Thực hiện Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị từ nay tới năm 2025, TP.HCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập.
Theo lịch trình, việc di dời, giải tỏa những căn nhà “ổ chuột” nằm trên và ven kênh, rạch tại địa bàn thành phố sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2015-2020 sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn 2 từ năm 2020 – 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
20.000 căn nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, rạch sẽ bị di dời, giải tỏa trong thời gian tới. |
Cụ thể, trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.
Theo Sở Xây dựng, dự báo số lượng nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, rạch trên địa bàn TP hiện nay có thể cao hơn con số 17.000 căn. Bởi hiện nay 67 tuyến kênh chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Cũng theo Sở Xây dựng, việc thay đổi ranh giới giải tỏa hành lang kênh, rạch cộng với các quận có nhiều nhánh kênh, rạch cần chỉnh trang, nên số lượng nhà lụp xụp có thể tăng lên.
Trước thông tin thành phố sẽ tiến hành di dời giải tỏa những căn nhà trên và ven kênh rạch, chúng tôi đã ghi nhận được không ít những thông tin trái chiều từ người dân thuộc diện giải tỏa. Hiện đang có nhà nằm trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Q.8 phải di dời, giải tỏa - nhà của chị Lê Thị Nguyệt. Chị đã không khỏi hồi hộp, lo lắng.
Chị Nguyệt cho biết, căn nhà cấp 4 khoảng 30m2 được xây dựng trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm là nơi trú ngụ của 7 thành viên trong gia đình chị gồm bố mẹ chồng, vợ chồng chị Nguyệt và một đứa con nhỏ. “Vợ chồng tôi đều làm nghề tự do, thu nhập tháng chỉ mấy triệu, nếu căn nhà bị giải tỏa, chúng tôi không biết phải tìm nơi ở mới để ổn định cuộc sống như thế nào”, chị Nguyệt nói.
Trái ngược với tâm lý của chị Nguyệt, anh Nguyễn Văn Phong, hiện có nhà thuộc diện giải tỏa trên rạch Văn Thánh, Q.Bình Thạnh, lại có tâm trạng hồ hởi, chờ đợi ngày được di dời đến nơi ở mới. Anh Phong cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, khoảng 10 năm về trước gia đình anh Phong đã mua căn nhà nằm trên rạch Văn Thánh.
Nhiều năm nay gia đình anh và nhiều hộ dân sống trên con rạch này phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên quanh năm. Do nền đất yếu, nên căn nhà cấp 4 của gia đình anh Phong hiện đang bị sụt lún, có khả năng bị sập bất cứ lúc nào, khiến gia đình anh đang phải sống trong tâm trạng hồi hộp, lo sợ. Bởi anh không biết khi nào nhà của mình sập xuống lòng kênh.
“Con rạch Văn Thánh bị ô nhiễm trầm trọng, cư dân tại đây luôn phải chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ kênh. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, nên dù tìm nơi cư trú mới nhưng chúng tôi vẫn chưa có đủ tiền. Nay thành phố có chính sách giải tỏa, mong rằng thành phố sẽ có một chính sách di dời hợp lý để chúng tôi có chỗ ở mới tốt hơn”, anh Phong chia sẻ.
Với việc thực hiện di dời, giải tỏa 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch tại địa bàn TP.HCM và được thay thế bằng những khu đô thị khang trang trong thời gian tới. Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị do thành phố chỉ đạo được kỳ vọng sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho quá trình phát triển và hội nhập của TP.HCM.
Theo Báo Phụ nữ