Tin vào quảng cáo, nhiều người dân nhất là phụ nữ nội trợ và người già sẵn sàng tìm mua, chi trả hàng triệu đồng để lắp đặt loại máy lọc nước của Kangaroo được quảng cáo là có khả năng ngăn ngừa mỡ máu. Thậm chí Kangaroo còn đưa ra bản ‘Thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo” do Giám đốc bệnh viện Tim xác nhận. Vậy đâu là sự thật ?

Rầm rộ quảng cáo nhờ sự “bảo kê” của Giám đốc Bệnh viện Tim

Theo tìm hiểu được biết mọi sự bắt đầu từ cái gọi là “Thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo” mà người ký thông báo kết quả này là Giám đốc Bệnh viện Tim, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, gọi là “Kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học” giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và Tập đoàn Kangaroo.

{keywords}

Thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo do Bệnh viện Tim Hà Nội xác nhận và khuyên khách hàng sử dụng đang "reo rắc" niềm hy vọng đánh lùi bệnh tật cho khách hàng

Việc nghiên cứu được tiến hành trên các đối tượng là bệnh nhân có rối loạn mỡ máu đang điều trị theo đơn của Bệnh viện Tim Hà Nội với phương pháp tiến cứu, mô tả, theo dõi dọc. Bệnh viện Tim kết luận máy lọc nước RO thế hệ mới của Kangaroo có khả năng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa rối loạn mỡ máu.Bệnh nhân tiếp tục được giữ nguyên liều thuốc mỡ máu và lắp máy lọc nước tại gia đình.

{keywords}

Kangaroo rầm rộ "chạy" quảng cáo trên các tuyến đường lớn. (Ảnh chụp ngày 21/10 trên đường Trường Chinh)

Ngay sau khi có bản thông báo của BV Tim Hà Nội, Tập đoàn Kangaroo đã rầm rộ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, không những thế trên website của tập đoàn cũng trưng bản thông báo của Bệnh viện Tim Hà Nội. Dọc các tuyến phố lớn, không khó để nhận thấy những tấm pano cỡ lớn của Kangaroo nổi bật trên các tòa nhà cao tầng, với lời giới thiệu rất hấp dẫn máy lọc nước KG 110 Omega có thể ngăn ngừa mỡ máu.

{keywords}

Ngay tại ngã 7 Ô chợ Dừa, Kangaroo tận dụng vị trí đắc địa để quảng cáo cho sản phẩm máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu của mình

Đã có rất nhiều khách hàng tìm đến Kangaroo như một sự “cứu cánh” mong đánh lùi bệnh tật, tuy nhiên cũng không ít thông tin chỉ trích về sự thiếu trung thực trong việc quảng cáo chất lượng thực của máy lọc nước của tập đoàn này.

Trước sự việc trên, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam khẳng định với báo chí: Quảng cáo về máy lọc nước Kangaroo có tác dụng “ngăn ngừa mỡ máu” là chuyện hoang tưởng, gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống nước OPR Omega (nước lọc) mà làm giảm huyết áp, mỡ máu. GS Việt cũng cho rằng, nghiên cứu của BV Tim Hà Nội chỉ thực hiện với 20 bệnh nhân, tỉ lệ giảm chỉ từ 0,91% đến 0,96% (dưới 1%) thì hoàn toàn không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. “Thông tin BV Tim Hà Nội đưa ra không đúng sự thật, thổi phồng và gây hiểu nhầm cho người dân. BV đưa kết quả ấy cho nhà sản xuất, để họ quảng cáo rầm rộ là vô trách nhiệm với người bệnh”.

{keywords}

Ảnh chụp trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân - Kangaroo và bệnh viện Tim Hà Nội vô trách nhiệm với khách hàng khi quảng cáo sai sự thật

Cũng theo GS Việt, nguyên nhân dẫn đến rối loạn lipid máu (mỡ máu) là do chế độ ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực, uống nhiều rượu và do một số bệnh lý khác. Bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nếu bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý thì bệnh cũng giảm.

Máy lọc nước Kangaroo có thể giảm mỡ máu nhưng ở hàm lượng quá thấp(dưới 1%), theo GS.TS Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch hội tim mạch Việt Nam, nguyên viện trưởng viện Tim mạch cho rằng, con số này không có ý nghĩa thực tiễn cũng như khoa học. Việc quảng cáo nói quá sự thật có thể gây lầm tưởng cho người dân.

Các chuyên gia tim mạch cho rằng, công trình nghiên cứu của BV Tim Hà Nội sơ sài, không có cơ sở khoa học, khiến bệnh nhân hiểu lầm, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, nhiều người đề nghị Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo BV Tim Hà Nội thu hồi thông báo trên.

“Ma trận” quảng cáo Kangaroo cần chấm dứt

Ngay khi thông tin Kangaroo quảng cáo sai sự thật bắt đầu khiến người dân nghi ngại, thì đồng thời tất cả thông tin, bài viết về máy lọc nước KG110 trên các website đều “biến mất”. Điều này cho thấy phải chăng Kangaroo đang rơi vào “khủng hoảng” và chưa có câu trả lời thỏa đáng đến những khách hàng đã và đang sử dụng máy lọc nước KG110.

Trao đổi với báo chí trước đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: "Qua những vụ tư vấn giải quyết khiếu nại chúng tôi thấy nhiều người tiêu dùng rất cả tin vào những thông tin quảng cáo không trung thực nên đã phải gánh chịu hậu quả, nhiều khi rất nặng nề", ông Hùng nhấn mạnh.

Hành vi quảng cáo sai sự thật không chỉ là cạnh tranh thiếu lành mạnh mà còn gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Việc xử phạt hay có chế tài cụ thể đối với Kangaroo giờ đây không còn là chuyện quan trọng nữa bởi đánh mất niềm tin với khách hàng mới là điều đáng sợ nhất mà Kangaroo cần chú trọng.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đặng Thành Trí - Trưởng Văn phòng Luật Sư Đặng Thành Trí cho biết: Theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều 51 Nghị Định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH VÀ QUẢNG CÁO thì đối với hành vi Quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và Buộc cải chính thông tin (theo quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điểu 51 Nghị định trên).

(Theo Kinhdoanh.net)