt Nam. Đó là khát khao tri thức
mới, là khả năng chịu đựng, sự bao dung, tôn trọng lẫn nhau. Nhờ vậy, rất nhiều
công ty, tổ chức quốc tế muốn tuyển dụng người VN làm việc. Hãy tin tôi đi.
Người Việt Nam cũng có tính trung thành nữa trong khi trên thế giới, nhiều người
hay nhảy việc. Trung thành là giá trị cơ bản mà tôi tin người Việt Nam cần gìn
giữ và tôi tin các bạn sẽ được thế giới tôn trọng vì điều đó.
TPP sẽ hoàn tất cuối năm nay
Câu hỏi: Tôi
xin gửi lời chào mừng Ngoại trưởng từ TP.HCM. Tôi xin hỏi về Hiệp định Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến giờ vẫn chưa hoàn tất?
Ngài John Kerry: Tôi tin rằng dù có khó khăn nhưng thế nào thì TPP sẽ
thành công. Nhưng có điều khoản liên quan đến quyền lao động cần được giải quyết.
Tôi vừa trao đổi với Chủ tịch nước và ông ấy nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ
tiếp tục làm việc với Mỹ để cải thiện vấn đề này.
Đàm phán thương mại nào cũng khó khăn như thế nhưng tôi tin chúng ta sẽ hoàn tất
nó vào cuối năm nay. Tôi nói thật đàm phán cực khó vì tôi có kinh nghiệm đàm
phán với Iran. Có 6 nước tham gia, mỗi nước có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng
chúng tôi cũng phải tìm tiếng nói chung.
Lý do vì sao TPP quan trọng đối với VN? Trước hết, đối với thế giới hiện nay,
chính sách phát triển kinh tế bền vững có ý nghĩa hệ trọng. Vấn đề không phải là
tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng bằng cách nào? Làm sao vẫn đảm bảo môi
trường lành mạnh. Vừa rồi Tổng thống Mỹ cũng đưa ra một loạt chính sách đảm bảo
năng lượng sạch. TPP sẽ nâng những tiêu chuẩn về môi trường, điều kiện về lao
động để đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường tốt. Thứ hai, TPP
sẽ bao phủ lên một khu vực rộng lớn ở cả hai bờ Thái Bình Dương. TPP sẽ nâng
tiêu chuẩn làm ăn chung để chúng ta có một khối thịnh vượng chung, đảm bảo những
gì chúng ta đang làm là bền vững, tạo ra một vòng tròn phát triển mà tất cả đều
được hưởng lợi.
|
Ngoại trưởng John Kerry bắt tay Tổng biên tập Báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn. Ông cảm ơn VietNamNet đã hỗ trợ để truyền hình trưc tiếp cuộc trò chuyện tới đông đảo công chúng Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Sự khác biệt của Đại học Fulbright Việt Nam
Câu hỏi từ Facebook:
Chúng ta có hàng trăm câu hỏi của công chúng thông qua Facebook. Trường
ĐH Fubright sẽ khác biệt như thế nào?
Bà Đàm Bích Thủy: Tôi xin nhắc lại câu nói của người bạn, người thầy của tôi,
ông Thomas Vallely rằng: FUV được thành lập để VN có thể so sánh mình với các
thể chế khác trên thế giới. Chúng tôi muốn tránh sai lầm là Việt Nam chỉ so sánh
với Việt Nam, với bản thân mình.
Đại học Fulbright VN sẽ vận hành trên những nguyên tắc căn bản như ngoại trưởng
Mỹ vừa nhấn mạnh: đây là trường đại học phi lợi nhuận dựa trên tính trung thực,
có trách nhiệm giải trình và minh bạch. Các giáo sư sẽ trao đổi với sinh viên,
học hỏi cùng sinh viên chứ không phải áp đặt với sinh viên.
Đại học Fulbright sẽ không phải là đại học chỉ dành cho người có tiền. Tiêu
chuẩn quan trọng nhất cho sinh viên là bạn phải ham muốn học tập, có cam kết học
tập nghiêm túc. Có rất nhiều bạn từng xin học bên Mỹ hiểu rõ điều này. Theo quan
điểm cá nhân tôi, chúng ta sẽ xây dựng một đai học sẽ có sự tham gia của nhiều
thành phần khác nhau.
Ngài John Kerry: Vừa rồi tôi đã bàn với Chủ tịch nước về khả năng để Đại
học Fulbright cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Câu hỏi:
Các bạn có đào tạo bác sĩ, y tá không? Vì Việt Nam có những bác sĩ tuyệt
vời nhưng có nhiều điểm chưa khớp với hệ thống Mỹ?
Ngài John Kerry: Tôi tin những người học ĐH Fulbright muốn trở thành bác
sĩ họ sẽ trở thành bác sĩ giỏi.
Bà Đàm Bích Thủy: Khi nào Đại học Fulbright có thể bắt đầu chương trình
đào tạo trong ngành y? Như bạn đã nói, các bác sĩ VN tương đối tốt, khả năng
thực hành cao. Tôi cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay là chính sách y tế. Nên
chúng tôi sẽ đào tạo ngành chính sách y tế. Đó là bước đầu tiên và sau này trong
tương lai, chúng tôi có kế hoạch hợp tác với một trong những trường y tế hàng
đầu nước Mỹ.
Anh bạn Tommy Vallely
thường than phiền rằng chúng tôi quá thận trọng nhưng chúng tôi muốn đảm bảo đủ
nguồn vốn tài chính và con người trước khi thành lập trường y.
Ngài John Kerry: Tôi đinh ninh rằng bất kỳ bạn sinh viên nào tốt nghiệp
Đại học Fulbright sẽ có đầy đủ khả năng để theo học lên cao ở Mỹ.
Câu hỏi: Đôi khi sinh viên VN học tương đối thụ động. Ngài nghĩ sao về hạn chế này? Liệu Đại học Fulbright có thay đổi được điều này không?
Ở VN, nói về chuyên học thụ động thì đây không chỉ là vấn đề ở riêng VN. Không ít nước SV bị yêu cầu học hỏi như con vẹt, nhồi nhét kiến thức. Khi tôi đi học ở Mỹ, thú thật tôi chưa biết suy nghĩ thực sự độc lập cho đến khi tôi học luật. Bởi môi trường học luật rất năng động, đa chiều.
Theo tôi hiểu, ĐH Fulbright sẽ bắt đầu ưu tiên rèn
luyện kĩ năng tư duy phản biện và các giảng viên sẽ không áp đặt lên sinh viên.
Ý kiến của mỗi người sẽ được thử thách thông qua đối thoại, tranh luận. Có thể
một số người sẽ có ý kiến khác nhau, nhưng đó là điều bình thường.
Tôi nghĩ rằng VN đã đạt được những tiến bộ tuyệt vời trong hai mươi năm lại đây.
Các bạn nên tự hào về những thành tựu đó và tôi tin trong hai mươi năm nữa còn
có những kỳ tích lớn lao hơn nữa.
Như bà hiệu trưởng Thủy đã nói: VN phải so sánh VN với thế giới và điều đó sẽ mở
ra nhiều cơ hội cho các bạn.
Bà Đàm Bích Thủy: Theo ý kiến của cá nhân tôi, mô hình giáo dục đại học Mỹ đem đến cho chúng ta sự
dũng cảm trí thức. Thế nào là sự dũng cảm tri thức? Trước hết, đó là chúng ta chấp nhận không có câu trả lời đúng hay sai mà chỉ có câu
trả lời khác nhau thôi. Nếu các bạn tin vào quyết định của mình thì đó là quyết
định đúng. Chúng tôi sẽ không nói đó là quyết định đúng hay sai, tất nhiên là
trừ môn toán vì toán có đúng sai.
Ấn tượng với tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt
Ngài John Kerry:
Tất nhiên chúng ta không thể làm được điều đó trong một sớm một chiều nhưng về
lâu dài FUV sẽ làm được điều đó. Hiện nay, trên thế giới đang có hàng tỷ USD tìm
đến những gì mà VN đã có như tính bao dung, tôn trọng lẫn nhau. Người Việt có
tính kỷ luật và sẵn sàng làm việc tích cực, kiên nhẫn để đạt được mục đích của
mình. Tôi tin đó là nhân tố cốt lõi khi thành lập doanh nghiệp.
Việt Nam cũng có nhiều người thông minh. Cho nên những khoản đầu tư đó sẽ tìm
đến VN như hiện nay đang diễn ra. Tôi tin VN đã có sẵn nền tảng để thành công.
Sau khi nhiều thanh niên VN được đào tạo tốt, sẽ có sự kết nối giữa các khoản
đầu tư và các ý tưởng mới của các bạn.
Có một điều ngẫu nhiên là FUV đang được xây dựng sẽ là bàn đạp rất quan trọng để
thành lập những thể chế tương tự trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức: chính sách của chính phủ, cơ sở hạ tầng,
ý tưởng tốt. Tôi nghĩ VN hội tụ đầy đủ những yếu tố này và tôi rất lạc quan về
tương lai của VN.
- VietNamNet