Thửa đất, đúng hơn là một bức tường, vì có diện tích 1,7m2, rộng 10,08m, sâu… 14cm nằm trên trên đường Nguyễn Văn Huyên (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đang được chủ nhà rao bán với giá hơn 1 tỉ đồng vì có vị trí mặt tiền. Trên những con đường ngàn tỉ vẫn có những cái được gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo như vậy.
{keywords}

Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: Khánh Linh

Pháp luật bó tay?

Từ thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 21 của Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 28.2.2005, đã nhiều lần Hà Nội ra thời hạn cuối cùng phải xóa xong nhà siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng. Đến nay, hàng trăm căn nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn “trường tồn” bền bỉ với thời gian, đó là chưa kể đến hàng loạt ngôi nhà vừa mỏng vừa “dị” xuất hiện trên các tuyến phố mới mở.

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại một số tuyến phố mới như: Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Trần Thái Tông, Kim Mã - Trần Phú, Hoàng Cầu… nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên như nấm. Cụ thể, dọc đường Nguyễn Văn Huyên mới tồn tại rất nhiều ngôi nhà có hình thù kỳ quái. Ngay đầu đường Cầu Giấy - Nguyễn Văn Huyên có những ngôi nhà hình vuông do bị cắt cụt một phần. Sau khi giải phóng mặt bằng, phần lớn các căn nhà đều “quay lưng” lại với mặt đường, tường nhà bong tróc vôi vữa, trơ lõi gạch.

Không khó để bắt gặp trên con đường nghìn tỉ này những căn nhà dạng “chuồng chim” có diện tích vỏn vẹn 5 - 10m2, có nhà cong vênh, thiết kế uốn éo theo thế đất, có nhà lại dài “dằng dặc” với diện tích hơn 30m2, nhưng chiều sâu thửa đất chưa tới 2m.

Trao đổi với ông Nguyễn Phương Châm, chủ nhân của “bức tường” được nhắc đến ở trên đường Nguyễn Văn Huyên, ông Châm cho biết: “Hiện tại, tôi vẫn chưa thỏa thuận được mức giá với gia đình hàng xóm phía sau để hợp khối. Nếu chưa thống nhất được và không có ai mua thì tôi lại để đấy giữ đất thôi”.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp giao dịch không thành công bởi lẽ đất nằm ở mặt đường, chủ nào cũng “hét giá” cao hơn so với khả năng chi trả của người cần hợp thửa. Mặt khác, lại có trường hợp, nhiều chủ nhà siêu mỏng, siêu hẹp cũng không thiết tha với việc bán nhà vì sau khi làm mới hoặc xây lên để cho thuê.

Không chỉ xuất hiện ở những con phố mới, những ngôi nhà siêu mỏng vẫn còn tồn đọng và nằm rải rác ở những con đường vốn nằm trong diện quy hoạch từ lâu như: Nguyễn Phong Sắc, Đào Tấn, Xã Đàn, Ngã Tư Sở... Đơn cử như đường Nguyễn Phong Sắc, nằm cạnh cổng sau của Trường Học viện Báo chí Tuyên truyền, bao năm nay căn nhà hình hộp diêm có cạnh chưa đến 3m vẫn sừng sững cửa đóng then cài, “án ngữ” ngay giữa vỉa hè bất chấp đã có quy định rõ ràng: Những căn nhà có mặt bằng khu đất còn lại sau giải phóng mặt bằng có diện tích nhỏ hơn 15m2, hoặc chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được cấp giấy phép xây dựng!

Lại... than khó

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, sở dĩ những công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại khó giải quyết vì từ trước năm 2005, thành phố chỉ tập trung thu hồi đất theo chỉ giới, chưa có luật hóa về việc xử lý những công trình này.

Kể từ khi Quyết định 15/2011/QĐ-UBND được ban hành năm 2011, những diện tích dưới 15m2, nếu có sổ đỏ thì người dân được quyền chuyển nhượng, giao dịch dân sự và Nhà nước sẽ công nhận quyền hợp pháp. Trong trường hợp việc chuyển nhượng bất thành, Nhà nước sẽ thu hồi và đền bù theo chính sách giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, cách làm này cũng bộc lộ những khó khăn trong việc thực hiện, bởi việc thu hồi đòi hỏi kinh phí rất lớn để giải phóng mặt bằng và bố trí quỹ nhà tái định cư. Thêm vào đó, việc thỏa thuận hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề vô cùng khó khăn, phức tạp bởi giá trị đất mặt phố rất cao, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân nên họ sẽ bảo vệ đến cùng.

Khi PV đặt câu hỏi: Tại sao ngay từ khi quy hoạch, triển khai đền bù giải tỏa, chúng ta không có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này như quy hoạch kiến trúc hai bên tuyến đường? Lãnh đạo sở cho rằng, đây là một việc rất khó, bởi để giải quyết tận gốc vấn đề này đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn! Và các giải pháp được đưa ra vẫn rất chung chung như “cần tăng cường thông tin tuyên truyền và giải quyết các thủ tục hành chính về việc thu hồi đất cùng với GPMB dự án đối với các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng nằm ngoài chỉ giới đường đỏ hai bên tuyến đường; sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 15 cho phù hợp với Luật Đất đai, Luật Xây dựng mới ban hành; khuyến khích các hộ dân hợp thửa, hợp khối...”.

Với cách nhìn và giải quyết như vậy, chắc nhà siêu mỏng, siêu méo mãi mãi sẽ vẫn là “đặc sản” của thủ đô!

Theo Lao động