Trong bối cảnh thị trường đang ấm lên, không ít người có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng chuyển kênh đầu tư sang bất động sản. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù được xem là kênh đầu tư sinh lợi nhưng nếu không suy tính kỹ nhà đầu tư rất dễ gặp rủi ro.

Việc ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống mức khoảng 6%/năm khiến kênh tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước. Trong khi đó, nhiều dự án thời gian qua sẵn sàng cam kết lợi nhuận cao hơn hẳn so với gửi tiết kiệm. Điển hình như: Dự án nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc cam kết lợi nhuận 8%/năm; Condotel của Grand World cam kết lợi nhuận 8%/năm; đất nền Marine City Vũng Tàu cam kết lợi nhuận 12%/năm; căn hộ Vung Tau Melody giá từ 839 triệu cam kết cho thuê lại tối thiểu 6 triệu/tháng…

{keywords}

Có nên rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư bất động sản? 

Nếu chỉ nhìn tương quan về các con số trên, bất động sản đang cho thấy sức hút vượt trội. Tuy nhiên, có nên rút tiền gửi trong ngân hàng để đầu tư bất động sản? Đây là câu hỏi có nhiều ý kiến khác biệt từ các chuyên gia.

Ông Phan Công Chánh, Chuyên gia bất động sản cá nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng: “Bài toán đầu tiên trước khi rút tiền là lựa chọn phân khúc nào, vì bất động sản không phải đầu tư cái nào cũng thắng”.

Theo ông Chánh, câu hỏi khó nhất cũng chính là việc bỏ số tiền đã rút đó vào đâu để nó sinh lời, cho nên việc có nên hay không rút tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản thời điểm này là một câu hỏi mà nên để cho nhà đầu tư suy tính.

“Đối với tôi, việc đầu tư bất động sản thời điểm này là nên bởi thị trường đang trong đà hồi phục, các yếu tố lãi suất cho bất động sản cũng đang tốt” - Ông Chánh nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia bất động sản cá nhân này cũng lưu ý, rổ tiền của các nhà đầu tư cá nhân có thể vào nhiều kênh khác nhau. Về cơ bản thì cũng nằm trong chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Trong đó, tiền gửi ngân hàng được xem là kênh tạm thời để cất giữ tiền còn so về mức độ hấp dẫn thì gửi tiết kiệm là kênh ít mất giá nhất chứ không phải là kênh sinh lời.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, khá thận trọng trong việc chọn nên hay không rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư bất động sản. Cụ thể, ông Quang đánh giá: “Việc nên hay không ở đây là tiêu chí của mỗi người, phụ thuộc vào khả năng nhận biết thị trường của từng khách hàng. Vì phải xác định được lợi nhuận nằm ở đâu thì lúc đó mới tính đến chuyện đầu tư được. Nếu không xác định được phân khúc mua sinh lời, không nghiên cứu được lợi nhuận khi đi vào khai thác thì gửi ngân hàng cũng là một biện pháp an toàn”.

Theo ông Quang, với tình hình thị trường như hiện nay rất có thể lãi suất gửi sẽ tăng, mà nếu tăng thì việc rút để đầu tư kênh khác cần phải suy nghĩ. “Tôi không khuyến khích việc đầu tư nhưng nếu một khi đã xác định được việc mua 1 bất động sản đắt hay rẻ, có khai thác được hay không thì lúc đó mới đưa ra quyết định đầu tư” - Ông Quang nói.

Theo kinh nghiệm thực tế các dự án, ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó TGĐ Hưng Thịnh Land cho rằng, hiện nay nhà đầu lướt sóng không nhiều, chủ yếu là đầu tư lâu dài. Đây cũng là yếu tố bền vững cho sự phát triển của các dự án. Việc đầu tư lướt sóng chiếm tỉ lệ lớn sẽ rất nguy hiểm vì dễ tạo sốt ảo. Khi dân đầu cơ “xả hàng” cũng gây loạn giá ảnh hưởng xấu đến tâm lý khách mua thực.

Cũng theo ông Ngọc, mỗi kênh đầu tư đều có những lợi thế và điểm hạn chế riêng. Tuy nhiên, nếu chọn kênh bất động sản để đầu tư thì cần chọn vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín. Đặc biệt những căn hộ, đất nền vị trí đẹp nhất trong 1 dự án chỉ chiếm tỉ lệ nhất định nên nhà đầu tư cần tham gia sớm thì mới có cơ hội có lời cao.

Theo các chuyên gia, không nên chỉ thấy xu hướng thị trường bất động sản ấm lên là lao vào theo tâm lý đám đông. Trong thị trường tốt vẫn có những sản phẩm kém hấp dẫn, sản phẩm khó bán. Do vậy điều quan trọng khi tham gia cuộc chơi là phải thực sự am hiểu về nó.

Quốc Tuấn