MẠNG XÃ HỘI THAM GIA TRUYỀN HÌNH: PHƯƠNG THỨC MỚI HAY LUẬT CHƠI MỚI?

Mạng xã hội tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình sẽ tạo ra một cuộc chơi mới, người dân chắc chắn có thêm sự lựa chọn thế nhưng điều này có thực sự là miễn phí,  toàn một màu hồng... hai vị khách mời của Bàn tròn trực tuyến là ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, (Bộ Thông tin và Truyền thông) và ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề này, đặc biệt là trước thông tin Facebook sẽ phát giải ngoại hạng Anh ở Việt Nam. 

Mời quý vị xem video phần 2 của cuộc trao đổi:

Qúy vị cũng xem lại phần 1 tại đây

MC Mỹ Hạnh: Ông Lê Đình Cường, ông đánh giá như thế nào nếu như Facebook phát trực tiếp giải bóng đá ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Bởi được biết, ông chính là đại diện cho đơn vị vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc này?

Ông Lê Đình Cường: Như tôi nói ban đầu và cũng như ý anh Thanh Lâm nói, đó là cả một vấn đề mà chúng ta trải qua khá nhiều. Có thể nói đối với giải ngoại hạng Anh, chúng ta trải qua 10 năm, tức 3 kỳ, theo mỗi 1 kỳ là 3 mùa liên tục từ 2008 đến nay.

Chúng ta thấy rằng, mỗi một năm, một kỳ nó khác đi nhiều và đến bây giờ nó sang hẳn một lĩnh vực khác, tức không chỉ những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình mà những nhà cung cấp về viễn thông , thậm chí mạng xã hội họ cũng đứng ra để làm việc này.

Đối với Hiệp hội, như tôi nói ban đầu là gửi kiến nghị của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam thông qua Hiệp hội để gửi cơ quan quản lý nhà nước là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) để xem lại tất cả những định chế về pháp luật của Việt Nam. Cụ thể, nếu như Facebook chưa đủ điều kiện để phát sóng ngay mùa giải 2019 – 2020 và ở Việt Nam thì Cục và đề nghị với Bộ phải có hướng dẫn để Facebook hợp tác trên cơ sở thỏa thuận. Làm thế nào để kết hợp hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp và bên khai thác dịch vụ.

Thực ra chúng ta khai thác dịch vụ để cung cấp đến người tiêu dùng thì việc đó chắc chăn các nhà cũng cấp từ nước ngoài kể cả MP & Silva  trước và đến Facebook chẳng hạn, nhất định họ phải tính toán.

Ông Nguyễn Thanh Lâm và ông Lê Đình Cường
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam

MC Mỹ Hạnh: Nếu chiểu theo những quy định hiện hành thì liệu trong thời gian tới đây Facebook có đáp ứng các điều kiện để họ thực hiện việc phát sóng giải ngoại hạng Anh này tại Việt Nam nếu như họ có bản quyền, thưa ông Nguyễn Thanh Lâm?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Về phía cạnh pháp lý phải nói một cách chính xác là xét trên góc độ pháp lý thì Facebook chưa đáp ứng đủ bất cứ một điều kiện gì, để cung cấp bất cứ một dịch vụ gì ở Việt Nam.

Chúng ta đã biết sự hình thành, phát triển Facebook và cách họ thâm nhập vào nhiều quốc gia trên toàn thế giới có nhiều mặt tiện ích và vì thế nên họ thành công, phát triển như bây giờ.

Chúng ta không phủ nhận cái đó. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên và phát triển thì Facebook đối mặt với rất nhiều sức ép lớn từ rất nhiều quốc gia. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt vấn đề là phải quản lý các nền tảng xuyên biên giới là mạng xã hội như Google, Youtube, Facebook…Liên minh Châu Âu đang làm việc đó rất là mạnh.

Liên minh Châu Âu tới đây còn thông qua những luật cho phép làm chặt chẽ hơn việc đánh thuế. Thứ hai, họ đề nghị nền tảng xuyên biên giới phải phối hợp để gỡ bỏ những nội dung gây nguy hiểm cho cộng đồng với những án phạt, mức phạt khổng lồ.

Và tới đây còn có cả những quy định pháp luật đề nghị những nền tảng đó phải nghiên cứu một cơ chế để chia sẻ lại lợi ích mà họ thu được cho những cơ quan báo chí chính thống có nội dung được chia sẻ trên những hạ tầng đó nhưng từ trước đến giờ không thu được lợi ích gì. Sự mất cân đối đó dẫn đến việc là một ông từ xưa đến nay không hề làm nghề truyền thông, tức không sản xuất ra tin tức thì lại đang thu lợi rất lớn từ quảng cáo. Còn ông sản xuất ra nội dung, phục vụ khán giả, độc giả từ hàng trăm năm nay thì đứng trước việc không còn nguồn lực để sống nữa.

Những việc mà thế giới, những nước mà họ đã nhìn ra vấn đề từ trước chúng ta,  họ đã đi trước và có một  cơ chế để làm. Việc Việt Nam phải tính để quản lý những mạng xã hội này hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam là chuyện bình thường.

Rất may, tới đây chúng ta sẽ có thêm những cơ sở pháp lý, những tiền đề để tin tưởng các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi hoạt động các quốc gia dần dần cũng sẽ phải tuân theo pháp luật của nước sở tại.

Đối với câu chuyện Facebook có thể cung cấp một dịch vụ gì đó thì tôi thấy thế này,  trước hết chúng ta cần bình tĩnh. Vì Facebook chưa nói cái gì, còn chúng ta nói quá nhiều, bao nhiêu tờ báo cứ nói quá nhiều, bản thân chúng ta ngồi đây cũng đang nói về việc đó. Nó rất vô lý bởi chúng ta cứ làm như đó là việc gì đó khủng khiếp bởi chúng ta còn chưa biết họ định làm gì với cái đó? Họ chưa hề thông báo là họ định khai thác bản quyền giải ngoại hạng Anh như thế nào? Họ chưa hề nói là họ có chia sẻ cho các đài truyền hình không như là họ đã có thể đã bàn và có thể sẽ làm ở bên Thái Lan vì họ mua bản quyền tại Thái Lan và chia lại cho các hệ thống truyền hình bên Thái Lan chẳng hạn.

Chúng ta hãy chờ thông tin chính thức từ phía họ. Chúng tôi đang làm việc để đề nghị họ, yêu cầu họ phải sớm có thông tin.

Với người hâm mộ bóng đá, đặc biệt là giải ngoại hạng Anh thì chắc chắn, nếu có thêm một đơn vị lớn, với tiềm lực lớn, có bản quyền cung cấp nội dung thì người hâm mộ không phải lo lắng nhiều vì chắc chắn là có thêm  một phương thức để tiếp cận với một chương trình mà họ yêu thích từ trước đến nay. Chắc là khả năng sức ép lên kinh tế của người hâm mộ hay khán giả ở một cái cách nào  đó mà những người cung cấp dịch vụ phải tính để người dân Việt Nam có thể chịu được.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn làm rõ một điểm thế này, chúng ta hay có thói quen nói rằng miễn phí hay trả tiền. Trả tiền thì chúng ta biết rồi nhưng cái chúng ta nhiều khi chưa biết là có những thứ nhiều khi là miễn phí chưa hẳn nó là miễn phí. Bởi vì rõ ràng để có Facebook chúng ta phải có internet, phải có điện thoại 3G, 4G,  phải có những băng thông rộng ở nhà.

Thế thì không phải người dân Việt Nam nào, gia đình nào cũng có điều kiện như vậy và cũng chưa ai chứng minh được rằng trải nghiệm xem một trận bóng đá từ đầu đến cuối trên một smartphone hoặc trên một  Ipad hoặc trên một cái gì đó nó sẽ tốt hơn. Từ xưa đến nay chúng ta ngồi nhà xem màn hình lớn, nghe bình luận viên có chất lượng, ví dụ thế chẳng hạn.

Có rất nhiều việc mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần bình tĩnh. Nó không phải là việc gây xáo trộn,  gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và các cơ quan quản lý thì phải có trách nhiệm làm việc dự định cung cấp dịch vụ để đảm bảo rằng nếu  đơn vị nào có cung cấp thì phải tuân theo một số quy định của pháp luật Việt Nam. Nói nôm na, ông không được giết chết thị trường đang có ở đây..

MC Mỹ Hạnh: Vậy chúng ta có thể tin vào cái gì là giá trị thực sự mà lại được cho không, thưa hai vị khách mời?

MC Mỹ Hạnh trò chuyện cùng hai khách mời.
MC Mỹ Hạnh trò chuyện cùng hai khách mời trong chương trình.

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thứ nhất, không có cái gì là cho không, không có cái gì là miễn phí. Như tôi đã nói, khi sử dụng các dịch vụ trên internet, chúng ta đều phải trả tối thiểu là băng thông internet. Cái đó cho dù các nhà mạng viễn thông Việt Nam cạnh tranh nhau, chạy đua nhau để cung cấp dịch vụ tốt với giá rẻ thì cuối cùng vẫn có một cái giá nào đó. Và rồi mọi người cứ để ý xem, hóa đơn điện thoại hàng tháng bây giờ là một trong những khoản chi tiêu. Có những người còn hơn cước điện thoại cao hơn cả hóa đơn điện, nước của gia đình. Tức là nó là nhu cầu thiết yếu nên cuối cùng chúng ta đều trả một cái gì đó.

Khi chúng ta xem miễn phí chúng ta phải xem quảng cáo. Cuối cùng ta là người tiêu dùng, đi mua hàng ta vẫn trả vào giá cho quảng cáo đó. Không có cái gì miễn phí ở đây cả

MC Mỹ Hạnh: Những phân tích mà ông Nguyễn Thanh Lâm vừa đưa ra thì ông Lê Đình Cường có bổ sung gì không ạ?

Ông Lê Đình Cường: Tôi thấy thế là hoàn toàn đúng.

MC Mỹ Hạnh: Nếu như chỉ kinh doanh đơn thuần tư việc cung ứng dịch vụ, thu lại tiền quảng cáo truyền thông thì thực tế cũng cho thấy riêng với việc mua, phát giải ngoại hạng Anh với giá hiện nay thì rất khó có lãi ở thị trường Việt Nam. Đằng sau việc cung cấp miễn phí này là gì, thưa ông Nguyễn Thanh Lâm?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Cái này tôi không nói thay được cho các đài truyền hình vì các đài truyền hình, các công ty truyền hình trả tiền sẽ là người nắm được số liệu và nói cụ thể, tôi chỉ là người quan sát. Có một chút thông tin về lĩnh vực này, tôi xin chia sẻ.

Thứ nhất, bài toán kinh doanh của một đơn vị cung cấp dịch vụ nó không nhất thiết lúc nào cũng tính toán lỗ lãi trong từng sự kiện cụ thể. Bởi trên cùng sự kiện, thu không đủ bù chi nhưng trên tổng thể kinh doanh thì có nhiều nguồn thu. Việc giữ được khách hàng, giữ được thuê bao mới là giá trị lâu dài. Chứ không phải là lỗ lãi trong thương vụ.

Thứ hai, nếu các nhà đài, các hệ thống truyền hình đã nhìn được dài như vậy thì chắc chắn một điều là những công ty mà bây giờ họ đang là siêu cường như các mạng xã hội chúng ta vừa nêu thì họ còn nhìn dài hơn. Họ không chỉ là thu tiền trước mắt. Bây giờ chúng ta không nên nói là bản quyền giá cao, giá thấp, vì đó là căn cứ vào túi tiền. Đối với họ, có khi đó không phải là giá cao  cho nên bài toán của họ chưa chắc đã là bài toán thu lại ngay mà là bài toán rất dài.

'Nguy hiểm' về mặt kinh doanh đối với các đơn vị trong nước là ở chỗ, các đơn vị trong nước, ví dụ cụ thể của nước ta không bao giờ có đủ nguồn lực để cạnh tranh với những công ty xuyên biên giới mà với thực lực như các mạng xã hội đó cả. 

Ngày xưa thì có mỗi truyền hình để xem. Bây giờ có nhiều cái khác để xem. Rất nhiều thanh niên, đặc biệt là giới trẻ xem điện thoại di động nhiều hơn xem truyền hình. Sự chuyển dịch thói quen của một bộ phận dân cư mà ngày càng đông như vậy mới là điều đáng sợ nhất đối với hệ thống truyền hình. Bởi các hệ thống đó được sinh ra với một mục tiêu, mục đích nhất định. Không phải nhất thiết lúc đầu là mục tiêu kinh tế, đặc biệt ở nước ta, có các hệ thống cơ quan báo chí trong đó cả truyền hình nhằm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác mà Đảng và Nhà nước yêu cầu, bên cạnh đó đáp ứng các nhu cầu về thông tin về giải trí của người dân.

Với sự chuyển dịch thói quen của người xem sang các nền tảng mới thì các đài truyền hình, cơ quan báo chí chính thống nói chung đứng trước áp lực phải định vị lại vai trò của mình. Vai trò được giao của mình  là rõ rồi nhưng thực sự xã hội sau này sẽ đối xử với mình như thế nào, cần đến mình ở mức độ nào và thực sự mình không còn kiểm soát được toàn bộ vấn đề đó và  sau đây mình sẽ đi tiếp thế nào, đâu là lý do tồn tại thực sự của mình.

MC Mỹ Hạnh: Nếu như Facebook nói rằng, nhờ vào số người đang sử dụng dịch vụ của họ lớn, nhờ họ có cách thức tiết kiệm được những chi phí trung gian hay chi phí khác mà họ có thể đảm đương được việc cung cấp giải ngoại hãng Anh miễn phí đến người xem thì sao, thưa các vị khách mời?

Ông Nguyễn Thanh Lâm
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử ( Bộ Thông tin và Truyền thông)

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Cá nhân tôi không muốn nói quá nhiều về câu chuyện Facebook sở hữu bản quyền thể thao chừng nào Facebook chưa lên tiếng chính thức, nói rõ về vấn đề đấy đối với thị trường Việt Nam. Chúng ta đang nói quá nhiều, chúng ta đang quảng cáo không công và biến việc này lớn hơn là nó cần quan tâm. 

Báo VietNamNet có thể đăng hoặc sử dụng theo những góc độ khác nhau là quyền của báo VietNamNet. Nhưng nếu nói đến tận cùng vấn đề, vì chúng ta đang quá quan tâm đến động thái của mạng xã hội nên chúng ta nghĩ mạng xã hội là những thứ của tương lai, họ đến đây rồi  sẽ ở lại mãi mãi. Ngày mai họ sẽ mua bản quyền ngoại hạng Anh, ngày kia  sẽ mua cái này, cái khác. Tóm lại là họ sẽ mua tất và nó sẽ thành cái gì đó mới.

Thực ra, câu chuyện nhiều khi lại đơn giản hơn chúng ta tưởng và không đến nỗi theo kịch bản mà chúng ta đang hình dung vì mọi thứ bây giờ đang diễn biến rất nhanh với công nghệ, với thói quen của người tiêu dùng. Cho nên, đây có thể là một phép thử mới của một công ty có điều kiện đang muốn làm dịch vụ truyền hình. 

Ở góc độ thứ nhất công ty ấy không phải duy nhất trên thế giới. Công ty ấy có thể chỉ to so với các công ty Việt Nam thôi, chứ còn trên thế giới có rất nhiều công ty to khác, những tập đoàn, những thế lực khác đang sở hữu kho nội dung rất lớn mà tôi đồ họ không có nhu cầu chia sẻ với mạng xã hội mà họ sẽ tự làm.

Họ cũng sẽ tự làm cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung qua internet đến người tiêu dùng. Cho nên phương thức này, xu thế này chỉ càng làm cho cuộc đua để sở hữu nội dung khốc liệt hơn. Trong đó, đầu tiên có một điều tốt là những người làm ra giá trị nội dung đích thực và có giá trị sẽ sống tốt. Bởi bất kể hạ tầng nào, bất kể phương thức nào họ cũng cần xem nội dung tốt. Thế nên đó là một góc độ tốt.

Ở góc độ thứ hai là các phương thức sẽ được đưa ra, sẽ được kiểm chứng trong thực tế. Đúng sai thế nào chưa bàn. Thị trường có những câu trả lời mà nhiều khi mình không biết được. Mình chỉ biết một điều là với tư cách một người tiêu dùng thì mình được phục vụ ngày càng tốt hơn bằng cách này hay cách khác. Vấn đề của chúng ta một là lựa chọn, hai là biết giới hạn và mặt hạn chế của các phương thức.

MC Mỹ Hạnh: Thưa ông Nguyễn Thanh Lâm, là đại diện cho cơ quan quản lý được Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách công tác quản lý nhà nước về vấn đề bản quyền, xin ông cho biết Cục Phát thanh Truyền hình đã và sẽ làm gì để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, đơn vị truyền thông và nhà nước trong vấn đề bản quyền trong điều kiện hiện tại cũng như trong tương lai khi trật tự cũ trong lĩnh vực này có thể thay đổi?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Ngắn gọn là thế này, đã là nhiệm vụ của Thủ tướng chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông lại giao cho chúng tôi, nói riêng với vấn đề bản quyền thể thao, chúng tôi đã làm được một số việc.

Chúng tôi đã có những trao đổi và đạt thống nhất với các Đài truyền hình, với công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với các doanh nghiệp lớn, với các nhà mạng viễn thông lớn để đảm bảo một số yếu tố. Trong mọi trường hợp, từ giờ trở đi sẽ không có sự xáo trộn đáng tiếc nào đối với những việc đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân khi xem những sự kiện thể thao có giá trị lớn bằng phương thức này hay phương thức khác. Tất nhiên là bằng phương thức có bản quyền, tôn trọng bản quyền vì chỉ như thế chúng ta mới đảm bảo được chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Thế còn cách giải bài toán đó, có cái chúng ta công khai, có cái chúng ta tôn trọng bí mật và quyền đàm phán của các doanh nghiệp, kể cả tôn trọng bí mật trong sự điều tiết của nhà nước bởi ở đây chúng ta phải giải nhiều bài toán lắm!

Các đài truyền hình là cơ quan nhà nước tiêu tiền nhà nước. Không thể vì sự phục vụ vô điều kiện nào đó mà chúng ta không làm tốt việc thương thảo, để những câu chuyện chúng ta đang bàn ở đây bị ai đó lợi dụng, đẩy chúng ta vào thế khó khăn. Chúng ta không bao giờ để điều đó xảy ra.

Thế còn về nguồn lực, xã hội sẽ tham gia vào việc tìm kiếm và tạo ra nguồn lực để có những sản phẩm có giá trị phục vụ lại xã hội. Trong xã hội tôi muốn nói đến cả người dân, cả những doanh nghiệp lớn, đến những đơn vị cảm thấy mình có điều kiện thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc tham gia cung ứng sản phẩm đó đến người dân và bản chất cũng là những khách hàng của họ.

MC Mỹ Hạnh: Ông Lê Đình Cường có ý kiến gì khác?

Ông Lê Đình Cường
Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam

Ông Lê Đình Cường: Tôi nghĩ tất cả những vấn đề anh Thanh Lâm nói rất đầy đủ về một định hướng để mình tiếp cận với một xu thế phát triển của dịch vụ truyền hình.

Cho nên tôi nghĩ các doanh nghiệp đứng về phía góc cạnh doanh nghiệp không phải mọi thứ cứ lỗ là không làm. Chúng ta lấy bài học từ khai thác bản quyền giải ngoại hạng Anh năm 2008 đến này. Chúng ta cứ một mùa lại tăng lên một cái khó khăn.

Nhưng tại sao doanh nghiệp mình vẫn tiếp cận suốt từ mùa giải 2008 đến nay, chúng ta vẫn tiếp cận được khá đầy đủ. Tôi nói ngày xưa cách đây độ khoảng 6 năm, gần như cả Việt Nam, các doanh nghiệp đều mua được giải ngoại hạng Anh tương đối đồng đều. Đến 3 mùa giải gần đây từ năm 2016, chủ yếu là K+ với VTV Cap. Còn những doanh nghiệp lớn như SCTV cũng chỉ mua được một bộ phận của giải.

Thế nên ý anh Thanh Lâm nói quản lý nhà nước hướng đến việc không để cho doanh nghiệp và các công ty viễn thông xuyên quốc gia vào Việt Nam. Họ làm ảnh hưởng đến truyền thống của chúng ta và quyền lợi của người tiêu dùng và đặc biệt là lợi ích phát triển của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình.Tôi cho đó là một định hướng cơ bản rồi.

Tất cả cách quản lý của Nhà nước đến điều hành của Chính phủ thông qua cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông để định hướng cùng với các nhà cung cấp dịch vụ. Ví dụ như cả đài truyền hình Việt Nam, World cup,  Đài tiếng nói Việt Nam về Asias...Tôi nghĩ tất cả những cái đó là định hướng cơ bản. Chúng ta phải bình tĩnh trong mọi việc. 

Thưa quý vị và các bạn

Bàn tròn trực tuyến đã diễn ra được hơn một giờ đồng hồ, các vị khách mời đã chia sẻ thẳng thắn nhiều ý kiến quan trọng nhất về vấn đề mua bán, phát sóng bản quyền các giải đấu thể thao, sự kiện giải trí lớn. Chúng tôi hy vọng qua các ý kiến đó, quý vị và các bạn đã có được những thông tin cơ bản nhất về vấn đề quan trọng này.

Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình. Xin chào quý vị và hẹn gặp lại!

VietNamNet

Thực hiện: Hữu Khôi - H. Thúy

Video: Bạt Tuấn - Xuân Quý - Đức Yên - Huy Phúc

Ảnh: Lê Anh Dũng

Bản quyền giải đấu lớn: Sẽ phục vụ bằng phương thức mới

Bản quyền giải đấu lớn: Sẽ phục vụ bằng phương thức mới

Sắp tới đây, khi trật tự cũ trong lĩnh vực mua bản quyền, phát sóng các giải thể thao, sự kiện giải trí lớn... sẽ thay đổi và người dân chắc cũng sẽ phải tiếp cận dịch vụ này bằng những phương thức mới...

Facebook lấn sân truyền hình, vung tiền mua bản quyền thể thao toàn cầu

Facebook lấn sân truyền hình, vung tiền mua bản quyền thể thao toàn cầu

Sẵn sàng chi tới hàng tỷ USD để mua về bản quyền phát sóng trực tiếp các giải đấu thể thao đỉnh cao trên nền tảng của mình, có thể thấy Facebook đang muốn lấn sân truyền hình.

Facebook đang đối mặt vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan

Facebook đang đối mặt vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan

Không chỉ giới hạn ở vấn đề vi phạm bản quyền các cơ quan truyền thông, Facebook lâu nay vẫn là nơi chứa rất nhiều thông tin vi phạm bản quyền được “che chắn” bởi cái “mác”: người dùng chia sẻ.

EU yêu cầu Facebook, Google trả tiền bản quyền

EU yêu cầu Facebook, Google trả tiền bản quyền

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu để buộc Google, Facebook và các công ty công nghệ khác phải trả tiền bản quyền cho các cơ quan truyền thông châu Âu, các nhà xuất bản và những người sáng tạo ra nội dung khác.

Bộ TT&TT đã xử đúng hướng các website vi phạm bản quyền ASIAD 2018

Bộ TT&TT đã xử đúng hướng các website vi phạm bản quyền ASIAD 2018

Hàng trăm website, trang Facebook cá nhân và ứng dụng OTT đã vi phạm bản quyền ASIAD 2018 ngay sau khi VOV/VTC nắm giữ bản quyền phát sóng truyền hình thể thao giải đấu này.