Đà Nẵng hiện có 6 KCN, thu hút hơn 73.000 lao động (LĐ) với gần 70% là LĐ nữ và khoảng 60% là LĐ ngoại tỉnh. Số lượng CN có nhu cầu về nhà ở bằng hình thức thuê hoặc mua là rất lớn. Song dù CĐ nhiều lần kiến nghị, CN dài cổ chờ mong, nhưng hơn 10 năm qua, vì nhiều lý do, bài toán này vẫn “bế tắc” lời giải.

Xã hội hóa... tắc hơi!

Quận Liên Chiểu hiện có hơn 35.000 LĐ ngoại tỉnh, chủ yếu làm việc tại KCN Hòa Khánh. Không chỉ CN ngoại tỉnh mà nhiều CN địa phương như chị Nguyễn Thị Dung (31 tuổi) dù đã lập gia đình cũng phải thuê một căn nhà trọ ọp ẹp chừng 7m2 để ở, chắt bóp nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học.

Chị Dung chia sẻ: “Tiền trọ tôi thuê hết 700.000 đồng, trong khi tiền lương của hai vợ chồng vẻn vẹn 7 triệu đồng”. May là Cty mà chị Dung làm việc hỗ trợ cho các CN mỗi người 200.000 đồng/tháng để thuê nhà trọ. “Thời buổi bây giờ, một ít tiền như vậy chẳng thể đủ đi chợ vài ngày chứ nói gì đến thuê phòng, còn chuyện mua nhà, đối với tôi thật… không tưởng” - chị Dung than thở. Không chỉ rêng chị Dung, mà hàng ngàn CN khác cũng có hoàn cảnh tương tự.

{keywords}

Dự án nhà ở cho CN và người thu nhập thấp ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) “tắt hơi”, bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: N.B

Từ năm 2003, một dự án “hoành tráng” là 3 khối nhà 5 tầng dành cho CN và người thu nhập thấp (tại tổ 7, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được triển khai với tổng kinh phí hơn 27 tỉ đồng trên diện tích 9ha. Dự án được UBND TP giao cho Cty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng thực hiện. Tuy nhiên, công trình này chỉ dừng lại ở... phần cột móng, sàn bêtông rồi bỏ hoang vì “đuối” vốn.

Nhiều năm sau, TP kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhưng Cty CP Đầu tư Hưng Phú “tiếp sức” khởi công được một thời gian cũng “rút lui” vì khó khăn kinh phí. Không còn DN nào đủ “can đảm” tiếp nhận dự án, UBND TP phải chuyển đổi mục đích sử dụng thành ký túc xá. Không chỉ vậy, một số dự án khu chung cư dành cho CN đã triển khai nhiều năm qua nhưng tiến độ chậm như rùa hoặc phải chuyển đổi công năng. Thực tế, nhiều DN hiện nay rất dè dặt khi bỏ tiền đầu tư dự án nhà ở dành cho CN thuê hoặc mua vì lợi nhuận chi phối. Nếu cho thuê nhà giá cao, CN quay lưng nên họ khó thu lại được vốn đầu tư. Đó là chưa nói, họ chưa định lượng được nhu cầu, sức thuê của CN tới đâu.

Vẫn là vấn đề khó

Một khảo sát mới đây của UBND quận Liên Chiểu cho thấy, lượng CN có nhu cầu thực sự về nhà ở không cao lắm. Ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do một phần CN muốn được tự do, thoải mái, không muốn gò bó khi vào ở nhà chung cư. “Đó là suy nghĩ trước mắt của CN. Còn về lâu về dài, CN vào ở các khu chung cư vẫn dễ quản lý hơn, vì CN tự thuê trọ ở bên ngoài quá đông như hiện nay sẽ dẫn đến tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp” - ông Chương nói.

Ông Nguyễn Lê Quốc Linh - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - ngao ngán: “Nhà ở cho CN hiện nay vẫn là vấn đề khó. CĐ dĩ nhiên nhiều lần đề nghị TP xây nhà ở cho CN vì thực tế nhu cầu nhà ở của nhiều CN hiện nay thực sự bức thiết. Nhưng có một băn khoăn là nếu có khu chung cư cho CN rồi thì hiệu quả sử dụng đến đâu, nếu cho thuê giá đắt quá CN có thuê nổi không, vì đa phần DN đầu tư họ cũng nghĩ đến lợi nhuận, còn Nhà nước bao cấp hoàn toàn là rất khó”. Một thực tế khác, có DN được TP giao đất xây dựng nhà ở cho CN. Tuy nhiên, khi tổ chức lấy ý kiến các CN lại không nhận được đồng thuận. Ngược lại, một số DN khác tự bỏ tiền ra xây dựng nhà ở lại được CN ủng hộ. Ông Linh cho rằng, về lâu dài, CN vào các khu chung cư ở vẫn dễ quản lý hơn và giúp đời sống CN ngày được nâng lên.

Theo Lao động