- Dù ế ẩm, không có khách đến mua hàng nhưng nhiều tiểu thương ở chợ Trung Hòa (nằm dưới hầm tòa nhà Eurowindow) vẫn phải mở cửa để được miễn tiền chỗ ngồi. Ban quản lý chợ sẽ “chấm công”, ngày nào nghỉ chợ sẽ phải nộp tiền…

Chợ Trung hòa, trước đây là một chợ dân sinh tấp nập người mua kẻ bán. Tuy nhiên, từ năm 2009, các tiểu thương phải dời ra chợ tạm để chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng Eurowindow. Tháng 5/2015, sau rất nhiều điều tiếng, kiện cáo, "chợ truyền thống Trung Hòa" được rầm rộ khai trương trở lại dưới tầng hầm của tòa nhà. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, sau hai tháng đi vào hoạt động, chợ chỉ có khoảng hơn chục quầy hàng mở cửa thực sự, còn lại hầu hết là đóng cửa do chưa hoạt động hoặc hoạt động rồi nhưng do ế ẩm nên tạm đóng cửa.

Cũng giống như tình trạng của chợ Mơ, chợ Trung Hòa bị đóng cửa quá lâu để xây dựng tòa nhà (6 năm) nên khách hàng đã bỏ đi hết để mua bán ở các chợ tạm, chợ cóc trong khu vực. Kể cả các tiểu thương cũng đã tìm chỗ để ổn định kinh doanh nên không muốn quay trở lại.

Điều đáng nói đây là chợ dân sinh nhưng lại nằm sâu dưới tầng hầm, đi bộ hay đi xe xuống đều bất tiện nên khách hàng không muốn xuống. “Ngay cả những người sống trong tòa nhà này cũng không xuống đây để mua hàng” - một tiểu thương cho biết.

Chính vì ế ẩm nên hiện nay, các quầy hàng tươi sống như rau, thịt, cá… đều không thể trụ nổi. Chỉ với những mặt hàng tiêu dùng “không lo thiu thối”, các tiểu thương mới cố gắng kiên trì bầy hàng ngồi... ngắm để mong chờ một sự khởi sắc trong tương lai.

“Hai tháng nay chúng tôi cứ dọn hàng để ngồi chơi cho có không khí chợ, chờ đến mùa thu mát mẻ hay gần Tết may ra có bán gì được, chứ những ngày này thì chẳng có ai mua bán gì.” - một tiểu thương nói trong hy vọng.

{keywords}
Vì không muốn phải "nộp tiền oan", một số tiểu thương đã phải dọn hàng để "điểm danh"

"Điểm danh" tiểu thương

Một điều lạ lùng có lẽ chưa từng có tiền lệ, đó là việc “điểm danh” tiểu thương. Theo đó, vì chợ quá vắng vẻ nên Ban quản lý chợ đã đề ra quy định, nếu tiểu thương nào có mặt bán hàng thì mới được miễn đóng tiền chợ, ngược lại nghỉ ngày nào sẽ phải đóng tiền ngày đó. Do vậy, một số tiểu thương dù biết đến thì chỉ ngồi mất công nhưng vẫn phải bầy tạm bợ vài món hàng ra để đỡ phải nộp tiền.

Đây quả là một điều hết sức ngược đời, bởi xưa nay, chợ dân sinh thì ai đến bán ngày nào sẽ chỉ phải nộp tiền ngày đó, còn nếu không bán được thì thôi. Vì vậy, nếu khi nào thấy buôn bán ế ẩm, tiểu thương hoàn toàn có thể đóng cửa nghỉ để tránh lãng phí công sức và cũng là để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, với quy định oái oăm này, ngoài những người rỗi rãi, "tiếc của" đến dọn hàng thì nhiều tiểu thương khác thà đóng cửa mà vẫn phải nộp tiền còn hơn là tốn công sức đến ngồi "ngáp ruồi".

Một hiện tượng đáng chú ý khác, đó là các quạt thông gió trong chợ Trung Hòa hiện cũng không được hoạt động do quá ít tiểu thương mở quầy buôn bán. Do vậy, những ngày này dù thời tiết tại Hà Nội tương đối mát mẻ nhưng trong chợ, dù ít người buôn bán và chẳng hề có khách nhưng không khí vẫn khá ngột ngạt.

“Bác xem, có vài hàng lèo tèo thế này mà phải dùng bao nhiêu điện thắp sáng rồi, nếu bật nốt quạt thông gió thì tốn kém quá” - một tiểu thương thông cảm nói.

Cũng giống như tiểu thương ở chợ Mơ, phần lớn tiểu thương ở chợ Trung Hòa khi được hỏi đều cho biết, họ đang hy vọng Thành phố dẹp bỏ chợ tạm, chợ cóc để “không còn chỗ nào mua hàng nữa, người dân mới chịu xuống hầm này để đi chợ”. Tuy nhiên, đây quả là một hy vọng mong manh, bởi dù đã quyết tâm rất nhiều, qua nhiều năm, Thành phố dường như vẫn "bó tay" trước hiện tượng chợ cóc, chợ tạm. Đặc biệt trong số đó, cứ ở đâu phá bỏ chợ dân sinh để chuyển đổi, xây trung tâm thương mại hay tòa nhà hỗn hợp thì ở đó, chợ cóc chợ tạm lại mọc lên như nấm.

Cũng liên quan đến chuyện chợ dân sinh tại Hà Nội, hiện nay trung tâm thương mại - chợ Mơ (nằm dưới tầng hầm của tòa nhà 25 tầng, nơi trước đây là chợ Mơ truyền thống) cũng đang ngắc ngoải vì ế ẩm. Chợ có 1200 quầy nhưng sau một năm hoạt động, nay chỉ còn khoảng 300 quầy mở cửa. Đặc biệt, khu thực phẩm tươi sống chỉ có vài ba quầy èo uột phục vụ chính bà con tiểu thương trong chợ. Tại chợ Mơ cũng xuất hiện tình trạng bịt các quạt thông gió để tiết kiệm chi phí, gây nên không khí ngột ngạt vô cùng khó thở.

Tuy nhiên, trước những bất cập và tính không hiệu quả của việc chuyển đổi chợ thành kiểu hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại, trong đó chợ dân sinh được bố trí nằm dưới hầm, thành phố Hà Nội vẫn đang có ý định tiếp tục triển khai mô hình này. Hiện có hai chợ đang “nín thở” chờ quyết định, đó là chợ Thành Công và chợ Châu Long, trong đó chợ Thành Công mới được chủ đầu tư đưa máy móc vào khoan thăm dò nhưng đã bị tiểu thương phản đối nên hiện nay, Thành phố đã yêu cầu tạm dừng để chờ sự đồng thuận của người dân.

Trước đó, chợ Nghĩa Tân cũng nằm trong kế hoạch giải tỏa, xây dựng mới thành Trung tâm thương mại, tuy nhiên, do nhiều khúc mắc và đặc biệt là sự không đồng thuận của các tiểu thương, Thành phố đã quyết định thu hồi lại dự án. Hiện nay, chợ dân sinh này vẫn đang hoạt động hết sức sầm uất.

Dưới đây là một số hình ảnh của chợ Trung Hòa trong hầm tòa nhà Eurowindow do phóng viên VnMedia ghi lại:

{keywords}

"Chợ truyền thống" Trung Hòa nằm sâu hun hút dưới tầng hầm tòa nhà Eurowindow. Lối ra vào chợ cũng là lối lên xuống tầng hầm để ô tô của cư dân và văn phòng của tòa nhà này, vì vậy không ai có thể thấy hoặc nghĩ rằng đó là một cái chợ, ngoài tấm biển ở cửa hầm.

{keywords}

Khác với những quảng cáo ghi bên ngoài là chợ truyền thống "hoàng hóa phong phú"..., bên trong chợ là những gian hàng đóng cửa im ỉm

{keywords}

Một quầy thực phẩm hiếm hoi, lạc lõng giữa chợ
{keywords}

Một trong những quầy hàng "đối phó" bằng cách bầy ra như thế này
{keywords}

Tiểu thương nếu muốn được miễn tiền chợ sẽ phải đến "điểm danh" bằng cách mở cửa quầy hoặc bầy vài món đồ ra "làm hàng". Một người là đại diện của ban quản lý sẽ đi điểm danh và ký vào tờ giấy để chứng thực
{keywords}

Thay vì chợ truyền thống sầm uất như trước đây, ngày nay, một tòa nhà cao vút đã mọc lên. Trong khi chợ bị đưa xuống hầm và người dân nếu muốn mua hàng phải đi xe vào hầm, thì trên mặt đất, thượng đế của quán cà phê được thoải mái để xe trên vỉa hè

Theo VnMedia