Thanh khoản thị trường căn hộ nóng trở lại, doanh nghiệp đua tái khởi động dự án, khiến thị trường căn hộ chưa khi nào sôi động như những tháng đầu năm 2015. Thế nhưng, không phải dự án nào “chết đi sống lại” cũng khiến cả khách hàng và chủ đầu tư hoan hỉ.

Kẻ cười thì ít…

Được chấp thuận đầu tư từ tháng 2/2012, đúng lúc thị trường bất động sản Hà Nội rơi vào khó khăn, Dự án tổ hợp văn phòng, nhà ở số 317 Trường Chinh đã không thể hẹn ngày khởi động. Đầu năm 2015, khi thị trường đã có dấu hiệu hồi phục rõ nét, chủ đầu tư là CTCP Tư vấn đầu tư dự án quốc tế (ICC) mới khởi động lại dự án này. Đối tác phát triển và phân phối bán hàng được chủ đầu tư lựa chọn là Công ty Hợp tác và đầu tư bất động sản Linh Anh, một đơn vị khá mới trên thị trường bất động sản.

{keywords}

Đã 6 tháng từ ngày chính thức mở bán và trải qua 2 lần bán hàng, Dự án Hongkong Tower vẫn dừng ở cốt 0:0

Ông Nguyễn Đăng Tùng, Phó giám đốc Công ty Linh Anh cho biết, cả chủ đầu tư và đơn vị phân phối đều tự tin vào sự thành công của Dự án. Bởi dự án này tọa lạc tại vị trí đắc địa số 317 Trường Trinh, khu vực dường như không có nhiều đối thủ cạnh tranh, trong khi số lượng sản phẩm thuộc Dự án không nhiều, chỉ 133 căn hộ.

Cũng theo ông Tùng, hiện Công ty Linh Anh đang tiến hành giới thiệu căn hộ Dự án 317 Trường Chinh ra thị trường và nhận đăng ký mua căn hộ với giá từ 35-38 triệu đồng/m2. Dự kiến, Dự án sẽ đủ kiều kiện chuyển sang hợp đồng mua bán ngay trong năm 2015.

Có chung số phận như Dự án 317 Trường Trinh, Dự án Castle Plaza tại 136 Hồ Tùng Mậu cũng từng “đắp chiếu” trong một thời gian dài. Đến khi Dự án được tái khởi động với tên gọi mới Goldmark City và được quản lý, phát triển bởi một doanh nghiệp mới xuất hiện trên thị trường, vẫn có không ít người nghi ngờ về sự thành công của dự án này.

Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 1 năm triển khai, 4 tòa tháp của Dự án đã được chủ đầu tư xây dựng đến tầng 20; nhiều khối nhà còn lại, chủ đầu tư đã xây xong phần đế nhưng vẫn chưa công bố bán hàng. Khi đó, nhiều người mới thực sự tin tưởng về sự nhập cuộc nghiêm túc của chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án.

Thêm một dự án khác tại Hà Nội được một đơn vị phát triển dự án “mới toanh” tiếp quản là tổ hợp các tòa H, J, K, thuộc Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường. Tổ hợp này trước đó bị “đắp chiếu” gần 3 năm, dù đã xây xong phần hầm công trình. Tuy nhiên, sau khi được đơn vị phát triển dự án Ceninvest mua lại, Dự án được triển khai nhanh và khá thu hút khách hàng.

Người khóc vẫn nhiều

Tại Hà Nội, những dự án “chết đi, sống lại” như Goldmark City đếm được trên đầu ngón tay. Ngược lại, những dự án tái khởi động để “bẫy chết” nhà đầu tư, khách mua nhà thì nhiều vô kể.

Chẳng hạn như Dự án Sky Garden Định Công từng được chủ đầu tư và đơn vị phân phối quảng cáo rùm beng, sau một thời gian ngắn triển khai, mở bán, chủ đầu tư đã thu hàng trăm tỷ đồng của khách hàng thì lại bất ngờ “đắp chiếu”.

Hoặc tại Dự án Hatoco Trần Phú (quận Hà Đông), khách hàng khóc dở khi Dự án vài lần tái khởi động, thu tiền của khách, nhưng việc hoàn thiện vào thời điểm nào vẫn là câu hỏi lớn.

Dự án Hongkong Tower (quận Đống Đa) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Dự án này sau nhiều năm “đắp chiếu” bất ngờ được tái khởi động và bán hàng. Tuy nhiên, sau 2 đợt bán hàng, Dự án đến nay vẫn dừng lại ở vị trí cốt 0:0.

Khảo sát của ĐTCK cho thấy, sự ấm lên của thị trường bất động sản thời gian qua đã giúp các dự án “chết đi, sống lại” nhanh chóng cung cấp nguồn căn hộ đủ điều kiện bán hàng, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường.

Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc khách hàng đã hết rủi ro. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thiếu năng lực, sau khi tái khởi động dự án đã nhanh chóng ngừng thi công, khiến khách hàng tin mua sản phẩm, hoặc tiếp tục đóng tiền cho chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa vì không biết khi nào dự án mới hoàn thành và bàn giao nhà.

Theo Đầu tư Bất động sản