Nằm dưới tầng hầm sâu 28 bậc, quạt thông gió bị bịt gây ngột ngạt khó thở; cống tắc ngập gây hôi thối; chợ phiên thuế chỗ ngồi đắt... đang góp phần đẩy chợ Mơ đến chỗ chết hẳn!
Hiu hắt chợ truyền thống, ảm đạm chợ phiên
Chợ Mơ truyền thống vốn là nơi buôn bán rất sầm uất của Hà Nội. Sau khi bị phá đi để xây thành trung tâm thương mại, chợ được hoạt động trở lại dưới phần tầng hầm bắt đầu từ tháng 10/2014. Cùng với đó, chợ phiên tổ chức hàng tuần cũng được kỳ vọng đem lại không khí truyền thống. Tuy nhiên, sau gần 1 năm hoạt động, trái ngược với những hình ảnh sầm uất, đông đúc của chợ Mơ truyền thống xưa kia, cũng không được nhộn nhịp hào nhoáng như ngày khai trương chợ - trung tâm thương mại hay chợ phiên, chợ Mơ giờ đây ngày càng hắt hiu, lay lắt.
Có mặt tại phiên chợ vào một ngày Chủ nhật của tháng 7 này, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước không khí buồn tẻ, lạc lõng của cái gọi là “chợ phiên” bên hông tòa nhà cao 25 tầng. Đã hơn 7 giờ sáng, trong không khí náo nhiệt của người người tập thể dục, đánh cầu lông, ngồi hóng mát, duy nhất có 2 hàng cây cảnh với lèo tèo vài loại ngồi chắn ngay lối ra vào.
Ở "chợ phiên" truyền thống, có duy nhất 2 hàng cây cảnh với lèo tèo vài loại. Vậy nhưng, những người bán hàng này vẫn bị buộc phải nộp tiền 3 tháng liền mới được ngồi
Chị Gấm, một người buôn cây cảnh từ Văn Giang (Hưng Yên) sang cho biết, mỗi tháng có 4 phiên chợ vào các ngày chủ nhật, những người buôn cây cảnh được phép đưa hàng đến bán. Nhưng không phải cứ thích là được vào, họ phải đăng ký và nộp tiền luôn 3 tháng. “Bán đã chẳng có người mua, mà chúng tôi là nhà nông, phiên đi được phiên không, nhưng họ bắt phải đóng đủ tiền 3 tháng, mỗi tháng tới 150.000 đồng mới được ngồi. Chúng tôi nói thế nào họ cũng không giảm nên đa số người bán hàng bỏ hết không đến. Bán ở chợ khác mỗi buổi chỉ mất vài ngàn đồng” – chị Gấm buồn bã chia sẻ.
Đi sâu vào phía sau tòa nhà, lác đác có vài hàng cây cảnh nữa được xếp chỗ ngồi cố định. Một chủ cửa hàng cho biết, trước đây chị được xếp bán cá ở trong tầng hầm, nhưng ế quá không bán được nên xin ra ngoài. “Chỗ chúng tôi ngồi trước đây để trống, bọn nghiện hút, lang thang vào đây nhiều lắm nên họ bố trí cho chúng tôi ngồi đây lấp chỗ trống, giữ cho sạch đẹp thôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải đóng tiền triệu cho chỗ ngồi như thế này đấy” – chị này nói.
Một tiểu thương khác cho biết, trước đây khi chợ cũ chưa bị phá, buôn bán tấp nập nhưng mỗi quầy một tháng chỉ phải đóng góp vài trăm nghìn. Nay thì buôn bán ế ẩm nhưng phải đóng tiền triệu nên nhiều người đã phải “bỏ của chạy lấy người”.
Trong khi đó, dưới tầng hầm, “chợ truyền thống” cũng hết sức ảm đạm và kinh khủng hơn, không khí vô cùng ngột ngạt khiến ai cũng chỉ muốn nhanh chóng quay trở ra.
Đã là 8 giờ sáng, giờ mà với bất cứ khu chợ nào cũng đang tấp nập người mua bán thì tại nơi gọi là chợ Mơ, hàng quán vẫn đóng im ỉm, một phần do buôn bán ế ẩm nên họ không muốn dọn sớm, phần còn lại là những quầy đang rao bán, cho thuê.
Cả khu đồ tươi sống sâu hut hút chỉ có 2-3 hàng thịt, 1 hàng cá, 1 hàng rau và... 1 khách, trong khi đó, số quầy dành cho các mặt hàng này lên tới hàng trăm, nhưng do buôn bán ế ẩm nên họ đã nghỉ hết, dù vẫn phải đóng tiền quầy (có thể lên đến vài triệu).
Trong hầm, người bán người mua thưa thớt, dưới nền, cống tắc ngập lênh láng, bốc mùi hôi thối
Giữa không khí nóng ngột ngạt, một cụ bà bán bún đang ngồi phe phẩy quạt nan cho biết, trước đây khi ở chợ cũ, mỗi ngày bà bán được 50-60kg, Từ ngày chợ xây lại, xuống hầm, bà chỉ bán được bằng 1/10. Có hôm chỉ bán được 3-4kg, ế mang về đổ đi. Hỏi vì sao bà không bật quạt điện mà lại dùng quạt nan, bà nói, vì điện giá cao quá (3.600 đồng 1 “số”) mà hàng lại ế nên nên dù nóng, bà cũng không dám bật quạt. “Buôn bán thế này ngày kiếm bát phở còn khó” - cụ bà than thở.
“Dân họ chỉ thích đi chợ cóc”
Một điều khiến phóng viên thắc mắc, đó là không chỉ người dân bên ngoài không mua hàng trong chợ mà ngay cả người dân ở trong chính tòa nhà cũng không xuống hầm đi chợ. Theo các tiểu thương ở chợ Mơ, dân bên ngoài và ngay cả dân tòa nhà đều không muốn xuống hầm đi chợ dù ở đây giá rẻ hơn, đó là vì ở bên ngoài không khí thoáng mát, lại tiện mua. Họ tỏ ý muốn nhà chức trách dẹp chợ cóc để người dân phải xuống hầm, vào chợ mua hàng. Tuy nhiên, một tiểu thương cũng thừa nhận, trước đây khi còn chợ cũ, người dân vẫn vào chợ mua bình thường, nhưng từ ngày chợ Mơ chuyển sang chợ tạm thì chợ cóc bắt đầu xuất hiện.
“7 năm rời chợ, dân người ta mua chợ cóc quen rồi. Quen chủ, quen hàng, giờ họ không muốn xuống hầm nữa. Ngay cả nhiều tiểu thương xưa kia bán ở chợ, khi dẹp chợ, họ ra bán ngoài vỉa hè, ngõ ngách cũng còn khá hơn chúng tôi ở trong chợ bây giờ.” - một tiểu thương cho biết.
Chị Hương, ở 124 Minh Khai cũng cho biết, trước đây rất thích mua hàng ở chợ Mơ, nhưng từ ngày chợ xây lại và chuyển xuống hầm, chị rất hiếm khi vào chợ mà thường mua ngay trong ngõ tạm Hòa Bình.
Đủ kiểu “o ép”
Ngoài việc mua bán không tiện thì điều khiến khách hàng “ngán” nhất khi xuống chợ Mơ hiện nay là không khí quá ngột ngạt. Khi được hỏi, một tiểu thương giải thích: “Trước khi phá chợ thì họ ngon ngọt bảo sau này xuống tầng bán hầm, nhưng giờ thì chui xuống tới 28 bậc. Dưới hầm ngột ngạt đã ít khách, mấy ngày nay người ta lại còn bịt cả các cửa thông gió. Chúng tôi phản đối thì họ bảo bịt đi để bớt chi phí do ít quầy hoạt động quá. Không khí thế này, có cô bé bán hàng sức khỏe yếu thỉnh thoảng lại ngất xỉu, còn khách thì ngày càng chán không muốn đến. Cứ thế này thì chúng em chết luôn”.
Không những buôn bán ế ẩm, tiểu thương còn hết sức bức xúc vì các quạt thông gió bị bịt bằng tôn khiến không khí ngột ngạt, khó thở. Nhiều người cho rằng đây là cách "bức tử" chợ nhanh nhất
Chủ quầy cá duy nhất đang hoạt động tại chợ Mơ cho biết, chợ tuy mới hoạt động trở lại, nói là hiện đại nhưng tắc cống liên tục, nước dềnh lên hôi thối không chịu được. Khi tiểu thương đề nghị sửa cống, ban quản lý chợ đã từ chối. “Họ còn nói rằng, muốn sửa thì đi mà tự sửa, còn không muốn thì “đứng lên” - ý nói là bỏ chợ. Nói thế thì hóa ra họ đang ép chúng tôi ra khỏi chợ để họ chuyển mục đích sử dụng cái chợ này à?” - một tiểu thương không muốn nêu tên cho biết.
Trước tình thế đó, không chịu được mùi hôi thối và ngập ngụa, các tiểu thương khu vực này đã phải góp tiền để sửa cống. Số tiền đóng góp mỗi quầy cũng lên đến cả triệu bạc, trong khi làm ăn thì khó khăn. Tuy nhiên, sửa được khu này thì khu khác lại hỏng, ngập. Vào thời điểm phóng viên có mặt, khu vực bán hàng ăn và hàng gạo, nước cũng đang dâng ngập, bốc mùi hôi thối.
Theo VnMedia