Kể từ sau 1/7, theo quy định mới, để bán hàng ra thị trường, các chủ đầu tư phải mua bảo lãnh ngân hàng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu khách hàng phải mua phí bảo lãnh. Giá bán nhà theo đó đội lên cả triệu đồng/m2.
Đại diện 1 đơn vị thứ cấp đang bán căn hộ trên đường Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, HN) cho biết, “theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, giá bán mỗi m2 căn hộ là 27,5 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng không thay đổi giá bán. Thế nhưng, mới đây, chủ đầu tư dự án đã gửi thông báo đề nghị chốt các hợp đồng căn hộ đã ký với khách hàng. Số căn hộ còn lại sẽ phải dừng không được bán tiếp để chủ đầu tư ký bảo lãnh với ngân hàng. Mức phí bảo lãnh mà ngân hàng áp cho dự án là trên 2% trên tổng mức đầu tư. Do đó, giá bán căn hộ sẽ buộc phải điều chỉnh tăng 1 triệu đồng/m2”.
Tại một dự án khác trên đường Phạm Văn Đồng, chủ đầu tư vừa đưa ra chính sách yêu cầu các khách hàng phải ký thêm thủ tục bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, khách hàng sẽ phải trả thêm 0,7% giá trị căn hộ tương đương 20 triệu đồng/căn hộ. Chị Hoàng Nguyên (khách hàng) cho biết, “Khi mua nhà, nhân viên kinh doanh họ lý giải phải trả thêm phí bảo lãnh do vậy chúng tôi buộc ký không còn cách nào khác cả. Tuy nhiên, việc trả thêm phí bảo lãnh đã khiến giá mua căn hộ tăng lên. Đây là điều nhiều khách hàng không hề mong muốn. Bởi khi mua dự án, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về năng lực tài chính cũng như uy tín của chủ đầu tư nên rất yên tâm. Không lẽ gì chúng tôi phải trả thêm tiền để bảo lãnh niềm tin”.
|
Như vậy, mức phí bảo lãnh tại các dự án là khác nhau giao động 0,5-2% (khoảng 8-20 triệu đồng/căn). Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây Ngân hàng nhà nước đã ra thông tư hướng dẫn việc mua bảo lãnh ngân hàng tuy nhiên nội dung khá chung chung. Riêng đối với điều khoản mua bảo lãnh, Ngân hàng nhà nước cho phép ngân hàng và doanh nghiệp được tự thỏa thuận mức phí bảo lãnh. Ngoài ra, các dự án ký bảo lãnh phải có đủ điều kiện được bán theo Luật kinh doanh bất động sản như dự án phải đủ hồ sơ pháp lý, phải làm xong móng, xong hạ tầng. Chủ đầu tư phải có năng lực tài chính thực hiện dự án….
Nếu chiểu theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa có hiệu lực từ ngày 1/7, những dự án mở bán sau ngày 1/7 phải đảm bảo hai yếu tố là dự án phải làm xong móng và phải có hợp đồng bảo lãnh ký với ngân hàng.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện có rất nhiều dự án bất động sản mở bán sau ngày 1/7 nhưng không đủ điều kiện như chưa xây xong móng, chưa làm xong hạ tầng, chưa có hợp đồng bảo lãnh ngân hàng mà không cơ quan nào kiểm tra kiểm soát. Đơn cử, dự án chung cư 21 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, HN), mặc dù mới đang xây đài móng nhưng chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng góp vốn với nhiều khách hàng. Dự án chung cư 203 Nguyễn Huy Tưởng mới đang đào móng nhưng trong tuần này sẽ chính thức được mở bán, giới thiệu với khách hàng….
Điều đáng nói, theo quy định của Ngân hàng nhà nước thì chủ đầu tư dự án phải là người đứng ra mua bảo lãnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng mua nhà sau 1/7, họ đều phải trả thêm 1 khoản tiền dành cho việc bảo lãnh. Như vậy, chủ đầu tư đã nhanh chân đẩy khoản chi phí này cho khách hàng.
Mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực, xong số lượng dự án mua bảo lãnh rất ít. Trong khi, nhiều chủ đầu tư đang té nước theo mưa để tăng giá thì nhiều doanh nghiệp khác lại đang tìm cách “né” việc mua bảo lãnh nhằm giúp khách hàng đỡ phải trả thêm 1 khoản phí.
Một khách hàng mua nhà tại dự án trên quận Tây Hồ cho phóng viên biết, chị vừa được chủ đầu tư mời đến ký hợp đồng mua bán. Theo đó, để tạo điều kiện cho khách hàng không phải trả thêm vài chục triệu đồng tiền mua phí bảo lãnh, chủ đầu tư chấp nhận đẩy ngày ký hợp đồng lên trước 30/6/2015.
Theo khảo sát riêng của phóng viên, rất nhiều khách hàng mua nhà không muốn ký bảo lãnh. Đơn giản là vì họ không muốn trả thêm tiền. Bởi, họ đủ tỉnh táo khi quyết định chọn chủ đầu tư uy tín để mua nhà.
Theo VnMedia