- Các vụ rơi thang máy tại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (Đà Nẵng), tòa nhà Lotte (Hà Nội), chung cư Khang Gia Tân Hương (TP.HCM)… gần đây gây bất an cho người dân khi sử dụng thang máy trong cao ốc. Đâu là nguyên nhân dẫn đến rủi ro và làm sao để ứng phó khi đối mặt với tình huống này?

Theo ông Nguyễn Duy Thành, TGĐ Công ty Cổ Phần Quản Lý Nhà Toàn Cầu, Giảng viên Quản lý rủi ro tòa nhà trường Doanh Chủ, rủi ro trong quản lý nhà cao tầng ở Việt Nam ngày càng nhiều và chưa được kiểm soát đúng mức. Theo ông Thành, sự cố thang máy rơi thường xuất phát từ 2 nguyên nhân.

{keywords}
Ông Nguyễn Duy Thành, TGĐ Công ty Cổ Phần Quản Lý Nhà Toàn Cầu

Sai sót trong kiểm định và bảo trì thang máy: Khi thời hạn bảo hành thang máy đã hết và công ty cung cấp thang máy đã thanh lý hợp đồng cung cấp thang máy thì lúc này Ban Quản Lý hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của thang máy về mặt kinh phí duy trì, bảo trì, bảo dưỡng.

Yêu cầu về quản lý và sử dụng thang máy đã được quy định tại phụ lục A TCVN 6395:1998 và theo điều 3 TCVN 5744:1993. Theo đó, thời hạn bảo trì định kỳ là không quá 02 tháng/lần. Công việc bảo trì phải do một đơn vị có chức năng và được đào tạo để thực hiện công việc bảo trì. Ban Quản Lý phải ký hợp đồng bảo trì với một đơn vị có chức năng để bảo trì các thang máy theo đúng qui định của nhà nước. Chu kỳ kiểm định thang máy thực hiện định kỳ không quá 3 năm, theo quy định tại mục 4.3.1- TCVN 4244- 2005

Mặc dù có quy định, nhưng ý thức về đảm bảo an toàn, trong thực tế vận hành chung cư vẫn chưa cao, dẫn đến những rủi ro đáng tiếc.

Sai sót trong công tác quản lý vận hành: Trong quản lý, vận hành thang máy, an toàn điện và vệ sinh phòng kỹ thuật không tốt là nguy cơ xảy ra sư cố.

Về an toàn điện: Khi điểm tiếp xúc ở dưới hố thang máy nằm dưới hầm nhà tiếp xúc nguồn với điện không tốt, điện bị ngắt giữa chừng, dẫn đến sự cố.

{keywords}
Tư thế giúp giảm chấn thương khi thang máy rơi

Nếu thang có bộ cứu hộ thang máy (ARD) và nguồn điện chính của toà nhà bị mất, thang sẽ tiếp tục di chuyển đến tầng gần nhất và mở cửa cho khách ra ngoài. Nếu không có bộ cứu hộ thang máy, thang sẽ bị rơi tự do.

Về công tác vệ sinh phòng kỹ thuật của thang máy: Rất nhiều tòa nhà công tác vệ sinh phòng máy, gần như không được thực hiện theo định kỳ. Bụi và rác có thể rơi vào trong đường cáp, lâu ngày sẽ làm mòn cáp thang, khiến thang vận hành không ổn định dễ bị rung lắc và có thể tuột cáp, dẫn đến thang rơi tự do.

Ngoài sự cố rơi thang, theo ông Nguyễn Duy Thành, sự cố thang máy trên thực tế cũng xảy ra nhiều trường hợp khác như: Thang máy đang chạy bị mất điện đột ngột dẫn tới treo thang; Thang máy bị quá tải dẫn tới treo thang; Kẹt cửa ra vào buồng thang máy; Hỏng đèn, quạt thông gió trong buồng thang; Hỏng đèn tín hiệu báo tầng, công tắc số tầng; Thang chạy bị lắc mạnh...

Theo chuyên gia này, khi gặp tình huống rơi thang máy, phải hết sức bình tĩnh và thực hiện thao tác “ngồi xổm” để hạn chế tối đa chấn thương cột sống, đốt sống cổ. Lúc này cơ thể giống như lò xo có độ đàn hồi làm giảm khả năng gây chấn thương.

Ông Thành kiến nghị, việc kiểm định, bảo trì thang máy tại các cao ốc cần thiết lập quy trình và ghi chép đầy đủ vào lý lịch thang máy để tiện theo dõi, xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm tra sâu sát để giám sát việc thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người dân.

Quốc Tuấn