Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến hết tháng 7/2015, tổng số tiền các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là 17.045 tỷ đồng và đã giải ngân 10.141 tỷ đồng.

Cụ thể, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 24.150 hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng với số tiền là 11.090 tỷ đồng. Trong đó, số hộ vay để mua nhà ở xã hội là 9.747 hộ (với số tiền là 3.820 tỷ đồng), mua nhà ở thương mại là 13.210 (6.741 tỷ đồng), vay để cải tạo, xây mới nhà ở là 1.193 hộ (529 tỷ đồng). Số tiền đã giải ngân là 7.533 tỷ đồng cho 24.142 hộ.

{keywords} 

Ben cạnh đó, các ngân hàng đã cam kết cho các doanh nghiệp vay đối với 43 dự án với số tiền là 5.955 tỷ đồng. Trong đó, có 14 dự án ở Hà Nội (2.900 tỷ đồng) và 6 dự án tại TP.HCM (1.208 tỷ đồng). Đã giải ngân cho 41 dự án với dư nợ 2.608 tỷ đồng.

Nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, mới đây Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường và các Sở, ban, ngành liên quan đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất theo quy định của pháp luật cho người mua nhà ở.

Đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền những hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật về nhà ở. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong quá trình thực hiện thủ tục xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Đối với dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển sang nhà ở xã hội, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay việc triển khai đầu tư xây dựng để phát huy hiệu quả, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực về đất đai, tài chính, kiên quyết thu hồi các dự án đã cho phép chuyển sang nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc và chính quyền địa phương các cấp cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc xác nhận cho các đối tượng đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ, đồng thời phối hợp với NHNN và các TCTD được giao cho vay vốn ưu đã hỗ trợ nhà ở thực hiện việc thanh tra, kiểm tra dấu hiệu trục lợi của các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở để xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với chi nhánh NHNN tại địa phương để chỉ đạo các TCTD được giao cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trên phạm vi địa bàn, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cho vay, giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở theo quy định.

Theo Thời báo ngân hàng

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: vland@vietnamnet.vn

Bộ Xây dựng yêu cầu thanh tra dấu hiệu trục lợi gói 30.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng quyết siết trục lợi gói 30.000 tỷ