Đó là 1 trong 9 đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để gỡ khó cho chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Thành phố, theo báo cáo ngày 5/10.
Cụ thể, để gỡ khó cho NƠXH, HoREA đã đề xuất 9 cơ chế chính sách để xã hội hóa, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ sớm thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển nhà ở xã hội để thực hiện Luật Nhà ở 2014. Đặc biệt, cần xác định nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Đề xuất mua NƠXH không cần chứng minh thu nhập |
Thứ 2, đề nghị ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho 2 chương trình NƠXH cụ thể là: Chương trình NƠXH cho thuê và chương trình NƠXH thuê mua. Đối với loại NƠXH xây xong rồi bán thu tiền ngay thì nên hoàn thiện cơ chế chính sách riêng để mời gọi các doanh nghiệp, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia theo phương thức xã hội hóa.
Thứ 3, đề nghị gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (05 năm), đến hết ngày 31/05/2018 (theo quy định tại điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013 thì thời hạn giải ngân kết thúc vào ngày 31/05/2016).
Thứ 4, đề nghị lãi suất cho vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 4% - 4,5% áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng; Đối với nhà ở xã hội thì đề nghị mức lãi suất là 3 - 3,5% để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng và thực tế tình hình kiểm soát lạm phát của Nhà nước (Đây cũng là mức lãi suất phổ biến ở nhiều nước).
Thứ 5, theo quy định hiện nay, thời hạn cho vay của gói tín dụng ưu đãi là 15 năm áp dụng cho cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Hiệp hội kiến nghị đối với NƠXH thì thời hạn cho vay là 20 năm thì hợp lý và phù hợp khả năng tài chính của người mua nhà và thông lệ quốc tế (các nước cho vay mua nhà ở xã hội thông thường từ 20 đến 30 năm).
Thứ 6, đề nghị ân hạn 3 năm đầu người tiêu dùng chưa phải trả lãi vay và nợ gốc. Bổ sung đối tượng: Các cặp vợ chồng mới kết hôn; người mới mua căn nhà đầu tiên; người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú cũng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Thứ 7, hiện nay, đối tượng mua NƠXH vẫn phải chứng minh thu nhập theo quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển NƠXH. Điều này chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép đối tượng mua NƠXH cũng không phải chứng minh thu nhập. Vì trên thực tế, khi mua NƠXH thì người mua đã dùng chính căn hộ này để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà này. Và, dự án NƠXH hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư bán cho người tiêu dùng vẫn phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng theo điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ 8, về quy hoạch phát triển NƠXH, TP.HCM cần quy hoạch phát triển các cụm dân cư NƠXH, nhà ở bình dân dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng NƠXH trên địa bàn từng quận, huyện hoặc theo khu vực có tính liên quận, ở tất cả các hướng của Thành phố, có đầy đủ tiện ích, cự ly đến chỗ làm việc hợp lý, giao thông thuận tiện.
Thứ 9, về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển nhà ở xã hội, cần được sử dụng hiệu quả. Hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ này: (i) Xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; (ii) Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác; (iii) Hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Quốc Tuấn
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: vland@vietnamnet.vn |