Trên thực tế, người nước ngoài và Việt kiều vẫn rất khó để có một căn nhà do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính.

Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ 1/7 vừa qua đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Thông tư vẫn chưa được ban hành. Trên thực tế, người nước ngoài và Việt kiều vẫn rất khó để có một căn nhà do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản thì e ngại, không dám đầu tư dự án dành cho phân khúc này.

Nắm bắt chính sách “mở” theo Luật nhà ở năm 2014, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ Đất Xanh miền Nam đã đầu tư dự án khu phức hợp Topaz City ở quận 8 để đón đầu thị trường dành cho người nước ngoài và Việt kiều. Ông Đặng Chính Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đã có nhiều Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu về dự án này nhưng hai bên chưa thể giao dịch được vì doanh nghiệp không có căn cứ pháp lý để hướng dẫn khách hàng là Việt kiều xác minh nguồn gốc, nhân thân của họ.

{keywords}

Hồ sơ mua nhà của người nước ngoài và Việt kiều chuyển đến các ngành chức năng và vẫn đang trong giai đoạn xem xét. (Ảnh: KT)

Phía Công ty cũng chưa làm hợp đồng được về các điều khoản như: Bảo lãnh ngân hàng, hình thức giao dịch hay số lượng căn hộ mà một khách hàng nước ngoài có thể mua trong dự án. Vậy là cả doanh nghiệp và khách hàng vẫn chờ đợi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

“Theo tôi, chúng ta cần cụ thể hóa con số này, ví dụ như một người nước ngoài được mua 1 đến 2 căn hoặc 3 căn. Nếu chúng ta quy định tỷ lệ phần trăm thì khách nước ngoài họ không hiểu dự án này bán được bao nhiêu phần trăm rồi, còn lại bao nhiêu phần trăm và họ có được mua hay không”, ông Đặng Chính Thắng nói.

TP HCM hiện đang có hàng chục ngàn người nước ngoài và Việt kiều sinh sống. Trong đó, rất nhiều người muốn sở hữu căn hộ để ở hoặc đầu tư. Tuy nhiên, khách hàng không có nhiều dự án để lựa chọn bởi các dự án dành cho phân khúc khách hàng này chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vì vậy, họ vẫn đang dừng lại ở việc quan sát và tìm hiểu thị trường.

Ông Carol Phước Huỳnh, Việt kiều Canada cho biết, đến thời điểm này vẫn còn nhiều vướng mắc cũng như thách thức để tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài cũng như Việt kiều mua nhà tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm với đối tượng khách hàng này. Những sản phẩm đó cần có thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông phù hợp với điều kiện công việc và sinh sống của họ.

Theo Luật nhà ở 2014, Người nước ngoài được phép sở hữu cả nhà ở riêng lẻ nằm trong dự án (nhà biệt thự, nhà ở liền kề) thay vì chỉ có căn hộ chung cư như trước đây; điều kiện đối với cá nhân nước ngoài cũng chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ như hộ gia đình, cá nhân trong nước.

Tuy đã có khung pháp lý điều chỉnh, nhưng việc giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc. Đối với Việt kiều muốn mua nhà tại Việt Nam cần chứng minh được nguồn gốc, nhân thân của mình để có đủ điều kiện đứng tên chủ quyền bất động sản.

Việc chứng nhận nguồn gốc người Việt do 3 cơ quan phối hợp thực hiện là: Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cần phải theo đúng quy định của pháp luật. Nếu muốn vay tiền từ ngân hàng thì phải tiến hành thêm một số thủ tục khác.

Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM cho biết, về thủ tục hành chính, do thiếu Nghị định, thông tư nên các quy định về thủ tục hành chính đi kèm chưa được rõ ràng. Đặc biệt là người ngước ngoài và bà con kiều bào ở nước ngoài, họ cần có thông tin để nghiên cứu, tìm hiểu để chuẩn bị rồi về mới triển khai.

“Nếu chúng ta có thể minh bạch thông tin về thị trường, về các dự án thương mại mà kiều bào và các nhà đầu tư nước ngoài có thể được quyền sở hữu thì sẽ giúp cho thủ tục hành chính được thông thoáng hơn”, ông Phương cho biết.

Một vướng mắc khác trong quy định hiện nay là việc người nước ngoài chỉ được bán nhà của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (trừ trường hợp cá nhân không thể tiếp tục ở Việt Nam). Ngoài ra, chủ sở hữu chỉ được sử dụng nhà vào mục đích để ở, không được sử dụng để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Theo thống kê của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nay mới chỉ có 9 hồ sơ mua nhà của người nước ngoài và Việt kiều chuyển đến các ngành chức năng và vẫn đang trong giai đoạn xem xét.

TS. Nguyễn Chí Hiếu, một chuyên gia về lĩnh vực bất động sản cho rằng, người nước ngoài khi mua một căn nhà và họ có bất động sản trên đất là 50 năm, vậy trước thời hạn 50 năm họ bán tài sản đó cho người thứ hai cũng là Việt kiều thì người Việt kiều thứ hai đó được hưởng thời gian còn lại hay được hưởng 50 năm tiếp tục? Đó là vấn đề được nhiều người Việt ở nước ngoài quan tâm mà đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, cần nhiều những hướng dẫn cụ thể để cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng như người mua nhà có thể thực hiện việc mua bán, giao dịch.

Để tháo gỡ khó khăn đối với người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, các Bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật nhà ở sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan, tạo “cú hích” cho thị trường bất động sản trong nước./.

Theo VOV